MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Ép buộc con xin lỗi là góp phần giết chết cá tính một đứa trẻ” - Quan điểm của mẹ 9x nhận cơn mưa đồng tình

10-10-2021 - 16:51 PM | Sống

Dạy trẻ biết xin lỗi và nói lời xin lỗi là chuyện quan trọng. Nhưng cách xin lỗi như thế nào và có nên ép trẻ phải nói lời xin lỗi hay không mới là chuyện đáng nói.

Khi người lớn được phân vai hoặc chủ đích làm quan tòa, chúng ta thường nói với trẻ: "Con xin lỗi mẹ ngay", "Con xin lỗi bạn đi", "Con xin lỗi em chưa?", "Xin lỗi đi mẹ sẽ thưởng kẹo"... Chúng ta thường bắt lũ trẻ phải xin lỗi khi nghĩ rằng chúng làm sai, nhưng có khi lại quên mất việc cần làm hơn là giải thích rằng chúng đã sai ở đâu, sai như thế nào và để trẻ thực sự nhận thức được điều đó để sửa chúng trong tương lai.

Đấy là còn chưa nói với 1 số trường hợp khi đứa trẻ nhất quyết nói rằng chúng không làm gì sai và cha mẹ vẫn ép buộc chúng xin lỗi bằng được. Và rồi chúng vẫn mở miệng ra nói lời xin lỗi mà bụng không hề phục, thậm chí dần trở nên bướng bỉnh, khó bảo.

Chúng nhận ra rằng cái gì đó được cho là đúng do cha mẹ và người lớn quy định, dần dần chúng trở thành 1 đứa trẻ lầm lì, không bày tỏ chính kiến, thậm chí chẳng buồn tranh luận với ai hết... "Đằng nào mình chẳng là người sai, nói lại làm gì", đứa trẻ sẽ nghĩ như thế.

Và trong 1 bài viết gần đây của 1 bà mẹ Việt 9X Alicia Vu (Quỳnh), sinh sống tại Anh, chị đã bày tỏ quan điểm về việc 'bắt ép trẻ xin lỗi' gây ra những tác hại như thế nào và đưa ra cách xử lý đúng cho cha mẹ.

“Ép buộc con xin lỗi là góp phần giết chết cá tính một đứa trẻ” - Quan điểm của mẹ 9x nhận cơn mưa đồng tình - Ảnh 1.

Alica Vũ, bà mẹ 9X, hiện đang sinh sống tại Anh, người có những quan điểm dạy con tiên tiến.

"Hôm trước trong bữa ăn, con mình đã ăn vạ vì đòi bố bế và không chịu ngồi ghế ăn. Khi cơn ăn vạ đã được giải quyết ổn thoả, con ngồi ăn hết phần cơm một cách vui vẻ rồi bỗng dưng quay sang nói với bố:

- Bố ơi con xin lỗi.

- Sao con lại xin lỗi bố?

- Vì lúc nãy con khóc, làm phiền bố.

- À không sao đâu con. Bố không thấy phiền đâu, nhưng bố rất vui vì con biết nhận lỗi. Như thế là con rất dũng cảm!

Có một sự khác biệt rất rõ ràng giữa “những em bé biết nói lời xin lỗi” và “những em bé thật sự biết nhận lỗi”. Một em bé chỉ nói xin lỗi như thói quen thường không thay đổi hành vi xấu sau đó. Lý do rất đơn giản là em bé chỉ nói xin lỗi để thoát tội, để được khen hoặc tránh bị đòn, bị mắng chứ không thật sự ý thức được điều mình đã làm là sai. Trong khi em bé thật sự biết nhận lỗi có thể gắn kết được cảm xúc hối lỗi vào tình huống, và sẽ cố gắng tránh rơi vào cảm xúc này trong tương lai bằng cách tránh lặp lại sai lầm.

Có rất nhiều phụ huynh kể cho mình câu chuyện về em bé “lỳ”, làm sai nhưng nhất định không chịu nói lời xin lỗi. Cách xử lý của bố mẹ thường là phạt, mắng đến khi con chịu nói xin lỗi mới tha.

“Ép buộc con xin lỗi là góp phần giết chết cá tính một đứa trẻ” - Quan điểm của mẹ 9x nhận cơn mưa đồng tình - Ảnh 2.

Tranh minh họa

Hãy nhìn sự việc từ hướng nhìn của trẻ:

“Xin lỗi là cái gì? Tại sao mình phải nói như thế? Vì mình có lỗi nên phải xin lỗi à? Xin xong sẽ hết lỗi, được tha và lần sau được tiếp tục hả? Nhưng mình có thấy mình sai cái gì đâu? Mình đổ nước ra sàn, mình quát bố mẹ, bố mẹ bảo thế là sai nhưng mình có thấy sai đâu?”

Bên trong em bé 2 tuổi “lỳ lợm” mà bố mẹ đang mô tả, hoàn toàn có thể có những suy nghĩ hỗn độn như thế này. Khi bạn làm mọi cách để buộc trẻ phải thốt ra lời xin lỗi, bạn đang vô tình góp phần tạo nên một em bé “lươn lẹo” hoặc “yếu đuối” trong tương lai. Sau này ai bảo con sai mà con không thấy mình sai thì cũng phải cúi đầu xin lỗi họ cho xong chuyện hay sao?

Không, mình không muốn con mình trở thành người như thế!

Nói như vậy không có nghĩa là bạn không cần dạy con nói lời xin lỗi. Tuy nhiên, hãy dạy con về cảm giác hối hận, về hậu quả, về sự tổn thương hay khó chịu của người khác trước sai lầm của con trước đã.

- Con đã biết con sai ở đâu chưa?

*mặt “lỳ” ra không nói*

- Con đã giật đồ từ tay mẹ mà con chưa xin phép. Khi con làm thế, mẹ cảm thấy không được tôn trọng và món đồ có thể rơi xuống đất, bị hỏng. Mình không bao giờ được giật đồ từ tay người khác, thay vào đó mình nên nhẹ nhàng và lịch sự xin phép. Nếu người ta đồng ý thì mình cầm, nếu không đồng ý thì mình phải chịu, con ạ.

*tiếp tục “lỳ”*

- Mẹ nói như thế con có hiểu không? Con có muốn xin lỗi mẹ không?

:*vẫn lỳ*

- Được rồi, mẹ nghĩ con là em bé thông minh nên con đã hiểu những lời mẹ nói rồi. Con chưa đủ dũng cảm để xin lỗi mẹ thì cũng không sao. Con biết lỗi và sau này đừng lặp lại là được rồi. Ra đây mẹ ôm con nhé.

*chạy vào mẹ ôm*

Hoặc là:

- Mẹ ơi bạn S không muốn chơi với con.

- Đúng rồi, vì con đã làm bạn buồn. Con không cho bạn đụng vào bất cứ đồ chơi nào của con trong khi bạn chia sẻ với con đồ chơi của bạn.

- Con muốn chơi cùng bạn, mẹ ơi...

- Nếu mình chẳng may làm bạn buồn và muốn chuộc lỗi thì con nên nói lời xin lỗi với S, sau đó chia sẻ đồ chơi với bạn. Mẹ nghĩ bạn sẽ hết giận con thôi.

*chạy ra xin lỗi bạn và lại chơi với nhau vui vẻ*

- - -

Trong quá khứ, mình cũng từng mắc sai lầm về việc dạy con xin lỗi. Đến một ngày mình nhớ lại tuổi thơ của chính mình, những lần phải cúi đầu xin lỗi trước quyền lực thật ấm ức biết bao nhiêu. Mình đã nổi loạn và cứng đầu hơn sau những lần đó như thế nào? Vậy là mình quyết định dừng lại.

Con của mình chỉ cần biết nói ra lời xin lỗi khi chính bản thân cảm thấy cần phải làm thế là đủ. Nếu con chấp nhận được những hậu quả trực tiếp của việc không xin lỗi, hãy cứ để con chọn điều đó. Bạn biết điều gì là tốt cho con, nhưng đôi khi để con tự gánh chịu hậu quả lại có kết quả tốt hơn rất nhiều trong tương lai.

Ép buộc con nói lời xin lỗi chính là một dạng thao túng và góp phần giết chết cá tính cũng như chính kiến của trẻ". 

“Ép buộc con xin lỗi là góp phần giết chết cá tính một đứa trẻ” - Quan điểm của mẹ 9x nhận cơn mưa đồng tình - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Từ quan điểm của bà mẹ này, nhiều phụ huynh trước đây vốn vô tâm với con cái của mình và thường cho rằng ý kiến người lớn luôn đúng, lời của người lớn là mệnh lệnh, họ sẽ phải có cái nhìn lại. Hoặc như thói quen nhiều bà mẹ mở miệng là: "Xin lỗi mẹ ngay", "Xin lỗi anh ngay", "Xin lỗi mẹ đi, mẹ sẽ có mua đồ chơi cho"... sẽ phải có cái nhìn và cách hành xử khác.

Dạy trẻ biết cách và khi nào cần nói lời xin lỗi là cần thiết, nhưng ép trẻ phải nói lời xin lỗi mà không để ý đến cảm xúc đứa trẻ lại là 1 chuyện khác.

Muốn để trẻ biết tự giác nói lời xin lỗi chính người làm cha, làm mẹ cũng cần biết nói lời xin lỗi với con cái khi mình sai.

Và cuối cùng, điều cốt lõi là cha mẹ cần hướng trẻ nhận ra việc mình làm là sai hoặc biết khi nào cần nói lời xin lỗi như 1 cách lịch sự tối thiểu. Cha mẹ đừng vội hài lòng với lời xin lỗi được bật ra từ miệng trẻ, đừng ép con thành những chiếc robot biết nói lời xin lỗi!

Theo ĐX

Pháp luật & Bạn đọc

Trở lên trên