MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

EU đề xuất các nước thành viên cắt giảm 15% lượng khí đốt tiêu thụ

21-07-2022 - 10:32 AM | Tài chính quốc tế

Ngày 20/7, Liên minh châu Âu (EU) đã đề ra các kế hoạch khẩn cấp cho các nước thành viên để đến tháng 3/2023 mỗi nước sẽ cắt giảm 15% lượng khí đốt tiêu thụ, đồng thời cảnh báo nếu không cắt giảm ngay từ lúc này thì mùa Đông tới sẽ rất khó khăn trong trường hợp Nga cắt toàn bộ nguồn cung.

Các nước EU đang nỗ lực dự trữ đầy khí đốt trước khi mùa Đông tới và có đủ khí đốt dự phòng trường hợp Nga tiếp tục hạn chế nguồn cung khí đốt nhằm đáp trả các biện pháp trừng phạt mà EU đã áp đặt liên quan chiến dịch quân sự đặc biệt của Moskva tại Ukraine. Hiện nguồn cung khí đốt từ Nga tới nhiều nước EU đã bị giảm trong khi các quan chức liên minh này không loại trừ khả năng Nga có thể sẽ cắt hoàn toàn nguồn cung cho EU.

Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất để các nước tự nguyện thực hiện mục tiêu cắt giảm 15% lượng khí đốt tiêu thụ từ tháng 8/2022 - 3/2023, so với mức tiêu thụ trung bình của mỗi nước trong cùng giai đoạn tính từ năm 2016 - 2021. Đề xuất này cũng có đoạn nêu rõ Brussels có thể đưa ra yêu cầu bắt buộc thực hiện mục tiêu trên nếu xảy ra tình trạng khẩn cấp về nguồn cung, tức là nguy cơ cao thiếu khí đốt nghiêm trọng. Đề xuất cần được sự chấp thuận của đa số các nước thành viên EU.

Dự kiến, trong ngày 22/7, các nhà ngoại giao EU sẽ thảo luận về đề xuất nhằm mở đường thông qua đề xuất tại một cuộc họp khẩn của các bộ trưởng năng lượng EU trong ngày 26/7.

Kế hoạch này đã vấp phải sự phản đối từ một số nước cho rằng Brussels không cần thúc giục các kế hoạch khẩn cấp. Các nước thành viên được yêu cầu cung cấp bản cập nhật các kế hoạch khẩn cấp về khí đốt vào cuối tháng 9 để làm rõ cách thức mỗi nước sẽ đạt được mục tiêu mà EU đề ra. Trong số những nước phản đối việc EU đưa ra mục tiêu bắt buộc có Ba Lan khi quốc gia này đã đạt 98% năng lực dự trữ khí đốt sau khi Nga cắt nguồn cung vào tháng 4. Tuy nhiên, một số nước khác mới dự trữ được rất ít khí đốt, như Hungary đạt khoảng 47% năng lực dự trữ.

Các quan chức EU cho rằng cần đảm bảo tất cả các nước thành viên cùng hành động ngay từ bây giờ thay vì đợi đến khi Nga thực sự cắt toàn bộ nguồn cung vì khi đó cái giá phải trả sẽ cao hơn và EU sẽ bị động hơn. EC cho rằng việc Nga cắt hoàn toàn nguồn cung cộng với một mùa Đông giá rét sẽ khiến trung bình Tổng sản phẩm nội khối (GDP) của EU giảm tới 1,5% nếu các nước không chuẩn bị trước. Hồi tuần trước, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo nếu Nga cắt nguồn cung khí đốt, các nền kinh tế EU sẽ rơi vào suy thoái, khiến cuộc khủng hoảng khí đốt thêm trầm trọng.

Trước khi leo thang căng thẳng vì chiến dịch quân sự đặc biệt của Moskva tại Ukraine, Nga cung cấp khoảng 40% khí đốt tiêu thụ tại EU. Tuy nhiên, con số này đã giảm xuống dưới 30%, so với trung bình giai đoạn 2016 - 2021, kể từ sau khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine được triển khai vào cuối tháng 2 vừa qua. Hiện hoạt động cung khí đốt từ Nga sang EU cũng đang bị gián đoạn vì hệ thống đường ống dẫn Dòng chảy phương Bắc 1 bảo trì định kỳ. Theo kế hoạch, hệ thống sẽ vận hành trở lại từ ngày 21/7 nhưng nhiều nước lo ngại trong bối cảnh căng thẳng song phương tiếp tục leo thang vì tình hình Ukraine, có khả năng Nga sẽ cắt nguồn cung khí đốt cho EU.

Ngày 20/7, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cho rằng việc Nga cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt cho EU là "một kịch bản có thể xảy ra". Do đó, trong bất kỳ trường hợp nào, cho dù là Nga cắt giảm một phần, cắt giảm phần lớn hoặc cắt giảm hoàn toàn nguồn cung khí đốt của Nga, châu Âu cũng cần phải sẵn sàng.

Brussels gợi ý một số biện pháp mà các chính phủ có thể thực hiện để hạn chế tiêu thụ khí đốt như bồi thường cho các ngành giảm sử dụng khí đốt, hạn chế các hệ thống làm mát hoặc sưởi ấm tại các tòa nhà công. Các chính phủ cũng nên cân nhắc những ngành nào cần phải dừng hoạt động trong bối cảnh khẩn cấp về nguồn cung. Theo quy định của EU, các hộ gia đình là nhóm khách hàng cần được bảo vệ nên sẽ không phải chịu những hạn chế trên.

Theo Lê Ánh

Báo tin tức

Trở lên trên