EU sẽ miễn thuế và hạn ngạch nhập khẩu gạo, mía đường từ Việt Nam
EU dành cơ chế ưu tiên nhập khẩu từ Việt Nam các sản phẩm gạo, mía đường và các sản phẩm này sẽ không bị tính thuế và không có hạn ngạch.
Các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam. Năm 2017 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với châu Âu đạt 52,89 tỷ USD, tăng 13,8% so với 2016. EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, là điểm đến của 18% lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam, trong đó chủ yếu là các mặt hàng nông, lâm, thủy sản. Việc thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) sẽ là động lực lớn thúc đẩy quan hệ đầu tư, thương mại giữa 2 bên trong tương lai gần.
Tại Diễn đàn Thương mại Việt Nam – EU với chủ đề "Thương mại nông sản – đối tác phát triển bền vững", do Bộ Công Thương tổ chức ngày 6/12, bà Miriam Garcia Ferrer, Trưởng ban kinh tế và thương mại, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho biết, với hi vọng EVFTA được ký kết vào đầu năm tới, Việt Nam và EU cần nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục để đưa hiệp định này vào thức thi trước tháng 5/2019.
Nhận định kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam chiếm tỷ lệ cao hơn so với kim ngạch nhập khẩu tại thị trường EU, bà Miriam Garcia Ferrer cho rằng đây là cơ hội rất lớn đối với Việt Nam. Đặc biệt khi EVFTA đi vào thực thi sẽ mang lại cơ hội cho cả 2 bên bởi trong số 10 quốc gia xuất khẩu nhiều nhất vào thị trường châu Âu, Việt Nam đang đứng thứ 10 và chiếm 2% tổng kim ngạch nhập khẩu vào EU.
Diễn đàn Thương mại Việt Nam – EU với chủ đề: Thương mại nông sản – đối tác phát triển bền vững.
Tuy nhiên, bà Miriam Garcia Ferrer cũng khuyến cáo, các mặt hàng nông sản và thực phẩm xuất khẩu vào EU từ trước đến nay đều phải tuân thủ các điều khoản thương mại cũng như khuôn khổ pháp lý. Do vậy, hai bên cần phải biết “luật chơi” và tuân thủ những quy định chung giúp minh bạch thị trường, giải quyết các bất đồng phát sinh trong hoạt động thương mại.
“Các hoạt động thương mại từ Việt Nam tới EU sẽ được miễn thuế sau 7 năm, từ EU tới Việt Nam là 10 năm. Đối với 1 số loại hàng nông sản EU có ưu tiên cho Việt Nam là các sản phẩm gạo, mía đường… hoạt động xuất khẩu này sẽ không bị tính thuế và không có hạn ngạch”, bà Miriam Garcia Ferrer cho biết.
Đề cập đến vấn đề kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như dư lượng chất hóa học có trong nông sản, thực phẩm, bà Miriam Garcia Ferrer thừa nhận, EU vốn là thị trường lương thực, thực phẩm có tiêu chuẩn cao nhất thế giới nên thường xuyên bị chỉ trích là “quá ngặt nghèo”. Bởi lẽ, EU là thị trường chung nên các quy định được xem xét từ từng quốc gia và Ủy ban liên minh châu Âu nên phải có tiêu chuẩn chung.
Mặc dù vậy bà Miriam Garcia Ferrer cũng trấn an, các tiêu chuẩn này thực ra không quá khó. Đối với các sản phẩm xuất và nhập khẩu của EU không phân biệt và không có trường hợp loại trừ. Cũng như các thị trường khác, bất cứ thị trường nhập khẩu nào cũng đều phải kiểm tra hàng hóa, xem đối tác xuất khẩu đã đảm bảo tuân thủ thị trường như thế nào. Các nhà nhập khẩu tại EU sẽ kiểm tra toàn bộ điều kiện của hàng hóa nhập khẩu, đảm bảo cho các thị trường tuân thủ.
Trong đó, quy định liên quan tới xuất khẩu vào EU cũng như các nghĩa vụ phải thực hiện khi Việt Nam ở trong EVFTA cần phải hiểu những nghĩa vụ được ưu tiên là gì, quy định về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa cần được minh bạch thông tin. Đối với sản phẩm nông nghiệp có xuất xứ từ động vật, EU rất nghiêm ngặt theo quy định trước tiên, đó là sản phẩm phải nằm trong danh sách nhập khẩu, các loại rau củ quả chỉ cần tuân thủ theo quy định là được.
“Tiêu chuẩn cao nhất là nông sản nhập khẩu vào EU là phải an toàn. Quy định nghiêm ngặt này với mong muốn tăng thuận lợi hóa thương mại và không muốn mất thời gian nên những quy định này phải được thực hiện nhanh chóng. Đây là thị trường chung nên phải đặt ra một số nguyên tắc và mọi thông tin đều được minh bạch được trên website cũng như quy trình xử lý tự động”, bà Miriam Garcia Ferrer nói.
Đưa ra lời khuyên đối với các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, bà Miriam Garcia Ferrer cho biết, Việt Nam cần phải đưa mình lên chuẩn mới hơn đối với hàng hóa xuất khẩu để tương thích hơn với EU, điều đó cũng có nghĩa người tiêu dùng được tiếp cận hàng hóa từ EU với giá cả hợp lý hơn.
Đặc biệt, khi EVFTA đi vào thực thi sẽ thúc đẩy đầu tư từ EU sang Việt Nam và Việt Nam sẽ được EU chuyển giao công nghệ, nhất là lĩnh vực nông nghiệp với cam kết hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam. Quan điểm của EU là sẽ không tập trung vào sản lượng xuất khẩu mà chú trọng đến chất lượng để Việt Nam không chỉ đáp ứng mà sẽ vượt các tiêu chuẩn do EU đề ra./.
VOV