MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

EU "từ chối khéo" kêu gọi của Trung Quốc ngay tại Liên Hiệp Quốc

26-09-2020 - 14:05 PM | Tài chính quốc tế

Lãnh đạo chính trị của Liên minh châu Âu (EU) cho biết khối này vẫn quyết tâm kêu gọi Trung Quốc thay đổi cơ cấu kinh tế để trở nên công bằng hơn đối với các doanh nghiệp nước ngoài.

Trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào ngày 25-9, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cũng tái khẳng định mối quan hệ thân cận của EU với Mỹ bất chấp nỗ lực của Bắc Kinh trong việc can ngăn các nước phương Tây chọn phe trong cuộc cạnh tranh ngày càng căng thẳng giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

"Chúng tôi không có điểm tương đồng với hệ thống chính trị và kinh tế của Trung Quốc. Chúng tôi có kết nối sâu sắc với Mỹ khi có cùng lý tưởng, giá trị và thiện cảm chung đã được củng cố qua nhiều thử thách trong lịch sử. Chúng vẫn được duy trì trong một liên minh xuyên Đại Tây Dương quan trọng. Tuy nhiên, đôi khi chúng tôi vẫn có những cách tiếp cận hoặc lợi ích khác nhau" - tờ South China Morning Post trích lời ông Michel.

Ông Michel là một trong 3 lãnh đạo của EU từng họp qua video với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi đầu tháng này. Ông chỉ trích hình mẫu kinh tế của Trung Quốc khi 2 phía vẫn đang trong tình trạng bất đồng về quyền tiếp cận thị trường Trung Quốc trong các cuộc đàm phán về một thỏa thuận đầu tư.

EU từ chối khéo kêu gọi của Trung Quốc ngay tại Liên Hiệp Quốc  - Ảnh 1.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ngày 25-9. Ảnh: EPA-EFE

Khi cân nhắc vai trò toàn cầu và quan hệ với EU của Trung Quốc, ông Michel nói: "Trung Quốc là một đối tác quan trọng trong việc giải quyết các thách thức chung như biến đổi khí hậu, dịch Covid-10 hay xóa nợ ở châu Phi. Trung Quốc cũng là một đối tác thương mại quan trọng. Dù vậy, chúng tôi kiên quyết tái cân bằng để hướng đến một mối quan hệ bình đẳng hơn và cạnh tranh công bằng hơn".

Phát biểu của ông Michel là phản ứng mới nhất trong tuần này của các lãnh đạo châu Âu liên quan đến căng thẳng với Trung Quốc. Trước đó, vào ngày 22-9, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã gây sức ép lên Bắc Kinh khi chỉ trích vấn đề nhân quyền và hành vi "bá quyền" của nước này khi phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.

Theo Bảo Hạnh

NLĐ

Trở lên trên