MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

EU-Việt Nam: Đưa mối quan hệ thương mại lên tầm cao mới

Theo phóng viên TTXVN tại Bỉ, ngày 27/4 tại trụ sở Nghị viện châu Âu (EP) ở thủ đô Brussels, Nhóm nghị sĩ hữu nghị Liên minh châu Âu (EU)-Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Bỉ và Viện nghiên cứu châu Âu về châu Á, đã tổ chức hội thảo về quan hệ kinh tế thương mại giữa EU và Việt Nam.

Với chủ đề “,” hội thảo thu hút sự tham dự của các nghị sĩ EU, học giả, lãnh đạo các tổng vụ kinh tế, thương mại của EU, các nhà nghiên cứu và giới doanh nghiệp Bỉ. Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh EU, Vương Thừa Phong và Tham tán thương mại Việt Nam tại Bỉ, Nguyễn Cảnh Cường đã tham dự sự kiện.

Các đại biểu đã tập trung thảo luận về trọng tâm, triển vọng và lợi ích mà Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) sẽ mang lại cho các doanh nghiệp hai bên. Theo các diễn giả, quan hệ kinh tế, thương mại EU-Việt Nam là một mô hình phát triển thành công.

Tháng 8/2015, Việt Nam và EU đã đạt được thỏa thuận về một Hiệp định thương mại tự do toàn diện (EVFTA) sau hai năm rưỡi đàm phán. Sau việc hoàn tất FTA với Singapore năm 2014, đây sẽ là FTA thứ hai giữa EU với một nước của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Như vậy, đây là một bước tiếp theo hướng tới mục tiêu cuối cùng của EU về một FTA liên khu vực tham vọng và toàn diện với cả khối ASEAN.

Quan hệ thương mại giữa EU-Việt Nam tiếp tục được phát triển khi tại phiên họp toàn thể tháng 12 năm ngoái, EP đã nhất trí thông qua Hiệp định Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA) với Việt Nam. Các hiệp định này tạo động lực cho các công ty châu Âu tăng cường sự hiện diện tại thị trường Việt Nam, với hơn 90 triệu người tiêu dùng. EVFTA có thể làm tăng giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang EU khoảng 4% mỗi năm, và xuất khẩu của EU vào Việt Nam hơn 3%.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Baron de Grand Ry, lãnh sự danh dự của Việt Nam ở Bỉ đánh giá những triển vọng tích cực mà EVFTA sẽ mang lại, đặc biệt khi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt gần 7% năm 2015. Ông De Grand Ry cho rằng châu Âu chú trọng phát triển mối quan hệ đối tác thương mại với Việt Nam nhằm đối trọng với ảnh hưởng của Mỹ ở quốc gia châu Á này.

Về mặt hàng hóa, châu Âu sẽ xuất khẩu mạnh hơn nữa vào thị trường Việt Nam các mặt hàng công nghiệp, đặc biệt là dược phẩm, hoá phẩm. Còn Việt Nam cũng có điều kiện đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường châu Âu bởi Việt Nam có nhiều mặt hàng chất lượng tốt được người tiêu dùng châu Âu ưa chuộng như nông sản, hải sản, càphê…

Là chuyên gia nghiên cứu về mối quan hệ giữa châu Âu với châu Á, đặc biệt với Đông Nam Á, Giáo sư David Camroux thuộc Trung tâm nghiên cứu quốc tế - Trường Khoa học- Chính trị Paris nhấn mạnh hội thảo này cho thấy tầm quan trọng của Việt Nam đối với châu Âu, đồng thời thúc đẩy hai bên đạt được những cam kết của mình.

Theo ông, việc EU mở rộng mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam khi quốc gia này có mối quan hệ chặt chẽ, lâu năm với các nước Trung Âu và Đông Âu. EVFTA sẽ góp phần tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam với các quốc gia này, ngoài quan hệ sẵn có với Pháp, Đức…

Liên quan đến những tác động của hiệp định, giáo sư David Camroux cho rằng Việt Nam cần phải thể hiện cải cách mạnh mẽ nền kinh tế, cải thiện tiêu chuẩn về môi trường, tăng cường quyền của người lao động. Còn đối với EU, Việt Nam không còn là một quốc gia đang phát triền nữa mà là một quốc gia mới công nghiệp hóa và đang là một “con hổ lớn” ở châu Á. Điều này buộc EU phải chú trọng nhiều hơn nữa trong mối quan hệ kinh tế, thương mại với Việt Nam khi EVFTA được đánh giá mang tính tích cực./.

PV

Theo TTXVN/Vietnam+

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên