Evergrande đối diện một loạt tin 'chẳng lành': Công ty con vỡ nợ trái phiếu, cựu CEO và CFO bất ngờ bị cảnh sát bắt giữ
Công ty con ở đại lục của Evergrande đã không thể thanh toán 4 tỷ NDT (547 triệu USD) cả tiền gốc và lãi đối với trái phiếu đến hạn ngày 25/9. Trong khi đó, cựu CEO và CFO của tập đoàn đã bị cảnh sát bắt giữ.
Những vấn đề thanh khoản ở Evergrande đang ngày càng trở nên căng thẳng hơn, sau khi công ty ở đại lục của tập đoàn này cho biết họ không thể thanh toán trái phiếu trong nước. Thông báo này càng ảnh hưởng đến tương lai của nhà phát triển, nhất là khi kế hoạch tái cơ cấu với các chủ nợ nước ngoài vẫn ở trạng thái bấp bênh.
Công ty con Hengda Real Estate Group Co. của Evergrande đã không thể thanh toán 4 tỷ NDT (547 triệu USD) cả tiền gốc và lãi đối với trái phiếu đến hạn ngày 25/9. Vào tháng 3, Hengda đã không thanh toán được khoảng lãi 5,8% đối với trái phiếu NDT phát hành năm 2020 và cho biết sẽ “tích cực” đàm phán với các trái chủ để tìm ra giải pháp.
Hiện tại, Evergrande đã đến gần hạn chót để đưa một trong những kế hoạch tái cơ cấu lớn nhất từ trước đến nay của Trung Quốc quay về “đúng hướng”. Công ty đã huỷ bỏ các cuộc họp với các chủ nợ quan trọng vào phút cuối, cho biết họ cần xem xét lại kế hoạch.
Trước đó, một số nhân viên của bộ phận quản lý tài sản đã bị giam giữ và công Uỷ ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) và Uỷ ban Cải cách và Phát triển Quốc gia để phát hành trái phiếu mới. Hãng tin Caixin cho biết, Xia Haijun, cựu CEO của Evergrande và cựu CFO Pan Darong đã bị cảnh sát bắt giữ.
Đây thực sự là “đòn giáng” mạnh với kế hoạch tái cơ cấu ít nhất 30 tỷ USD nợ nước ngoài của Evergrande. Với kế hoạch này, các chủ nợ sẽ phải hoán đổi các trái phiếu không thể thanh toán với các chứng khoán mới.
Evergrande là một trong những trường hợp được chú ý nhiều nhất trong cuộc khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc. Tập đoàn này đang chịu áp lực phải hoàn thành kế hoạch chi tiết cho việc tái cơ cấu khoản nợ nước ngoài, trong khi chật vật với khoảng nợ lên tới 2,39 nghìn tỷ NDT. Công ty này cũng chuẩn bị bước vào phiên điều trần ngày 30/10 tại toà án Hong Kong khi có đơn khởi kiện, yêu cầu Evergrande phải thanh lý công ty.
Những vấn đề mới nhất diễn ra ở Evergrande đang khiến những mối lo ngại về lĩnh vực bất động sản Trung Quốc đang bùng lên trở lại. Chỉ số theo dõi các nhà phát triển Trung Quốc của Bloomberg đã giảm mạnh nhất ở phiên 25/9, khiến vốn hoá mất 55 tỷ USD.
Ngoài Evergrande, tháng trước, Country Garden - nhà phát triển lớn nhất nước này, cũng khiến thị trường “dậy sóng” khi không kịp trả lãi trái phiếu USD đúng thời hạn ban đầu.
Trước những vấn đề đang hiện hữu, một số nhà quản lý tài sản toàn cầu cho rằng các tài sản của Trung Quốc đang thuộc nhóm “không thể đầu tư”. Trái phiếu rác ở nước ngoài của các doanh nghiệp Trung Quốc - hầu hết phát hành bởi các nhà phát triển và từng là một trong những giao dịch sinh lời tốt nhất, đã mất hơn 127 tỷ USD giá trị kể từ khi đạt đỉnh vào 2 năm rưỡi trước.
Đối với Evergrande, khó khăn trong việc phát hành trái phiếu mới có thể sẽ khiến kế hoạch tái cơ cấu của họ thay đổi đáng kể. Trong một đề xuất hồi tháng 3, tập đoàn này đã đưa ra lựa chọn cho các chủ nợ, họ có thể nhận trái phiếu mới có kỳ hạn 10-12 năm hoặc lựa chọn chứng khoán liên kết với vốn chủ sở hữu.
Tuy nhiên, sau những thông tin mới nhất, việc chuyển đổi tất cả các khoản nợ thành cổ phiếu của Evergrande và công ty con vẫn là “lựa chọn duy nhất để tái cơ cấu”, theo các nhà phân tích của UOB. Song, giải pháp này cũng phải đối mặt với những “bất ổn lớn”.
Khi cập nhật về tiến độ kế hoạch tái cơ cấu hồi tháng 4, 30% các nhà đầu tư được xác định là trái chủ “hạng C” của Evergrande với khoảng 15 tỷ USD trái phiếu đã đồng ý với kế hoạch tái cơ cấu, thấp hơn nhiều so với mức 75% cần thiết để được thông qua. Trong khi đó, 77% trái chủ “hạng A”, nắm giữ 17 tỷ USD trái phiếu, thông qua kế hoạch.
Song, sau khi huỷ bỏ cuộc họp gần đây, Evergrande vẫn chưa đưa ra lịch trình mới mà chỉ cho biết sẽ thông báo thêm khi có cập nhật.
Tham khảo Bloomberg
Nhịp sống thị trường