EVFTA - Cú hích cho doanh nghiệp
EVFTA được kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn khi dịch bệnh được kiểm soát.
- 05-03-2020Ngân hàng hàng đầu nước Đức - Deutsche Bank nâng mức đầu tư vào thị trường Việt Nam nhằm hỗ trợ TMĐT xuyên biên giới đón đầu EVFTA
- 05-03-2020EVFTA: Các giải pháp cần thiết cho vấn đề phòng vệ thương mại
- 17-02-2020Chủ tịch VCCI nói về cơ hội vàng EVFTA trong bối cảnh dịch covid-2019 lan rộng
"Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU) - (EVFTA), cao tốc hiện đại nối liền Việt Nam và EU", đó là chủ đề buổi tọa đàm do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 23-3. Buổi tọa đàm được cộng đồng doanh nghiệp (DN) rất quan tâm trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đẩy nhanh tiến độ
EVFTA được ví như "đường cao tốc hiện đại", nhưng theo ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), để tận dụng được cơ hội, thông suốt trên toàn tuyến cao tốc này là không hề dễ dàng, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 đang tác động đến nhiều nền kinh tế trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tuy vậy, ông Thái cho rằng với một hiệp định kết nối ở cấp độ cao như EVTFA sẽ thúc đẩy quan hệ và hợp tác chặt chẽ giữa Việt Nam và EU khi dịch bệnh được kiểm soát và hiệp định đi vào thực thi.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), kỳ vọng EVFTA sẽ là một trong những con đường để các DN sử dụng, nhằm vượt qua khó khăn khi dịch bệnh đã được kiểm soát. Tuy vậy, bà cũng lưu ý trên "cao tốc" này dù tốc độ di chuyển thuận lợi, ít rào cản nhưng không phải ai cũng có thể tận dụng được cơ hội nếu không có sự chuẩn bị kỹ càng.
Xuất nhập khẩu hàng hóa tại cảng Cát Lái (quận 2, TP HCM) Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI cho rằng để được hưởng những lợi ích từ EVFTA, DN phải thay đổi, phải đầu tư để đáp ứng được các điều kiện, tức là phải mất phí mới được đi trên "cao tốc" này, từ đó tận dụng tốt các cơ hội. Trách nhiệm còn lại là của cơ quan quản lý nhà nước, phải "bảo trì" để tuyến đường được thông suốt, DN thuận lợi tham gia và hưởng các ưu đãi.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều quốc gia trên thế giới hạn chế đi lại, giao thương hàng hóa, thị trường trong nước giảm sút nhưng sau khi dịch được kiểm soát, nhu cầu sẽ tăng mạnh trở lại. Do đó, EVFTA nếu đi vào thực thi đúng thời điểm dịch được kiểm soát, sẽ là cú hích cho DN nói riêng và nền kinh tế của Việt Nam nói chung.
Trong bối cảnh dịch bệnh này, ông Lương Hoàng Thái cho biết Bộ Công Thương đã tính đến các phương án khi dịch bệnh đi qua, cần có các giải pháp để tạo thị trường mới, hồi phục sản xuất, kinh doanh cho DN. Trong đó, có việc đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ, trình Chính phủ, Quốc hội để hiệp định EVFTA sớm có hiệu lực thực thi. "Chúng tôi đang lấy ý kiến các thành viên Chính phủ, sau đó trình Chủ tịch nước để kịp trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5 tới đây. Đây là khoảng thời gian quan trọng, chúng tôi đang rất khẩn trương" - ông Thái cho hay.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành có liên quan đang gấp rút chuẩn bị về mặt pháp lý, để có thể triển khai ngay khi hiệp định có hiệu lực. Dù vậy, ông Lương Hoàng Thái cũng lưu ý rằng hiệp định chỉ tạo ra tiền đề, còn việc sử dụng cơ hội như thế nào tùy thuộc vào DN, cũng như cơ quan quản lý của Việt Nam.
Doanh nghiệp chủ động thay đổi
Vụ trưởng Vụ Thương mại đa biên Lương Hoàng Thái cũng nhấn mạnh EVFTA mang lại nhiều cơ hội cho DN nhưng cũng có không ít điều kiện bắt buộc, trong đó quy tắc xuất xứ là vô cùng quan trọng. Nếu DN trong nước không đáp ứng được các quy tắc xuất xứ theo hiệp định, sẽ phải tuân thủ thuế quan phổ thông. Nói rõ hơn về quy tắc này, ông Thái cho biết sẽ tùy thuộc vào từng nhóm mặt hàng, sẽ có các quy định khác nhau. "Khi đàm phán hiệp định, mục tiêu không phải để áp dụng các quy tắc xuất xứ dễ nhất, vì khi đó giá trị gia tăng mang lại trên mỗi mặt hàng sẽ thấp. Chúng tôi hướng đến đàm phán để đạt được điểm cân bằng, DN có thể đáp ứng, không quá dễ dãi" - ông Lương Hoàng Thái nói.
Ông Thái cũng cho biết Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo thông tư hướng dẫn triển khai thực hiện hiệp định. Theo quy trình thông thường, phải sau 45 ngày thông tư mới có hiệu lực nhưng để thuận lợi cho DN, Bộ Công Thương sẽ xin phép để khi hiệp định được thông qua và có hiệu lực thi hành, thông tư được ban hành cũng sẽ có hiệu lực ngay. "EU là thị trường rất quan trọng, hiệp định có hiệu lực sẽ giúp DN có những ưu đãi dài hạn hơn nhưng thay vào đó, DN phải chủ động thay đổi, điều chỉnh phù hợp với khuôn khổ mới để tận dụng thật tốt cơ hội" - đại diện Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Nói về cơ hội của DN Việt Nam trong EVFTA, bà Nguyễn Thị Thu Trang cho rằng nếu xét trên tổng thể về năng lực cạnh tranh thì ta chưa bằng EU nhưng trong số ngành nghề cụ thể, DN Việt Nam đang có lợi thế. Do đó, EVFTA đang mang lại sự cạnh tranh bổ sung, chúng ta tập trung vào những ngành nghề mà ở EU chưa phải là thế mạnh. Bởi vậy, DN phải có sự điều chỉnh nhất định, đơn cử như quy tắc xuất xứ. "Tôi dẫn chứng về yêu cầu nguồn cung, DN cần thay đổi, có thể tìm nguồn cung nội địa với giá cao hơn nhưng sẽ đáp ứng được quy tắc xuất xứ đi EU thay vì mua của một số nước trong khu vực" - bà Trang phân tích.
Không phải rẻ là được
Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI cho rằng để hưởng được các ưu đãi, các DN phải chấp nhận đầu tư, có thể là một vài năm đầu. "Để tiếp cận được với khách hàng, thuyết phục họ mua hàng, không phải cứ rẻ là được, mà phải là những cam kết về quy tắc như sử dụng lao động, sở hữu trí tuệ. Đổi lại, DN tận dụng được cơ hội từ thị trường tiềm năng này" - đại diện VCCI cho hay.
Người lao động