EVFTA và IPA đòi hỏi Việt Nam phải điều chỉnh thể chế kinh tế
Hiệp định EVFTA và IPA đòi hỏi Việt Nam phải điều chỉnh thể chế kinh tế của mình cho phù hợp và tuân thủ đúng với những cam kết.
- 06-07-2019HSBC: Kinh tế Việt Nam năm 2019 ít lạc quan hơn, nhưng vẫn vững chắc
- 06-07-2019Kinh tế Việt Nam nửa đầu 2019 với những dấu hiệu chậm lại
- 05-07-2019EVFTA sẽ tác động thế nào đến ngành dệt may, thủy sản, gỗ Việt Nam?
Đánh giá cao ý nghĩa của Hiệp định EVFTA và IPA vừa được kí kết giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU), PGS.TS. Phạm Tất Thắng (Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính sách Công thương - Bộ Công Thương) cho biết, 7 năm sau khi EVFTA có hiệu lực, gần như 100% dòng thuế đối với hàng hóa mà Việt Nam xuất khẩu vào EU sẽ đưa về 0%, điều này sẽ mở ra điều kiện thuận lợi cho Việt Nam xuất khẩu vào thị trường châu Âu.
"Trong bối cảnh EU mới kí Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam và Singapore ở khu vực Đông Nam Á, EVFTA được kí kết, Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế hơn so với các quốc gia khác khi đưa hàng hóa vào EU", PGS.TS. Phạm Tất Thắng chỉ rõ.
Hiệp định thương mại tự do EVFTA được kỳ vọng sẽ mở ra điều kiện thuận lợi cho Việt Nam xuất khẩu vào thị trường châu Âu. (Ảnh minh họa: Nguyễn Quỳnh/VOV.VN)
Cần vượt qua các hàng rào kỹ thuật
Theo PGS.TS. Phạm Tất Thắng, bên cạnh EVFTA, Việt Nam còn kí Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (IPA), trong khi Việt Nam đang rất cần vốn cũng như công nghệ tiên tiến của EU, nhưng từ trước đến nay, Việt Nam không nhập được những công nghệ này vì giá thành quá đắt, khi có IPA, thuế suất đối với những mặt hàng này sẽ giảm mạnh - đây là cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp (DN) nhập khẩu những công nghệ hiện đại của EU nhằm đổi mới dây chuyền công nghệ.
"Những hàng rào kỹ thuật trong thương mại của EU được quy định rất cao, nên khi Việt Nam đưa được hàng hóa vào EU, điều đó cũng có nghĩa là hàng hóa của Việt Nam có thể xuất khẩu đi khắp thế giới. Chính vì thế, EVFTA và IPA sẽ là cú hích giúp cho nền kinh tế Việt Nam phát triển theo hướng hiện đại, theo đòi hỏi chung của thị trường thế giới", PGS.TS. Phạm Tất Thắng phân tích.
PGS.TS. Phạm Tất Thắng
Tuy nhiên, PGS.TS. Phạm Tất Thắng lưu ý, những cam kết thương mại trong EVFTA là rất cao, nên sẽ đòi hỏi Việt Nam phải điều chỉnh thể chế kinh tế của mình cho phù hợp và tuân thủ đúng với những cam kết. "Ở đây không chỉ đơn thuần đối với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa mà còn liên quan đến các vấn đề về dịch vụ, đầu tư và mở đường cho logistics cũng như các hoạt động phi truyền thống như chi tiêu chính phủ… đã được cam kết, nên Việt Nam cần thực hiện theo những cam kết đó để điều chỉnh được thể chế kinh tế", ông Thắng nói.
Bên cạnh những mặt thuận lợi, ông Phạm Tất Thắng cũng cho rằng, do hàng rào kỹ thuật trong thương mại của EU là rất cao, đặc biệt đối với những hàng điện máy, điện tử, thủy hải sản mà lâu nay Việt Nam vẫn phải tìm mọi cách để EU bỏ quy định "thẻ vàng" đối với thủy hải sản cũng như những quy định về dư lượng hóa chất. Cùng với đó, mặc dù các sản phẩm gỗ của Việt Nam có thế mạnh đối với thị trường EU, tuy nhiên đồ gỗ của Việt Nam muốn vào được EU lại rất cần coi trọng về vấn đề xuất xứ gỗ rừng trồng.
Do đó, muốn có được những quy tắc xuất xứ này, Việt Nam cần phát triển công nghiệp phụ trợ hoặc nông nghiệp sạch để tận dụng quy định cởi mở của EVFTA với quy tắc tính gộp. Cụ thể là hàng hóa nào đó của Việt Nam dù không sản xuất bằng nguyên liệu của Việt Nam, nhưng nếu sản xuất bằng nguyên liệu của EU hoặc của một quốc gia nào đó có kí FTA với EU cũng sẽ được coi như là sản phẩm của Việt Nam. Điều này khiến Việt Nam cần điều chỉnh việc nhập hàng nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu vào EU, hoặc điều chỉnh dòng nhập khẩu từ những quốc gia mà có FTA với EU, PGS.TS. Phạm Tất Thắng chỉ rõ.
Phải xác định trách nhiệm "mở đường"
Để tận dụng tốt các cơ hội cũng như hóa giải những thách thức mà EVFTA mang lại, chuyên gia này cho rằng, về phía Nhà nước và các Hiệp hội cần phải làm cho các DN hiểu biết, quan tâm tới EVFTA, bởi hiện nay, nhiều DN vẫn còn "lơ mơ" và coi EVFTA là thứ gì đó mang tính vĩ mô, không xác định trách nhiệm mở đường.
Mặt khác, nhà nước cần phải có một bộ phận luôn cập nhật thông tin về thị trường của EU, để có thể hiểu và tổ chức được hàng hóa xuất khẩu cho thị trường này. Cần thiết hơn cả đó chính là các DN phải có sự liên hệ chặt chẽ nhiều hơn với các Tham tán thương mại của Việt Nam tại 28 quốc gia khu vực EU. Các DN của Việt Nam cần phải bắt tay, cần phải có sự liên hệ đối với các cơ quan Tham tán này để nắm bắt được thông tin và làm theo những hướng dẫn cụ thể.
"Khi Việt Nam không có công nghệ hiện đại thì sẽ không có những hàng hóa đủ tiêu chuẩn, chất lượng để đưa vào thị trường châu Âu, cho nên cần phải có sự tái đầu tư vào lĩnh vực công nghệ tiên tiến và phù hợp với từng loại hình DN. Đặc biệt, đội ngũ nhân lực của các DN muốn làm ăn với EU, cần có tiêu chuẩn đầu tiên đó là trình độ ngoại ngữ để liên lạc với thị trường chung châu Âu (EC). Theo quy định, DN Việt Nam còn có thể xuất khẩu vào từng quốc gia riêng lẻ trong khu vực 28 quốc gia EU, do đó, nếu khai thác được khả năng quan hệ với từng quốc gia sẽ giúp tăng cường hợp tác và tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa”, PGS.TS. Phạm Tất Thắng nêu ý kiến.
TS. Vũ Liến Lộc
Theo nhìn nhận của TS. Vũ Liến Lộc - Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), các doanh nghiệp cần nâng cao sự hợp tác đối với các doanh nghiệp EU về kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như được hỗ trợ về chính sách, từ đó đáp ứng được yêu cầu hàng hóa, tiêu chuẩn của phía EU.
Mặt khác, khó khăn còn phát sinh ở chi phí tuân thủ của các DN Việt để đáp ứng các tiêu chuẩn của EU, nên chính phủ cần có chính sách hỗ trợ nâng cấp cho doanh nghiệp. "Một mình doanh nghiệp sẽ khó vượt qua được những rào cản, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ khi chưa thực sự hiểu về các cam kết đối với từng mặt hàng để doanh nghiệp cơ cấu lại thị trường cũng như cơ cấu lại đối tác cung ứng và xuất khẩu", TS. Lộc nêu quan điểm.
Chủ tịch VCCI cho rằng, điều cần làm trước nhất là việc nâng cấp doanh nghiệp, khi doanh nghiệp Việt Nam đội sổ tại khu vực ASEAN về quản trị DN, cùng với đó là 30% DN hoạt động với mô hình kinh tế hộ gia đình nên năng lực quản trị yếu vì thế cần nâng cấp DN. Hơn nữa, cần đảm bảo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của xu hướng hội nhập trong EVFTA, đặc biệt là nguồn nhân lực cấp cao. Việt Nam cũng mong muốn châu Âu là đối tác không chỉ trong thương mại mà còn hỗ trợ đào tạo nhân lực, nâng cấp quản trị DN vì hệ thống quản trị DN của EU luôn đứng hàng đầu thế giới.
VOV