EVN bác tin kêu gọi doanh nghiệp phía Bắc giảm 30% mức sử dụng điện
EVN nhấn mạnh không có kế hoạch và không thực hiện tiết giảm nhu cầu sử dụng điện của khách hàng.
- 22-05-2024Doanh thu hơn 52.058 tỷ đồng, EVN Hà Nội báo lãi thuần chỉ 5 tỷ đồng
- 27-04-2024Tổng nhu cầu vốn đầu tư của EVN đến năm 2025 là 479.000 tỉ đồng
- 09-03-2024Tập đoàn Singapore Sembcorp vừa chuyển giao nhà máy điện độc lập đầu tiên tại Việt Nam lại cho EVN
Trong thông báo mới phát đi, theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), vừa qua, có một số thông tin "cơ quan chức năng của Việt Nam kêu gọi một số doanh nghiệp ở phía Bắc tự nguyện giảm 30% mức sử dụng điện". EVN khẳng định đây là thông tin không chính xác.
"Trong tháng 6 và các tháng tiếp theo của năm 2024, EVN đã cập nhật tăng trưởng nhu cầu sử dụng điện và đã xây dựng các phương án, kịch bản điều hành hệ thống điện để đảm bảo điện cho phát triển kinh tế và đời sống của nhân dân trong mọi tình huống", EVN cho biết.
EVN nhấn mạnh đã xây dựng các kịch bản cung ứng điện, thực hiện các giải pháp đồng bộ, hiệu quả vì vậy từ đầu năm 2024 đến nay, việc cung ứng điện đã được đảm bảo tốt, EVN không có kế hoạch và không thực hiện tiết giảm nhu cầu sử dụng điện của khách hàng.
Trước đó, vào cuối tháng 4/2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký Quyết định về kế hoạch cung ứng điện năm 2024 và các tháng cao điểm từ tháng 4 đến tháng 7/2024.
Theo Quyết định, đánh giá trên dữ liệu đầu vào nhu cầu điện tăng mạnh, trước lo ngại sản lượng điện tăng lên khi mùa nắng nóng cận kề, nguy cơ thiếu điện miền Bắc là hiện hữu, Bộ Công Thương đã điều chỉnh tổng điện năng sản xuất của các nhà máy điện và nhập khẩu của toàn quốc năm 2024 lên 310,6 tỷ kWh, tăng hơn 4,3 tỷ kWh điện/năm so với kế hoạch. Trong đó, tổng lượng điện mùa khô là 150,916 tỷ kWh, tăng 2,4 tỷ kWh điện và mùa mưa là 159,684 tỷ kWh, tăng 2 tỷ kWh điện.
Về điện dự phòng, theo Quyết định, Bộ Công Thương đã điều chỉnh điện dự phòng năm 2024 và mùa khô (tháng 4 đến tháng 7/2024) lên 111,468 tỷ kWh (tăng 2,3 tỷ kWh/năm so với kế hoạch dự phòng trước đó).
Đối với EVN, Bộ Công Thương yêu cầu doanh nghiệp này công bố cập nhật Kế hoạch cung ứng điện các tháng cao điểm mùa khô và cả năm 2024 cho chủ đầu tư các nhà máy điện và các đơn vị liên quan để các đơn vị chủ động lập kế hoạch chuẩn bị dự phòng phù hợp cho sản xuất điện.
"Hàng tháng (đặc biệt là giai đoạn cao điểm mùa khô), EVN phải thực hiện rà soát, cập nhật số liệu, thực hiện tính toán cập nhật Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia cho các tháng còn lại trong năm 2024", Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu.
Trong trường hợp có biến động lớn về phụ tải hay nguồn điện, EVN phải báo cáo Bộ Công Thương để có điều chỉnh phù hợp. Đặc biệt, EVN phải theo dõi, giám sát chặt chẽ công tác vận hành thiết bị của nhà máy điện, không để xảy ra sự cố chủ quan, hạn chế tối đa các sự cố tổ máy.
Đối với PVN, TKV, Tổng công ty Đông Bắc, Bộ Công Thương yêu cầu phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện đảm bảo cung ứng nhiên liệu (than, khí, dầu) đầy đủ, liên tục, có dự phòng phù hợp cho sản xuất điện.
VTV