MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

EVN kiến nghị sửa nghị định để được bán bớt cổ phần, Thủ tướng gợi ý cho tư nhân tham gia xây thủy điện

Tại buổi làm việc với Thủ tướng tại hội nghị sắp xếp, tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN chiều 6/12, EVN kêu đang gặp khó khăn trong cổ phần hóa đặc biệt là vấn đề thuê nhà tư vấn nước ngoài.

Gặp khó trong bán cổ phần

Ông Dương Quang Thành, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết hiện EVN đang gặp khó khăn trong bán cổ phần ở một số công ty.

Theo đại diện EVN, có ba công ty phát điện có số vốn lớn đang gặp khó trong quá trình cổ phần hóa, đặc biệt không lựa chọn được đơn vị tư vấn nước ngoài vì theo quy định hiện nay hạn chế chi phí lựa chọn tư vấn, việc lựa chọn đấu thầu còn vướng mắc. Hiện tổng công ty phát điện 3 (GENCO3) và tổng công ty phát điện 1 phải lựa chọn đơn vị tư vấn trong nước.

EVN kiến nghị Chính phủ có chỉ đạo, tạo điều kiện để các công ty lựa chọn được đơn vị tư vấn định giá hợp lý.

Trước đó, Thủ tướng đã chỉ đạo các DNNN khi cổ phần hóa cần thuê đơn vị tư vấn nước ngoài để đảm bảo việc định giá được khách quan, minh bạch.

Bên cạnh đó, việc thực hiện Nghị định 59 quy định về cổ phần hóa tại các DNNN có cổ phần lớn tại EVN đang gặp khó. Chủ tịch EVN cho biết hiện nay các tổng công ty phát điện của Tập đoàn có thời gian thành lập ngắn, năng lực tài chính có hạn, hiệu quả sản xuất kinh doanh không lớn, thậm chí có khả năng thua lỗ nên việc đưa ra bán cổ phần sẽ rất khó với lượng vốn lớn của nhà nước như vậy.

Ông Thành kiến nghị Chính phủ sửa đổi quy định để EVN có thể bán bớt cổ phần.

EVN kiến nghị sửa Nghị định 50 và Nghị định 116 cho phép EVN bán bớt một phần. Ban hành Nghị định thay thế Nghị 99 quy định về quyền sở hữu nhà nước, nghị định 69 về tập đoàn kinh tế nhà nước. Ban hành nghị định mới ban kiểm soát liên quan Luật doanh nghiệp 2014 và Luật sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

"Hiện giá trị lựa chọn tư vấn được hạn chế rất thấp nên EVN cắt luôn tư vấn nước ngoài mà chuyển sang lựa chọn đối tác chiến lược", ông Thành cho hay.

Trả lời câu hỏi này của EVN đại diện Bộ Tài chính cho biết chi phí cổ phần hóa không phải mục tiêu trong chính sách. Mục tiêu là cổ phần hóa thành công tối đa theo nguyên tắc thị trường công khai minh bạch và đảm bảo quản lý tốt nhất tránh thất thoát nên chi phí không đặt nặng. Nếu vượt chi phí định mức EVN có thể báo cáo Thủ tướng.

EVN đã thoái vốn ở ngành không kinh doanh chính

Ông Dương Quang Thành cho biết EVN đã tiến hành thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp không phải ngành kinh doanh chính.

Theo đó, tại thời điểm 31/12/15, EVN đã hoàn thành thoái toàn bộ không phải ngành kinh doanh chính thu về 1.994 tỷ đồng, vượt so với kế hoạch được giao, mang lại thặng dư 34,8 tỷ đồng. Tập đoàn bảo toàn vốn đầu tư và mang lại thặng dư.

Trong năm 2016, EVN đã xây dựng đề án tái cấu trúc trình Bộ Công Thương và đã trình Thủ tướng. Mặc dù chưa được phê duyệt đề án nhưng EVN đã chỉ đạo đơn vị thành viên thoái vốn đầu tư vào Công ty Cổ phần và đầu tư sở hữu chéo theo Luật doanh nghiệp, thu về 418 tỷ đồng và không có doanh nghiệp nào thoái dưới giá thành, thặng dư hơn 200 tỷ đồng.

Chủ tịch EVN cho biết, hiện Tập đoàn tập trung vào ngành nghề sản xuất kinh doanh chính như sản xuất kinh doanh điện. Cơ cấu tập đoàn có 9 tổng công ty trực thuộc gồm 3 tổng công ty phát điện, 5 tổng công ty phân phối và 1 công ty truyền tải điện. Tập đoàn đã phê duyệt cơ chế cho các tổng công ty hoạt động theo hướng hạch toán độc lập không phụ thuộc của tập đoàn.

Thủ tướng: Thoái hết vốn các nhà máy thủy điện Nhà nước không nắm giữ

Sau phần phát biểu của đại diện EVN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo khi cổ phần hóa EVN, Nhà nước sẽ nắm giữ vốn 100% tại các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực truyền tải điện.

Còn trong lĩnh vực phát điện, nhà nước chỉ nắm một số nhà máy thủy điện lớn, liên quan đến an ninh, quốc phòng như Nhà máy Thủy điện Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình.

"Còn lại cần đẩy mạnh cổ phần hóa, thậm chí bán lại nhà máy thủy điện, thu hồi vốn Nhà nước, không để Nhà nước làm quá nhiều nhà máy thủy điện, đẩy nợ công lên cao", Thủ tướng chỉ đạo.

Thủ tướng cho biết có thể cho tư nhân tham gia xây dựng thủy điện, EVN chỉ mua điện theo giá thị trường.

Theo Thủ tướng, EVN cần đổi mới tư duy, hướng tới thị trường phát điện cạnh tranh và đẩy mạnh thoái vốn cổ phần hóa, thoái vốn ở những đơn vị Nhà nước không cần nắm giữ.

Mỗi doanh nghiệp có cách chọn quá trình cổ phần hóa khác nhau như Vinatex chọn cổ phần hóa từ Tổng công ty trước rồi đến các công ty con. EVN chọn ngược lại, muốn cổ phần hóa từ công ty con rồi đến Tập đoàn để tăng năng lực cho công ty mẹ trước khi cổ phần.

"Căn cứ tình hình của từng Tập đoàn, tổng công ty để rà soát và cổ phần hóa nhanh, hiệu quả", Thủ tướng nói.

Theo Hải Minh

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên