EVN lên tiếng về hóa đơn tiền điện tăng vọt
Việc tăng mạnh hóa đơn tiền điện sinh hoạt trong 3 tháng hè phù hợp với quy luật nhiều năm qua, ông Nguyễn Xuân Thắng, Trưởng ban Kinh doanh EVN Hà Nội chia sẻ với chúng tôi.
- 11-04-2016EVN: Hóa đơn tiền điện tháng 4 sẽ tăng mạnh!
- 26-02-2016Hóa đơn tiền điện tháng 2 lại tăng bất thường: Ngành điện nói gì?
- 30-01-2016Điêu đứng vì hóa đơn tiền điện từ 300 ngàn thành 9 triệu
Tiền điện luôn là một vấn đề quan tâm hàng đầu trong đời sống sinh hoạt của người dân và việc tăng mạnh hoá đơn tiền điện trong các tháng mùa hè như tháng 5, 6, 7 luôn khiến người dân nghi ngại về sự minh bạch của ngành điện.
Để tìm hiểu rõ vấn đề này, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Thắng, Trưởng ban Kinh doanh, Tổng công ty Điện lực Tp Hà Nội về vấn đề này.
Thưa ông, xin ông cho biết, trong những tháng hè 5, 6, 7 này, sản lượng tiêu dùng điện và tiền điện sinh hoạt của Thủ đô đã biến động ra sao, có hiện tượng tăng đột biến hay không?
Ông Nguyễn Xuân Thắng: Theo thống kê của chúng tôi về sản lượng điện tiêu thụ của Thủ đô các tháng 4,5,6 và nửa đầu tháng 7, chúng tôi có ghi nhận, mức tiêu thụ điện của Thủ đô tăng dần theo từng tháng và tương ứng với nền nhiệt độ các tháng mùa hè.
Theo tính toán của chúng tôi, từ tháng 5 đến tháng 7, mức tăng lượng điện tiêu thụ từ 116% đến trên 150% so với tháng 4. Dự kiến, tháng 7, lượng điện tiêu thụ sẽ tăng trên 155% so với tháng 4.
Qua so sánh chu kỳ tiêu thụ điện mùa hè trong các năm gần đây, với các yếu tố nhiệt độ đặc thù khu vực phía Bắc, chúng tôi ghi nhận, mức tăng trên là phù hợp với quy luật sử dụng điện mùa hè phía Bắc. Đây cũng chính là sự khác biệt của các khách hàng sử dụng điện miền Bắc so với các khách hàng ở miền Trung, miền Nam.
Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp người dân băn khoăn về hoá đơn tiền điện tăng bất thường, thậm chí là khi cả gia đình đi nghỉ mát cả tuần nhưng hoá đơn tiền điện vẫn tăng. Xin ông cho biết, thực hư vấn đề này ra sao? Tổng công ty điện lực tp Hà Nội đã tiếp nhận và xử lý các phản ánh như thế nào?
Ông Nguyễn Xuân Thắng: Trong những tháng mùa hè, chúng tôi cũng thường xuyên nhận được ý kiến thắc mắc của của khách hàng về hoá đơn tiền điện tăng cao. Vừa qua, chúng tôi có ghi nhận một trường hợp điển hình về hoá đơn tiền điện trong tháng 6. Hộ gia đình này đi nghỉ mát từ ngày 20/6 đến 30/6. Khách hàng kiến nghị lên Tổng đài chăm sóc khách hàng của EVN Hà Nội, cho biết, tại sao khách hàng đi nghỉ mát mất 1/3 thời gian của tháng mà hoá đơn tiền điện lại không giảm so với tháng trước.
Trong vòng 24 giờ, chúng tôi đã cử tổ công tác xuống gặp khách hàng, kiểm tra tình trạng dây dẫn điện vào nhà, công- tơ điện và các thiết bị sử dụng điện, đồng thời, kiểm tra lại lịch ghi chỉ số điện của khách hàng này. Qua đó, chúng tôi xác minh, lịch ghi chỉ số của khách là ngày 18 hàng tháng, trong khi đó, khách lại đi nghỉ mát từ ngày 20 đến hết tháng mới về. Do vậy, theo lịch ghi chỉ số công tơ điện thì ghi nhận hoá đơn tiền điện tính từ 18 tháng trước cho đến ngày 17 tháng sau. Chính vì vậy, số ngày khách hàng đi vắng không rơi vào kỳ ghi chỉ số, tính hoá đơn tiền điện hiện tại.
Khi chúng tôi giải thích kỹ về điều này, đưa ra các chỉ số công tơ cụ thể được chụp lại, khách đã ghi nhận và hài lòng với cách thức xử lý. Đồng thời, cán bộ của chúng tôi cũng tư vấn cho khách hàng về cách tính tiền điện và cách xác định chỉ số công- tơ điện hàng tháng.
Như vậy, mỗi một trường hợp khách hàng thắc mắc về hoá đơn tiền điện tăng đều có những lý do đặc thù riêng. Từ những thắc mắc đó, chúng tôi xây dựng các chương trình truyền thông tốt hơn, để khách hàng nắm bắt được thông tin và tự kiểm tra, giám sát được mức độ sử dụng điện của mình.
Thưa ông, cũng có những ý kiến lo ngại về việc bị rò rỉ điện hoặc sai số ở công tơ đo đếm điện, ông có ý kiến ra sao về điều này?
Ông Nguyễn Xuân Thắng: Với những công tác ghi chỉ số và phát hành hoá đơn còn thủ công của những năm trước đây, chúng tôi nhìn nhận cũng có xảy ra những sai sót. Nhưng những năm gần đây, chúng tôi đã đưa vào ứng dụng các công nghệ hiện đại nhằm đảm bảo sự chính xác và minh bạch công tác này.
Điển hình như ở khu vực đã ứng dụng các công- tơ điện tử và công nghệ truyền dữ liệu đo xa, chúng tôi thu thập dữ liệu mỗi ngày một lần và truyền tải lên trang web chăm sóc khách hàng, khách có thể tra cứu, kiểm tra mức độ sử dụng điện hàng ngày của mình.
Còn với các khu vực khác, chưa có công- tơ điện tử, chúng tôi sử dụng công nghệ chụp ảnh đồng hồ tại thời điểm ghi chỉ số công tơ và giám sát lộ trình ghi chỉ số của các cán bộ qua hệ thống định vị GPRS. Nhờ vậy, cho đến nay có thể khẳng định, ngành điện chúng tôi đã sàng lọc và giảm tối đa các sai sót trong quá trình ghi, nhập dữ liệu về chỉ số tiêu thụ điện, qua đó, đảm báo tính chính xác trong việc phát hành hoá đơn tiền điện.
Liên quan đến vấn đề minh bạch hoá đơn tiền điện, ngoài việc tăng cường ứng dụng các công nghệ hiện đại, EVN Hà Nội đã triển khai các giải pháp như thế nào để giúp cho người dân có thể chủ động, nắm bắt kịp thời các thông tin về tiền điện?
Ông Nguyễn Xuân Thắng: Năm 2016 này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và EVN Hà Nội đã đẩy mạnh công tác truyền thông, đưa thông tin đến khách hàng sử dụng điện. Ngay từ đầu năm, chúng tôi đã công khai tất cả các thông tin về cách tính hoá đơn, biểu giá tính tiền điện.
Chúng tôi đã ví dụ cụ thể và có sự so sánh các trường hợp như đối với các khách hàng sử dụng điện thông thường trong các tháng trước hè, chưa nắng nóng và trường hợp sử dụng điện trong các tháng nóng mùa hè, nhu cầu lớn sử dụng các thiết bị làm mát. Chúng tôi đã tính toán rất cụ thể các bài toán này, về mức tiêu thụ điện cho từng thiết bị điện cụ thể...
Qua việc công bố công khai và hướng dẫn này, các khách hàng hoàn toàn có thể áp dụng và tự tính được tiền điện của mình trong mỗi tháng.
Đồng thời, chúng tôi cũng khuyến nghị các khách hàng tiết kiệm điện tối đa, giảm việc sử dụng các thiết bị điện vào giờ cao điểm để đảm bảo an ninh cho hệ thống, an toàn cho lưới điện, giảm áp lực cho đầu tư đối với ngành điện.
VietNamNet