EVN: Lợi nhuận giảm 50%, quỹ lương tăng trên 25% trong ba năm
Giai đoạn 2013 – 2015 mặc dù lợi nhuận của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) liên tục lao dốc, giảm hơn 50% song tổng quỹ lương mà EVN chi ra lại liên tục tăng.
- 21-07-2016EVN lên tiếng về hóa đơn tiền điện tăng vọt
- 21-07-2016Doanh thu EVN tăng mạnh nhưng lợi nhuận liên tục lao dốc, giảm hơn 50% sau 3 năm
- 18-07-2016Thu nhập cao nhất của lãnh đạo EVN lên tới gần 900 triệu đồng
- 09-07-2016EVN giảm mua điện Trung Quốc
Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh trong ba năm 2013 – 2015 của EVN được công bố tại Cổng thông tin doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, mức lương trung bình của cán bộ công nhân viên, người lao động tại EVN có thời điểm lên tới gần 14 triệu đồng/người.
Cụ thể, năm 2013 tổng số lao động của EVN là 105.630 người, với tổng quỹ lương là 13.683 tỷ đồng; năm 2014 số lao động tăng lên với 106.315 người, kéo theo tổng quỹ lương tăng là 15.700 tỷ đồng; năm 2015 số lao động cắt giảm còn 104.616 người nhưng tổng quỹ lương vẫn tăng mạnh là 17.198 tỷ đồng.
Như vậy, tổng quỹ lương tăng khoảng trên 25.6% chỉ trong giai đoạn 2013 - 2015. Theo đó, mức tăng lương bình quân của người lao động EVN cũng tăng lên, tương ứng qua các năm là 10,8 triệu đồng; 12,3 triệu đồng và 13,7 triệu đồng.
Lương bình quân 13,6 triệu đồng/người
Trong khi đó, lợi nhuận của EVN liên tục giảm mạnh, tới hơn 50% trong vòng 3 năm bất chấp doanh thu liên tục tăng. Cụ thể, trong giai đoạn 2013 - 2015, EVN đạt tổng doanh thu tương ứng là 187.785 tỷ đồng; 209.245 tỷ đồng; 243.509 tỷ đồng.
Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế của Tập đoàn lại giảm dần qua các năm, tương ứng là 10.369 tỷ đồng; 5.352 tỷ đồng và 4.595 tỷ đồng. Số tiền mà EVN nộp ngân sách trong ba năm trên tương ứng khoảng 15.000 tỷ đồng.
Nguồn: EVN/Bộ KH&ĐT
Theo đánh giá của EVN, giai đoạn 2013 - 2015, EVN đáp ứng đủ nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tổng sản lượng EVN cung ứng lên hệ thống điện quốc gia (gồm điện sản xuất và mua) trong 3 năm là 430,7 tỷ kWh, đạt mức tăng trưởng bình quân 10,67%/năm.
Trong 3 năm, EVN cũng đã đầu tư phát triển nguồn điện và lưới điện với tổng số vốn là 338.378 tỷ đồng. Cụ thể, EVN đã đưa vào vận hành 18 tổ máy phát điện thuộc 11 dự án nguồn điện, với tổng công suất 6.434 MW.
Trong khi đó, báo cáo cụ thể tình hình sản xuất kinh doanh năm 2015 cũng vừa được EVN công bố cho biết lợi nhuận của Công ty mẹ - EVN đạt 600 tỷ đồng, vượt so với kế hoạch lợi nhuận mà Bộ Công Thương giao trong năm 2015.
EVN cho biết đã bảo toàn và phát triển được vốn nhà nước. Vốn điều lệ Công ty mẹ đến hết 31/12/2015 là 160.000 tỷ đồng, tăng 2,08 lần so với vốn điều lệ năm 2010 là 76.742 tỷ đồng. Cuối năm 2015, các chỉ tiêu tài chính cơ bản của Công ty mẹ và các đơn vị thành viên cũng đảm bảo an toàn.
Theo đó, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu, hệ số khả năng thanh toán, hệ số tự đầu tư đều đạt chuẩn quy định, đáp ứng yêu cầu của các tổ chức vay vốn. Cụ thể, tại công ty mẹ EVN hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 1,67 lần; hệ số khả năng thanh toán: 1,02 lần; tỷ lệ tự đầu tư 37,5%.
Đã có đủ điều kiện để cổ phần hóa các GENCO
Đối với hoạt động thoái vốn đầu tư ngoài ngành, EVN cho biết đến hết năm 2015 EVN đã hoàn thành thoái vốn/giảm vốn tại 8 công ty cổ phần, đạt 100% giá trị vốn cần thoái/giảm trong các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, tài chính, ngân hàng và bảo hiểm, bảo toàn được vốn.
EVN cũng đã tiến hành giảm vốn tại 04 công ty cổ phần phục vụ trực tiếp ngành nghề kinh doanh chính là Cơ điện miền Trung, Cơ điện Thủ Đức, Cơ khí Điện lực và Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh. Kết quả đã hoàn thành thoái vốn toàn bộ tại Cơ điện miền Trung và Cơ khí Điện lực.
Các Tổng công ty Điện lực cũng đã thoái vốn xong tại 28/35 doanh nghiệp với 765 tỷ đồng/tổng số 1.043 tỷ đồng vốn cần thoái. Trong đó có ba Tổng công ty điện lực đã hoàn thành nhiệm vụ thoái vốn theo Phương án Tái cơ cấu được EVN phê duyệt là EVNHCMC, EVN SPC và EVN CPC.
Công tác cổ phần hóa được triển khai đúng trình tự, thủ tục và tiến độ. Từ cuối năm 2014 EVN tích cực tiến hành cổ phần hóa các Tổng Công ty phát điện (GENCO). Đối với cổ phần hóa công ty mẹ - Genco3, EVN đã phê duyệt kế hoạch, tiến độ cổ phần hóa.
Hoàn thành xong việc xác định giá trị doanh nghiệp và công bố giá trị doanh nghiệp công ty mẹ - Genco3; đang tiến hành lựa chọn các nhà đầu tư chiến lược; hoàn thành phương án cổ phần hóa báo cáo Bộ Công Thương để trình Thủ tướng Chính phủ năm 2015.
EVN cũng đã xây dựng cơ chế trước cổ phần hóa đối với 03 GENCO và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho thực hiện. Theo đó, đã chuẩn bị đủ các điều kiện cần thiết để tiếp tục cổ phần hóa GENCO1 và 2 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Năm 2016, EVN đặt ra mục tiêu doanh thu sản xuất kinh doanh điện là 218.927 tỷ đồng, với mức giá điện bình quân là 1.651,2 đồng/kWh.
Trí Thức Trẻ