EVN than lỗ đậm, chuyên gia đề xuất làm rõ các khoản thua lỗ
TS. Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính: “EVN cần phải làm rõ ràng khoản lỗ trên 31.000 tỷ đồng là ở khâu nào? Do ai? Do giá mua điện cao khiến kinh doanh bị lỗ, hay lỗ do quá trình truyền tải gây thất thoát lớn hoặc khâu phân phối gây tổn hao và có hay không công tác quản lý yếu kém…"
- 16-12-2022Tổng giám đốc EVN lên tiếng về khoản lỗ hơn 31.000 tỷ đồng
- 09-12-2022Trước VinFast từ lâu, EVN đã tự sản xuất và lắp đặt trạm sạc nhanh cho ô tô điện, vừa được trao giải Make in Viet Nam
- 06-12-2022Vietcombank, PV Gas, BIDV, Becamex IDC và EVN Genco2 - Nhóm có cổ phần Nhà nước trở thành bệ đỡ "cứng" khi thị trường chứng khoán lao dốc trong năm 2022
Năm 2022, nền kinh tế đã hồi phục và phát triển mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19, nên nhu cầu điện tăng trưởng 8,6% so cùng kỳ năm 2021. Trong năm này, doanh thu toàn Tập đoàn Điện lực Việt Nam vượt kế hoạch, ước đạt 460,73 nghìn tỷ đồng, tăng 4,31% so năm 2021. Doanh thu Công ty Mẹ EVN ước đạt 385,3 nghìn tỷ đồng, đạt 101% kế hoạch và tăng 11,28% so năm 2021.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, do biến động giá nhiên liệu (than, dầu, khí) thế giới làm cho chi phí mua điện của EVN tăng cao đã ảnh hưởng đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2022, khiến tập đoàn này ước lỗ 31.360 tỷ đồng sau khi đã quyết liệt thực hiện các giải pháp quản trị, cắt giảm hàng loạt các chi phí.
Trước tình hình này EVN nhận định sẽ khó khăn trong việc cân đối được dòng tiền để thanh toán chi phí mua điện cho các đơn vị phát điện, ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của các nhà máy điện và do đó ảnh hưởng đến việc đảm bảo cung cấp điện.
EVN tiết giảm kinh phí cho các sửa chữa lớn.
Nguy hiểm hơn là việc cắt giảm chi phí sửa chữa lớn sẽ ảnh hưởng lớn đến an toàn vận hành hệ thống điện các năm tới. Ngoài ra, với kết quả kinh doanh này còn gây khó khăn lớn trong việc huy động vốn, cân đối nguồn vốn để đầu tư các dự án điện, sửa chữa bảo dưỡng các công trình điện để đảm bảo cung ứng điện.
Tại Hội nghị triển khai Quyết định số 1479/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch huy động các nguồn lực của các Tập đoàn, Tổng công ty tham gia các hoạt động, dự án đóng góp vào chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, ông Trần Đình Nhân - Tổng giám đốc EVN nêu hàng loạt nguyên nhân dẫn tới lợi nhuận âm của Tập đoàn như giá chi phí đầu vào, giá khí, giá dầu, giá than tăng đều tăng so với đầu năm 2021, đồng thời nhấn mạnh vào việc giá bán điện vẫn giữ bình ổn từ suốt năm 2019 đến nay.
Để đóng góp hiệu quả vào chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, lãnh đạo EVN kiến nghị áp dụng cơ chế thị trường cho giá điện. Cụ thể, khi các yếu tố đầu vào tăng thì giá điện tăng và ngược lại một cách kịp thời theo một cơ chế tự động, tương tự như cơ chế điều chỉnh giá xăng dầu.
Bên cạnh đó, lãnh đạo EVN cũng kiến nghị Chính phủ xem xét giao EVN và các tổng công ty phát điện triển khai các dự án nguồn điện quan trọng, nhằm đảm bảo an ninh năng lượng; Kiến nghị Chính phủ có cơ chế, chính sách để các dự án nguồn điện, lưới điện quan trọng vì an ninh quốc gia thuộc danh mục ưu tiên của Nhà nước được sử dụng vốn vay ODA và cho EVN vay lại không chịu rủi ro tín dụng. Các cấp có thẩm quyền sớm phê duyệt Quy hoạch điện VIII, để EVN cũng như các nhà đầu tư có cơ sở triển khai các dự án nguồn, lưới điện đảm bảo việc cung ứng điện trong những năm tới.
Bàn về câu chuyện này, TS. Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính thẳng thắn cho rằng, báo cáo về khoản lỗ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam là chưa thỏa đáng, không minh bạch khi không nêu rõ được các khoản lỗ đến từ khâu nào, có phải lỗ chỉ đến do giá nhiên liệu nhập khẩu cho phát điện hay còn có cả lỗ do công tác quản lý yếu kém!? EVN cần công khai các chi phí cũng như giá thành sản xuất điện từ các nguồn thủy điện, nhiệt điện, năng lượng tái tạo để cơ quan quản lý nhà nước và người dân dễ dàng thấy khoản lỗ này đến từ đâu. Nếu chỉ với một thông báo đơn giản hoạt động trong 1 năm lỗ tới mấy chục nghìn tỷ đồng sẽ dễ khiến xã hội hoang mang.
“EVN cần phải làm rõ ràng khoản lỗ trên 31.000 tỷ đồng là ở khâu nào? Do ai? Do giá mua điện cao khiến kinh doanh bị lỗ, hay lỗ do quá trình truyền tải gây thất thoát lớn hoặc khâu phân phối gây tổn hao và có hay không công tác quản lý yếu kém… Mặc dù đã nhiều năm giá điện không tăng trong khi nhiều mặt hàng khác đã tăng, nhưng EVN vẫn cần phải rõ ràng, công khai minh bạch các số liệu để thấy, về mặt kinh doanh đơn vị này dù đã tính toán đúng, tính toán đủ nhưng do chi phí cao khiến lợi nhuận giảm. Khi hội đủ các yếu tố cần thiết, EVN muốn đề xuất tăng giá điện chắc sẽ không có ai thắc mắc”, TS. Đinh Trọng Thịnh đánh giá.
Vừa qua, EVN cũng đưa thông tin so sánh về giá điện của Việt Nam với nhiều quốc gia trên thế giới, ông Thịnh nhận xét rằng, trong khi giá thành sản xuất điện của EVN năm 2022 như thế nào vẫn chưa ai rõ, việc so sánh khập khiễng về giá điện như vậy phải chăng có tính hàm ý cho ngành điện sớm được tăng giá.
Trong khi giá điện Việt Nam thấp so với các nước châu Âu ở thời điểm này là đương nhiên, khi các quốc gia trong khu vực này đã loại bỏ điện hạt nhân, bỏ điện than và chỉ tập trung vào nguồn điện khí và điện dầu. Bối cảnh hiện nay, khi nguồn khí đốt tại các quốc gia châu Âu đang bị cấm vận bởi Nga khiến giá khí đốt tăng vọt; Giá dầu còn cao hơn giá xăng nên không dễ chịu gì khi so sánh như vậy. Ngay cả khi so sánh giá điện Việt Nam với Thái Lan cũng đã là khập khiễng bởi cơ cấu giá điện của Thái Lan cũng khác so với Việt Nam.
Đối với đề xuất của lãnh đạo EVN về cơ chế tăng - giảm giá điện như giá xăng, dầu, TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng đây là đề xuất “bất khả thi”, bởi giá điện với giá xăng, dầu hoàn toàn khác nhau. Nếu giá xăng, dầu trong nước phụ thuộc vào giá xăng dầu thế giới và mô hình kinh doanh xăng, dầu khác với kinh doanh điện nên xăng dầu có cường độ điều chỉnh giá ngắn thì giá điện lại liên quan đến nhiều yếu tố khác như sản xuất kinh doanh, nhập khẩu, đầu ra đầu vào, giá bán, giá mua từ đó mới hình thành giá điện bình quân và giá bán điện. Do vậy, hạch toán được giá thành điện để điều chỉnh theo cường độ nhanh, chu kỳ điều chỉnh ngắn như giá xăng dầu đã là điều không tưởng.
“Hiện nay EVN vẫn mua điện với 1 mức giá nhưng khi bán ra lại có nhiều mức giá, không hiểu khoản chênh lệch này được sử dụng để làm gì và ai được hưởng, trong khi EVN chỉ là 1 DN không có quyền để sử dụng chênh lệch đó. Đồng ý rằng việc tính giá cao giúp tiết kiệm điện, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia nhưng vấn đề ai sẽ được hưởng từ khoản tiết kiệm đó. Nếu nhà nước được thu để tăng thêm sản lượng điện, bảo vệ môi trường và coi đó như một loại thuế tiêu thụ đặc biệt (càng dùng nhiều càng phải trả nhiều thuế) sẽ khả thi. Còn EVN chỉ là 1 DN nên không có quyền thu giá điện quá cao so với giá điện bình quân để hưởng lợi, đây là điều bất hợp lý”, ông Thịnh chỉ rõ.
Góp ý cho ngành điện hiện nay để sớm triệt tiêu các khoản lỗ, ông Thịnh cho biết, EVN nên hoạt động theo cơ chế thị trường. Căn cứ giữa giá mua và giá bán điện, đơn vị này chỉ cần bán điện theo mức giá bình quân sẽ tạo ra một được số lãi định mức. Nhà nước cần tính đúng, tính đủ cho ngành điện các chi phí sau đó áp cho DN một số lãi định mức, nếu DN làm tốt sẽ tăng số lãi này sẽ tăng lên, làm kém sẽ triệt tiêu số lãi này.
EVN vẫn cần phải rõ ràng, công khai minh bạch các số liệu để thấy, về mặt kinh doanh đơn vị này dù đã tính toán đúng, tính toán đủ.
Nhận xét về đề xuất điều chỉnh giá điện như giá xăng, dầu nhiều chuyên gia cũng cho rằng, dù cùng là lĩnh vực năng lượng có sự chi phối của thị trường nước ngoài và sự điều tiết của nhà nước, song chu kỳ điều chỉnh giá điện rút ngắn như giá xăng, dầu sẽ rất khó thực hiện và không phù hợp tại thị trường Việt Nam.
Đặc biệt, khi xăng, dầu là mặt hàng tiêu thụ chậm và có thể dự trữ được, tiêu dùng được thanh toán nhanh nhưng điện lại là mặt hàng phải tiêu dùng ngay và thanh toán chậm, nếu điều chỉnh theo giá xăng, dầu giá điện sẽ khó tránh khỏi việc tăng vọt gây bất lợi cho nền kinh tế cũng như đời sống dân sinh.
Ngoài ra hiện nay, cơ cấu giá bán điện giữa khối sản xuất với khối tiêu dùng đang khác nhau, người tiêu dùng phải mua điện giá cao hơn so với nhà sản xuất. Dù nhà nước muốn giảm giá điện để kích thích sản xuất và đầu tư, nhưng thực chất hiện nay 70% - 80% sản xuất lợi nhuận xuất nhập khẩu vẫn thuộc về các DN đầu tư nước ngoài (FDI), nên giá điện thấp kho khối này là giúp họ có lãi và hưởng lợi./.
VOV