Eximbank khiếu nại quyết định của tòa án liên quan vụ bầu chủ tịch HĐQT mới
Trong đơn khiếu nại gửi cơ quan chức năng, Eximbank khẳng định việc Tòa án nhân dân TP HCM thụ lý vụ án tranh chấp thành viên công ty là không phù hợp và yêu cầu hủy bỏ toàn bộ quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
- 27-03-2019Tòa án yêu cầu tạm dừng thay chủ tịch HĐQT, Eximbank nói gì?
- 27-03-2019Eximbank không công khai số vàng "khủng" của vợ chồng "vua" cà phê Trung Nguyên tranh chấp
- 27-03-2019Thấy gì từ việc Eximbank “đột ngột” thay chủ tịch HĐQT?
Ngày 29-3, theo nguồn tin của Báo Người Lao Động, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) đã có đơn khiếu nại gửi cơ quan chức năng về việc quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 92 của Tòa án nhân dân TP HCM.
Cụ thể, trong đơn khiếu nại ngày 28-3 do Tổng giám đốc Lê Văn Quyết ký gửi Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Chánh án TAND TP HCM và các cơ quan liên quan, Eximbank nêu rõ những căn cứ để cho rằng quyết định của Tòa án TP HCM là trái luật.
Trước đó, HĐQT Eximbank tổ chức phiên họp ngày 22-3-2019 và ra Nghị quyết số 112/2019/EIB/NQ-HĐQT để bầu Bà Lương Thị Cẩm Tú giữ chức Chủ tịch HĐQT.
Ngay sau quyết định này đã có phản ứng không đồng thuận từ nguyên Chủ tịch HĐQT là ông Lê Minh Quốc. Tiếp đó, thông tin về việc TAND TP ban hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời dừng thực hiện Nghị quyết số 112 của HĐQT Eximbank về việc miễn nhiệm và bổ nhiệm Chủ tịch HĐQ, càng làm vấn đề bổ nhiệm nhân sự này thêm "nóng".
Eximbank có đơn khiếu nại yêu cầu hủy toàn bộ quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của TAND TP. Ảnh: Linh Anh
Được biết, quyết định của TAND TP đưa ra sau khi thụ lý hồ sơ vụ án tranh chấp thành viên công ty tại Eximbank.
Tuy nhiên, HĐQT Eximbank khẳng định quyết định bổ nhiệm nhân sự mới giữ chức chủ tịch là tuân thủ quy định của pháp luật và điều lệ ngân hàng. Theo khoản 1, Điều 161 Luật Doanh nghiệp 2014, người khởi kiện phải sở hữu ít nhất 1% số cổ phần phổ thông liên tục trong thời hạn 6 tháng. Ông Lê Minh Quốc, thành viên HĐQT độc lập không phải là cổ đông của Eximbank nên không có quyền khởi kiện trách nhiệm dân sự đối với thành viên HĐQT như vụ án mà TAND TP đã thụ lý.
"Vì người khởi kiện không được quyền khởi kiện nên yêu cầu ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là trái pháp luật" – Eximbank nêu rõ.
Theo điều lệ Eximbank, HĐQT có thẩm quyền họp để bầu chủ tịch và ra các quyết định khác; HĐQT có thể họp định kỳ hoặc bất thường và cuộc họp sẽ được tiến hành khi có từ ¾ tổng số thành viên trở lên dự họp… Hiện HĐQT Eximbank có 10 thành viên, theo quy định các cuộc họp của HĐQT sẽ được tiến hành khi có từ tối thiểu 8 thành viên dự họp lần thứ nhất, nếu không triệu tập đủ số thành viên theo quy định thì sẽ triệu tập cuộc họp lần 2 trong vòng 7 ngày tiếp theo và phải có tối thiểu 6 thành viên.
"Cuộc họp của HĐQT Eximbank ngày 22-3 và ban hành nghị quyết số 112 bầu chủ tịch mới là đúng quy định của Luật Doanh nghiệp 2014 và Điều lệ của ngân hàng. Do đó, nội dung cũng như yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là ông Lê Minh Quốc không có căn cứ pháp luật" – Eximbank lập luận.
Cũng trên cơ sở này, Eximbank cho rằng việc TAND TP thụ lý vụ án về việc tranh chấp thành viên công ty là không phù hợp các quy định, dẫn đến việc thẩm phán ban hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cũng không phù hợp, gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của ngân hàng. Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của ngân hàng, tránh những thiệt hại không đáng có gây ra cho ngân hàng, các cổ đông, Eximbank đã có đơn khiếu nại yêu cầu hủy toàn bộ quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của TAND TP.
Thời gian qua, vấn đề nhân sự luôn là điểm nóng của Eximbank, đặc biệt là vấn đề của các nhóm cổ đông tại ngân hàng này.
Người lao động