Facebook bán tích xanh gần 300.000/tháng: “Bờ xôi, ruộng mật” hay "con dao 2 lưỡi"?
Dịch vụ tích xanh Meta Verified sẽ đem về cho Facebook hàng tỷ USD mỗi năm hay chỉ đem lại cho mạng xã hội này sự thất vọng?
- 25-02-2023ChatGPT: Đầu tư vào vàng và bất động sản thường có mức độ rủi ro thấp hơn so với chứng khoán
- 24-02-2023Người đàn ông 50 tuổi kiếm gần 500 triệu đồng mỗi tháng với YouTube mà chỉ cần làm việc 8-10 tiếng mỗi tuần
- 23-02-2023Binance: Quy định về tiền điện tử ở Mỹ sẽ có thể gây ra biến động thị trường, thậm chí ''bóp nghẹt'' ngành công nghiệp này
Cả tuần vừa qua, thị trường tài chính quốc tế lại có dịp xôn xao về quyết định của ông lớn công nghệ Meta (công ty mẹ của Facebook). Theo như chia sẻ của ông chủ Facebook, Mark Zuckerberg trên trang cá nhân, Facebook, Instagram sẽ triển khai dịch vụ Meta Verified, một dịch vụ cho phép người dùng mạng xã hội có thể xác minh tài khoản của mình thông qua giấy tờ tùy thân, chẳng hạn như hộ chiếu, căn cước công dân, hay bằng lái xe... Sau khi sử dụng dịch vụ, người dùng sẽ nhận được một dấu tick hình tròn màu xanh da trời bên cạnh tên tài khoản của mình.
Meta cho biết đây là cách người dùng mạng xã hội có thể bảo vệ tài khoản cá nhân khỏi việc bị mạo danh. Dịch vụ tick xanh Facebook được bán với giá 11,99 USD/tháng (khoảng 285.000 đồng) trên giao diện web và giá 14,99 USD/tháng (khoảng 360.000 đồng) trên nền tảng iOS hoặc Android.
Hiện tại, gói "Tick xanh thuê bao tháng" mới được Facebook thử nghiệm ở Australia và New Zealand, sau đó mới mở rộng sang Mỹ và các nước khác.
Facebook tận thu?
Tick xanh ra đời năm 2014, vậy tại sao bây giờ Meta mới nghĩ đến việc tính phí để chứng thực tài khoản chính chủ cho người dùng?
Trong nhiều năm qua, Facebook nói riêng và Meta nói chung nhận được rất nhiều lời phàn nàn về vấn đề chăm sóc khách hàng, nhất là việc chứng thực và bảo vệ tài khoản người dùng. Mà việc này theo Meta là rất tốn kém. Thế nên, theo Meta, việc thu phí là để bù đắp chi phí và đem lại dịch vụ hỗ trợ người dùng tốt hơn.
Nhưng theo các chuyên gia thì thực chất đây là một trong những nỗ lực tận thu của Meta trong bối cảnh nguồn thu sụt giảm nghiêm trọng. Một trong những lý do là năm ngoái Apple đã tung ra một loạt các biện pháp hạn chế khả năng theo dõi hành vi người dùng của các ứng dụng. Meta ước tính điều này khiến họ mất đi hàng tỷ đô la Mỹ bởi các quảng cáo hướng đối tượng không thể đến được với người dùng.
Thực tế là hồi đầu tháng 2, Meta đã lần đầu tiên công bố doanh thu sụt giảm 1% trong năm 2022, xuống còn 116,6 tỷ USD, dù số người dùng Facebook lần đầu tiên đạt mức 2 tỷ người.
Facebook muốn tận thu với Meta Verified của Mark Zuckerberg sẽ không lặp lại bài học "buồn" của
Không chỉ Meta mà toàn ngành công nghệ hiện đang phải trải qua giai đoạn đầy thách thức và đã buộc phải sa thải hơn 100 nghìn lao động chỉ trong chưa đầy 2 tháng đầu năm nay để cắt giảm chi phí, tối ưu hóa hoạt động, đồng thời tìm mọi cách đa dạng hóa nguồn thu.
Từ tháng 11 năm ngoái, Elon Musk đã thông báo gói dịch Twitter Blue với giá 8 USD/tháng trên web và 11 USD/tháng trên iOS. Snapchat và Telegram cũng đã ra mắt dịch vụ đăng ký trả phí vào năm 2022. Vì thế không có gì là ngạc nhiên khi Meta triển khai gói cước chứng thực tài khoản người dùng vào thời điểm này.
Bài học "buồn" hay nguồn thu bạc tỷ?
TrướcMeta Verified, dù với mức phí rẻ hơn chỉ 8 USD/tháng, nhưng tính đến tháng 1 vừa rồi, chỉ có khoảng 180.000 người tại Mỹ, tức chưa đến 0,2% người dùng tại Mỹ hàng tháng đăng ký trả tiền cho dịch vụ tích xanh của Twitter là Twitter Blue.
Chưa kể sau khi triển khai, dịch vụ của Twitter đã bị cả người dùng và khách hàng quảng cáo đánh giá là "thảm họa" khi tạo ra làn sóng tài khoản giả mạo mua tích xanh. Cổ phiếu của Twitter theo đó cũng bị ảnh hưởng đáng kể.
Meta Verified của Mark Zuckerberg sẽ không lặp lại bài học buồn mà những gì Twitter Blue của Elon Musk đã trải qua
Đi sau nên chắc chắn là Meta đã ít nhiều rút ra bài học từ những đối thủ đi trước bằng việc sử dụng những giấy tờ tùy thân do các chính phủ cấp, như là hộ chiếu hay thẻ căn cước, để làm căn cứ xác minh và chứng thực tài khoản chính chủ cho người dùng.
Nhưng biện pháp này không phải là mới vì với những ai đã từng bị chiếm đoạt tài khoản Facebook thì đều đã phải cung cấp cho Meta các loại giấy tờ này để lấy lại tài khoản của mình. Thế nên các chuyên gia nhận định, dù nói thế nào thì mục tiêu chính của Meta vẫn là để tìm kiếm nguồn thu mới.
Bởi theo ước tính, hiện Facebook và Instagram có tổng cộng hơn 4 tỷ người dùng thường xuyên. Chỉ cần một lượng nhỏ người dùng 2 nền tảng này sử dụng dịch vụ Meta Verified thì số tiền Meta thu về hàng tháng đã là rất lớn. Nhưng Meta, và rất có thể cả các nền tảng mạng xã hội khác, đang phải đối mặt với một vấn đề mới nổi lên.
Theo các chuyên gia, về cơ bản, Meta và các nền tảng mạng xã hội kiếm lợi từ người dùng, đặc biệt là những người sáng tạo nội dung, vốn nhờ các nội dung đó thu hút người dùng vào xem để rồi bán quảng cáo. Đáng lý ra Meta phải hỗ trợ, tạo điều kiện để họ sáng tạo nhiều hơn các nội dung hấp dẫn người xem. Nhưng thay vào đó các nền tảng mạng xã hội như Meta lại quay ra thu phí chính những người dùng của mình.
Điều này có vẻ hơi nghịch lý và có thể sẽ vấp phải phản ứng của chính người dùng, nhất là những người sáng tạo nội dung.
Bank of America dự báo Meta Verified sẽ mang về hàng tỷ USD cho Facebook
Tuy nhiên trong chiều hướng ngược lại, ngân hàng Bank of America có cái nhìn lạc quan với với chiến lược thu tiền dịch vụ của Meta, công ty này ước tính 12 triệu người dùng sẽ đăng ký dịch vụ này từ nay đến cuối năm. 1,7 tỷ USD là số tiền doanh thu cận biên công ty này thu đến năm 2024. Tỷ suất lợi nhuận trên cổ phiếu sẽ tăng 3%
"Con dao 2 lưỡi"?
Ghi nhận tại Australia, nơi Meta thử nghiệm dịch vụ thu phí tích xanh đầu tiên, theo anh Nickson Rajkarnikar - một người dân tại thành phố Sydney cho biết: "Facebook chỉ là nơi tôi lướt tin và giết thời gian thôi. Sao tôi phải bỏ tiền cho thứ không cần thiết chứ".
Tương tự chị Abbie Muntz khẳng định: "Tôi sẽ không trả tiền cho Facebook. Tôi còn mới xóa Facebook khỏi điện thoại cơ vì nó quá tốn thời gian. Tôi cảm thấy như nếu không trả tiền, Facebook có thể sẽ cho tường nhà tôi tràn ngập quảng cáo, rồi tin rác… như một cách để trừng phạt vì không bỏ ra 20 USD một tháng mất".
Còn tại Việt Nam, khảo sát trên fanpage Trung tâm tin tức VTV24, với hơn 6.300 câu trả lời và gần 500 lượt comment đã không có một khán giả nào chọn sẽ bỏ 300.000 đồng/tháng cho dịch vụ chứng minh chính chủ trên mạng xã hội.
Meta Verified là "con dao 2 lưỡi" với Facebook?
Hiện một số người cho rằng để đạt được tích xanh chủ yếu là "đi lên từ thực lực", phải mất nhiều năm, phải có bài báo viết về họ, và có sức ảnh hưởng trong cộng đồng. Còn bây giờ thì ai cũng có thể mua tick xanh trên Facebook. Điều này có thể khiến tích xanh bị "bình thường hóa" trong mắt người dùng và doanh nghiệp hay không?
"Những người đã có tích xanh họ cảm thấy bị giảm giá trị, nên sức sáng tạo trên mạng xã hội sẽ bị sụt giảm. Họ có thể rời bỏ sang cái nền tảng khác để họ sáng tạo hơn, để họ cung cấp nhiều nội dung thông tin hơn. Và đấy cũng không phải là ít số người đâu chắc chắn là có rất là nhiều người. Đây chính là "con dao 2 lưỡi". Facebook làm cái này thực sự gây thất vọng rất lớn với người làm sáng tạo nội dung hiện nay", ông Tuấn Hà, Nhà sáng lập Học viện đào tạo Digital Marketing Vinalink Academy nhận định
Cũng như Twitter, đây mới là thử nghiệm của Meta. Một dịch vụ mới ra mắt có thành công và được đón nhận hay không phụ thuộc vào sự phản hồi, đánh giá của thị trường và người dùng trong thời gian tới đây.
Tuy nhiên theo các chuyên gia kinh tế, không chỉ mạng xã hội đâu bắt đầu giới hạn một số dịch vụ nhất định, mà sẽ ngày càng nhiều các công ty, trong nhiều lĩnh vực, từ giao đồ ăn, thể dục, và thâm chí cả các nhà sản xuất ô tô đi theo mô hình tính phí hàng tháng cho người tiêu dùng.
Báo cáo của IMB ước tính thị trường dịch vụ đăng ký thuê bao hàng tháng (subscription) trên toàn cầu dự kiến sẽ còn tăng gấp đôi quy mô trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến năm 2026, từ mức 5,1 tỉ USD lên 12,5 tỉ USD.
VTV News