Facebook cam kết hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế số
Tại lễ phát động thách thức đổi mới sáng tạo Việt Nam 2022, tổ chức ngày 25-10 tại Hà Nội, ông Rafael Frankel, đại diện Tập đoàn Meta (Facebook), cam kết sẽ hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số.
- 25-10-2022Sau cơn mưa lịch sử hôm 14/10, Đà Nẵng đưa ứng dụng tự theo dõi lượng mưa lên app di động
- 25-10-2022Cần làm gì nếu điện thoại sử dụng tài khoản định danh điện tử bị mất?
Lễ phát động thách thức đổi mới sáng tạo 2022 với chủ đề chuyển đổi số cho các doanh nghiệp Việt Nam, do Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với Tập đoàn Meta tổ chức.
Ông Rafael Frankel, giám đốc chính sách công khu Nam Á và Đông Nam Á - Tập đoàn Meta, cho biết từ năm 2019 Việt Nam đã khởi động chiến lược Make in Vietnam nhằm phát triển ngành công nghệ thông tin trong nước theo hướng chuyển từ lắp ráp, gia công sang xây dựng ngành công nghiệp có năng lực sáng tạo, thiết kế sản phẩm tại chỗ.
Việt Nam có nhiều lợi thế trong chiến lược Make in Vietnam, đó là Việt Nam xếp thứ 44 toàn cầu về chỉ số đổi mới sáng tạo năm 2021; là một trong những quốc gia tích cực phát triển công nghệ Internet thế hệ web 3.0; là một trong những nước đầu tiên triển khai thử nghiệm 5G, vị đại diện Facebook nói.
Báo cáo năm 2022 do Tập đoàn Meta và Công ty tư vấn Bain & Company thực hiện cũng cho thấy Việt Nam đứng đầu trong số 11 quốc gia Đông Nam Á về việc áp dụng công nghệ tương lai.
Theo ông Rafael Frankel, hơn 20 năm qua Việt Nam đã hình thành được một hệ sinh thái số phát triển mạnh mẽ, Meta đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong việc thúc đẩy tầm nhìn chuyển đổi số, cách mạng công nghiệp 4.0.
Vị này khẳng định Tập đoàn Meta đang tích cực hỗ trợ quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam với những hành động cụ thể như: hỗ trợ Bộ Y tế trong chiến dịch truyền thông về tiêm vắc xin phòng COVID-19 đạt lượng tiếp cận hơn 40 triệu người; đào tạo kỹ năng số cho 580.000 học sinh, gần 25.000 giáo viên, và khoảng 64.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo đến năm 2025 kinh tế số sẽ đóng góp khoảng 20% quy mô GDP nền kinh tế - Ảnh: N.T
Trước đó, tại San Francisco (Mỹ), Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia và Tập đoàn Meta đã ký biên bản ghi nhớ về khởi động chương trình Thách thức đổi mới sáng tạo Việt Nam. Đây là cuộc thi nhằm tìm kiếm các giải pháp đổi mới sáng tạo từ nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước nhằm giải quyết những thách thức quan trọng tầm quốc gia.
Ông Rafael Frankel tin những giải pháp thu được từ thách thức đổi mới sáng tạo 2022 lần này sẽ là chất xúc tác đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ông cho biết thêm, trong khuôn khổ hỗ trợ về đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, trong giai đoạn 2018-2019, Facebook (tên cũ của Meta) đã hỗ trợ ra mắt ba cộng đồng lập trình viên Developer Crircles tại TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, qua đó hỗ trợ cho khoảng 3.000 lập trình viên trong nước.
Và trong năm 2019, năm 2020, Facebook đã hỗ trợ tổ chức hai cuộc thi thử thách đổi mới dành cho các nhà lập trình Việt Nam để nâng cao kỹ năng cho các lập trình viên trẻ. Hai cuộc thi này thu hút sự tham gia của hơn 800 sinh viên công nghệ trên cả nước.
Tại lễ phát động, ông Trương Gia Bình, chủ tịch Tập đoàn FPT, thừa nhận Việt Nam đã hết động lực tăng trưởng từ đất rẻ, lao động giá rẻ, giờ chỉ có thể trông chờ vào động lực từ đổi mới sáng tạo trong nền kinh tế.
Thực tế phát triển của FPT cũng cho thấy chuyển đổi số, đầu tư cho công nghệ là con đường để FPT phát triển, vì thế cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hoạt động đổi mới sáng tạo trên phạm vi quốc gia, ông Bình cho biết thêm.
Tuổi trẻ