Facebook sắp ngừng tính năng mua sắm trực tiếp qua livestream
Nhiều chủ doanh nghiệp không muốn từ bỏ thị trường trị giá 25 tỷ USD này.
Mới đây, Facebook tuyên bố sẽ đóng cửa các tính năng mua sắm trực tiếp (Live Shopping: người xem có thể mua hàng trực tiếp từ livestream) từ ngày 1/10 tới để tập trung vào Reels. Người bán sẽ không thể tổ chức bất kỳ sự kiện mua sắm trực tuyến nào trên Facebook nữa. Họ vẫn có thể livestream nhưng sẽ không còn tùy chọn để tạo và bán sản phẩm như trước đây.
Một số người bán hàng đã rất ngạc nhiên về điều này nhưng không quá lo lắng. Britney Renbarger - người sáng lập một thương hiệu thời trang nữ, cho biết: "Tôi đã bị sốc. Tôi bắt đầu sử dụng tính năng live-shopping của Facebook cho doanh nghiệp của mình từ tháng 10/2020. Nhưng khi biết tin họ sắp dừng dịch vụ này, tôi tìm đến những kênh marketing và bán hàng khác để không bị bị động".
Coresight Research ước tính thị trường mua sắm trực tiếp trên các nền tảng mạng xã hội sẽ trị giá 25 tỷ USD vào năm 2023. Trước ý kiến cho rằng quyết định của Meta là khởi đầu cho sự kết thúc của hình thức mua sắm qua livestream tại Mỹ, Ryan Detert - CEO của một công ty marketing, đã đưa ra triển vọng lạc quan hơn: Đó là sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới, nơi Mỹ cuối cùng cũng có thể bắt kịp thị trường livestream của Trung Quốc.
"Mọi người biết rằng đây là cuộc chơi trị giá nhiều tỷ USD, họ sẽ không từ bỏ dễ dàng như vậy. Họ sẽ tìm mọi cách để kiếm tiền từ người xem trên mạng xã hội", ông nói thêm.
Ảnh: Insider.
Chuyển sang các nền tảng khác
Theo Detert, Facebook không phải là công ty lớn duy nhất cung cấp hình thức live-shopping. Vì vậy, việc họ tập trung vào những tính năng khác có nhiều tiềm năng tạo ra doanh thu hơn trong bối cảnh hiện tại cũng là điều dễ hiểu.
Trong khi hầu hết người Mỹ vẫn chưa mặn mà với việc mua sắm qua livestream, một bộ phận đã thể hiện sự quan tâm tới những doanh nghiệp tạo trải nghiệm mua sắm gắn liền với giải trí.
Renbarger ước tính chỉ có 15% doanh số của doanh nghiệp của cô đến từ mua sắm qua livestream nhưng "lợi nhuận" lớn nhất là có được khách hàng trung thành từ việc tổ chức các buổi livestream hàng tuần trên Facebook.
Trong khi đó, Kelley Cawley – một doanh nhân khác, cho biết cô không muốn từ bỏ kênh bán hàng qua livestream trên Facebook. Năm ngoái, các buổi livestream hàng ngày của cô đã giúp tăng doanh thu lên tới 88%. Cô dự định sẽ tiếp tục tổ chức các buổi livestream trên Facebook đồng thời sử dụng nền tảng khác để bán sản phẩm.
Cawley không phải người bán hàng duy nhất có ý định này. Nhiều người nói rằng họ đang tìm đến những kênh khác để tối ưu hóa việc bán hàng và không phụ thuộc quá nhiều vào Facebook.
Cơ hội phát triển
Ảnh: Insider.
Detert cho biết các chủ doanh nghiệp có hai lựa chọn trong bối cảnh hiện tại: Tiếp tục sử dụng các nền tảng mạng xã hội để livestream bán hàng hoặc dùng một số ứng dụng như TalkShopLive, CommentSold hoặc Bambuser. Trên thực tế, ông tin rằng đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp trong lĩnh vực này tỏa sáng.
Nhiều chủ doanh nghiệp như Renbarger đã và đang bắt đầu khai thác các nền tảng khác. Gần đây, cô đã bắt đầu sử dụng một ứng dụng kết nối cửa hàng Shopify của mình với các video mà cô đăng trên Facebook. "Rất may là tôi đã chuyển hướng kịp thời. Hi vọng việc kinh doanh sẽ không bị ảnh hưởng bởi quyết định của Facebook".
Nguồn: Insider
Nhịp sống kinh tế