FAO cảnh báo gì Việt Nam về dịch tả lợn châu Phi?
Tổ chức Nông lương của Liên Hợp Quốc (FAO) cảnh báo bệnh dịch tả lợn châu Phi (ASF) không phải là mối nguy hiểm đối với con người nhưng lợn nuôi và lợn rừng khi mắc bệnh gần như 100% bị chết. Thịt lợn vẫn có thể được tiêu thụ an toàn khi nấu chín.
- 21-02-2019Người dân mang hàng trăm con lợn nhiễm dịch tả châu Phi đi tiêu hủy
- 21-02-2019Dịch tả lợn có lây sang người?
- 20-02-2019Thủ tướng chỉ đạo cấp bách khống chế dịch tả lợn châu Phi
Ngày 21/2, ngay sau khi Việt Nam công bố phát hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi (ASF) ở Hưng Yên và Thái Bình, FAO cho biết sẽ huy động các nguồn lực để hỗ trợ Việt Nam kiểm soát dịch tả lợn châu Phi và bảo vệ sinh kế cho người chăn nuôi.
Theo FAO, kể từ khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát tại Trung Quốc vào năm 2018, FAO đã hỗ trợ kỹ thuật cho Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) xây dựng kế hoạch hành động quốc gia Việt Nam về đáp ứng và kiểm soát khẩn cấp ASF, tiến hành đánh giá nguy cơ và tổ chức diễn tập đáp ứng dịch khẩn cấp ở tỉnh Lào Cai.
FAO đã tổ chức hội thảo khu vực về chuẩn bị phòng chống dịch tả lợn châu Phi cho các cán bộ thú y từ Việt Nam, Lào, Myanmar và Trung Quốc để tăng cường hợp tác nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh ở Đông Nam Á.
Ông Pawin Padungtod, Điều phối viên Kĩ thuật cao cấp, Trung tâm Phòng chống và Khẩn cấp kiểm soát Dịch bệnh động vật lây truyền Xuyên biên giới (ECTAD), FAO Việt Nam cho rằng, để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, việc phát hiện, thông tin kịp thời để xử các trường hợp nghi ngờ lợn mắc bệnh rất quan trọng…
Bởi, hiện không có vaccine hiệu quả để bảo vệ lợn khỏi bệnh và chủng virus dịch tả lợn châu Phi độc lực cao (loại đã thâm nhập vào Trung Quốc) có thể khiến 100% số lợn nhiễm bệnh bị chết.
Việc kiểm soát của dịch bệnh trên là vô cùng khó khăn, do virus gây bệnh này có thể tồn tại trong thời gian dài ở điều kiện thời tiết rất lạnh và rất nóng, và ngay cả trong các sản phẩm thịt lợn sấy khô hoặc đã giết mổ.
Đại diện của FAO cũng cho rằng, người chăn nuôi lợn cần áp dụng các biện pháp an toàn sinh học nghiêm ngặt, để ngăn chặn sự thâm nhập của bệnh ASF.
Theo đại diện của FAO, bệnh ASF là bệnh truyền nhiễm ở lợn và lợn rừng với tỷ lệ chết lên tới 100%, gây thiệt hại thương mại và thiệt hại kinh tế cho ngành chăn nuôi lợn toàn cầu. Tuy nhiên, không giống như cúm lợn, dịch tả lợn châu Phi không lây truyền và gây bệnh cho người.
Dịch ASF ban đầu chỉ có ở châu Phi, sau đó lây sang Georgia vào năm 2007, từ đó lan sang Trung và Đông Âu. Bệnh đã được báo cáo ở Trung Quốc kể từ khi dịch đầu tiên bùng phát ở tỉnh Liêu Ninh vào tháng 8 năm 2018. Kể từ đó, tổng số 104 ổ dịch đã được ghi nhận ở 25 tỉnh và hơn 950.000 con lợn đã bị tiêu hủy.
FAO cho biết, dịch tả lợn châu Phi (ASF) không phải là mối nguy hiểm đối với con người nhưng gây tử vong cho lợn nuôi và lợn rừng. Thịt lợn vẫn có thể được tiêu thụ an toàn khi nấu chín.
FAO khuyến cáo người nuôi lợn: Khai báo bất kỳ trường hợp đáng ngờ nào (lợn chết hoặc còn sống) cho cơ quan thú y vì đặc điểm của dịch là không chết cả đàn, mà chết từ từ. Tuân thủ các biện pháp phòng ngừa, vệ sinh khu chăn nuôi và tại các chợ như thường xuyên.
Không cho khách tới thăm khu nuôi, tiếp xúc trực tiếp và gián tiếp với đàn lợn. Không cho lợn ăn thức ăn thừa không đảm bảo hay đồ ăn có chứa thịt.
Không tặng hoặc bán lợn chết cho người khác và không dùng lợn bệnh làm thức ăn cho động vật. Không vận chuyển lợn hoặc các sản phẩm có nguồn gốc từ lợn nhà hoặc lợn rừng (sản phẩm làm tại nhà) ra, vào vùng có dịch.
FAO khuyến cáo người đến người dân: Cần nấu chín thịt lợn trước khi ăn; không tới thăm khu chăn nuôi lợn đặc biệt ở vùng dịch và bị ảnh hưởng. Khi thấy lợn chết, hãy báo cáo cho cán bộ thú y xã hoặc chính quyền địa phương. Không mang lợn hoặc các sản phẩm thịt lợn ra nước ngoài, nếu đưa hãy khai báo hoặc hỏi các cơ quan chức năng trước để trách bị phạt.
Tiền phong