MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

FDI bất động sản đạt gần 1 tỷ USD vốn đăng ký

16-11-2016 - 11:17 AM | Bất động sản

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), lĩnh vực BĐS chỉ đứng sau ngành công nghiệp chế biến, chế tạo về thu hút đầu tư nước ngoài, với 42 dự án có tổng vốn đăng ký gần 1 tỷ USD.

Nhiều dự án lớn có vốn đăng ký hàng trăm triệu USD được cấp phép trong thời gian qua:

Dự án LG Display Hải Phòng, cấp phép ngày 15/4/2016, tổng vốn đầu tư đăng ký 1,5 tỷ USD do LG Display co.,ltd (Hàn Quốc) đầu tư với mục tiêu sản xuất và gia công sản phẩm màn hình OLED nhựa cho các thiết bị di động như điện thoại di động, đồng hồ thông minh, máy tính bảng....

Dự án nhà máy LG Innotek Hải Phòng, tổng vốn đầu tư đăng ký 550 triệu USD do LG Innotek Co.,Ltd (Hàn Quốc) đầu tư với mục tiêu sản xuất mô đun camera tại Hải Phòng.

Dự án phát triển tổ hợp cảng biển và khu công nghiệp tại khu vực đầm nhà Mạc, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh, do Công ty TNHH tập đoàn quốc tế CDC (Cayman Islands) đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký 315,46 triệu USD.

Dự án Thành phố Amata Long Thành, tổng vốn đầu tư đăng ký 309,3 triệu USD do nhà đầu tư Thái Lan đầu tư với mục tiêu đầu tư xây dựng khu đô thị dịch vụ theo quy hoạch tại Đồng Nai.

Tính từ đầu năm 2016 đến nay, lĩnh vực BĐS đã thu hút được 42 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký là 982,59 triệu USD.

Trong thời gian qua, các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Singapore và Nhật Bản luôn đứng tóp đầu trong danh sách có số vốn đầu tư cao nhất vào BĐS Việt Nam. Trên thực tế, họ đã bước vào thị trường bất động sản Việt Nam khá lâu, chủ yếu ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM và đây là thời điểm họ tiếp tục rót vốn để thực hiện kế hoạch mới.

Chẳng hạn như trường hợp của CapitaLand (Singapore), thông qua công ty con là CapitaLand (Vietnam) Holdings, doanh nghiệp này đã mua một dự án (0,5 ha) tại phường Cầu Kho (quận 1) trị giá 51,9 triệu USD. Tính đến tháng 6/2016, CapitaLand có tổng giá trị tài sản tại Việt Nam là 748 triệu SGD, nâng Việt Nam trở thành thị trường lớn thứ ba trong khu vực ASEAN của Tập đoàn (sau Singapore và Malaysia).

Song song đó, mới đây, Sunwah Kingsway (thuộc Sunwah Group) đã ký kết với công ty quản lý quỹ Saigon Asset Management (SAM) để thành lập công ty liên doanh Sunwah Kingsway Vietnam (SKV), với vốn ban đầu là 100 triệu USD để tìm kiếm các cơ hội đầu tư mới vào thị trường vốn, công ty tư nhân và bất động sản. Theo tìm hiểu, liên doanh này đang "nhòm ngó" đến một khu đất vàng trên phố đi bộ Nguyễn Huệ để đầu tư cao ốc văn phòng cao cấp.

Ông Louis Nguyễn, Tổng giám đốc SKV cho biết, với những dự án bất động sản tiềm năng, đòi hỏi lượng vốn lớn, phía Công ty sẽ xem xét để bỏ thêm vốn vào, chứ không bị giới hạn trong khoản 100 triệu USD. Một nhân vật khác nằm trong ban lãnh đạo của SKV đã bày tỏ quan điểm, đây là thời điểm khả quan hơn cho thị trường bất động sản Việt Nam sau nhiều năm rơi vào khủng hoảng, những cơ hội M&A cũng đã mở ra, công ty sẵn sàng giải ngân vốn cho những khoản đầu tư tốt.

Về phía các nhà đầu tư Nhật Bản, đáng chú ý có tập đoàn Meade - một nhà thầu lớn đang tham gia đầu tư dự án tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên tại TP.HCM - cũng vừa tuyên bố sẽ rót 30 triệu USD để tham gia cùng một doanh nghiệp nội địa phát triển dự án nhà ở cao cấp tại quận 2.

Trước đó, công ty Kajima cũng đến từ Nhật Bản đã "bắt tay" với Indochina Land để cùng đầu tư những dự án BĐS trong 10 năm tới tại Việt Nam. Được biết các nhà đầu tư này sẽ dành khoảng 1 tỷ USD để thực hiện chiến lược hợp tác đầu tư trên. Một nhánh chuyên đầu tư vào BĐS của tập đoàn Mitsubishi gần đây cũng đã ký kết hợp tác với Bitexco nhằm chuẩn bị đầu tư khu đô thị có tổng vốn đầu tư 1,9 tỷ USD tại Hà Nội.

Đánh giá về cơ hội cho các nhà đầu tư ngoại khi tham gia thị trường Việt Nam, ông Lê Quốc Duy, Tiến Phát Corp. nhìn nhận, tại châu Á, thị trường Việt Nam được đánh giá cao về độ ổn định chính trị và dư địa dành cho thị trường nhà ở còn lớn với dân số trẻ tại các đô thị có nhu cầu về nhà ở khá cao.

Cho nên, tỷ suất lợi nhuận khi họ đầu tư vào thị trường nhà ở bình quân cũng đã ở mức 20 - 30%, đôi khi có những khoản đầu tư lên đến 50%, hấp dẫn hơn nhiều so với việc họ giữ lại tiền trong nước, với lãi suất chỉ 1 - 2,5%/năm, thậm chí ở vài quốc gia là 0%.

Gia Khang

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên