MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

FDI giúp hàng chục nghìn người tại Ethiopia, Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ thoát khỏi đói nghèo?

Theo WB, vốn FDI giúp hơn 35.000 người tại Ethiopia thoát khỏi cảnh đói nghèo trong khoảng thời gian từ năm 2009-2014; con số này tại Việt Nam là 24.000 (từ năm 2007 đến năm 2016).

Mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố báo cáo đầu tư toàn cầu, theo đó chuyên gia nghiên cứu của WB nói nhiều đến những tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lên cuộc sống và việc làm của người lao động trên khắp thế giới. WB có một chương phân tích về tác động của FDI lên thu nhập và phân phối thu nhập so sánh giữa Ethiopia, Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo WB, chính phủ nhiều nước muốn thu hút đầu tư nước ngoài để giúp tạo ra việc làm và giảm đói nghèo. Tuy nhiên kết quả nghiên cứu thực nghiệm về tác động giảm đói nghèo trực tiếp của FDI thực ra khá hiếm, đặc biệt tại nhóm nước đang phát triển. Ngoài ra, cũng chưa có nhiều kết quả nghiên cứu được công bố về tác động tổng thể của FDI lên phân phối thu nhập.

Phân tích từ cấp độ doanh nghiệp và các hộ gia đình tại Ethiopia, Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy các công ty FDI tạo ra việc làm mới và trả lương cao hơn so với các công ty nội địa. Người lao động trong nhiều lĩnh vực và khu vực có sự hiện diện nhiều hơn của doanh nghiệp nước ngoài thường được tuyển dụng chính thức nhiều hơn và nhận lương cao hơn.

FDI đã giúp cho hơn 350.000 cá nhân chính thức vào làm việc trong ngành sản xuất tại Việt Nam trong khoảng thời gian từ năm 2007 đến năm 2016. Con số này tại Thổ Nhĩ Kỳ là 40.000 người (từ năm 2009 đến năm 2016). FDI cũng giúp cho mức lương ngành sản xuất nói chung tăng 32% tại Ethiopia, 12% tại Việt Nam và 8% tại Thổ Nhĩ Kỳ.

FDI giúp hàng chục nghìn người tại Ethiopia, Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ thoát khỏi đói nghèo? - Ảnh 1.

Kết quả mức lương từ đi làm cho doanh nghiệp FDI đã giúp giảm được đói nghèo tại cả ba nước nói trên. Các ước tính "dè dặt" nhất cũng cho thấy rằng vốn FDI giúp hơn 35.000 người tại Ethiopia thoát khỏi cảnh đói nghèo trong khoảng thời gian từ năm 2009-2014; con số này tại Việt Nam là 24.000 (từ năm 2007 đến năm 2016) và với Thổ Nhĩ Kỳ là 15.000 người (từ năm 2009 đến năm 2016).

Dù rằng lương có được từ FDI giúp cải thiện thu nhập của khoảng 40% những người nghèo nhất tại ba nước trên, tác động từ việc phân phối thu nhập khác nhau tại ba nước.

Tại Ethiopia, lợi ích của FDI tập trung vào nhóm 40% dân số nghèo nhất, còn tại Việt Nam, tác động từ phân phối thu nhập khá tương đồng nhau với các nhóm thu nhập khác nhau. Ở Thổ Nhĩ Kỳ, tỷ lệ hưởng lợi trung bình từ FDI cao nhất, nhưng tỷ lệ bất bình đẳng thu nhập cũng cao hơn hẳn hai nước kể trên.

Tuy nhiên, vốn FDI cũng góp phần tạo ra bất bình đẳng thu nhập khi giúp cho những người lao động có trình độ cao hơn được hưởng lợi vượt trội. Khi so sánh giữa những khu vực và ngành có hoạt động FDI sôi động hơn và những khu vực không có FDI, người lao động trình độ cao hưởng lợi nhiều hơn hẳn, người lao động trình độ thấp trong khi đó chẳng thấy gì khác biệt hoặc thậm chí còn phải đương đầu với tình trạng giảm lương và mất việc làm.

Việc vốn FDI tạo ra bất bình đẳng thu nhập lớn hơn giữa người lao động có trình độ và trình độ thấp cho thấy tầm quan trọng của chính sách lao động và giáo dục của một đất nước.

Các chính sách quan trọng có thể bao gồm việc tăng cường năng lực cho doanh nghiệp và người lao động nội địa thông qua các chương trình đào tạo việc làm và kết nối với nhà cung cấp, ngoài ra là hỗ trợ cho các cộng đồng dễ chịu tổn thương (người lao động trình độ thấp, người trẻ tuổi và phụ nữ)…Không chỉ vậy, còn cần có thêm những chương trình giúp tăng cường tính linh động của lao động giữa các nước.

Theo Trung Mến

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên