FDI thấp nhất 10 năm, doanh nghiệp nước ngoài nản lòng bỏ đi: Chuyện gì đang xảy ra với nền kinh tế Châu Á tăng trưởng nhanh nhất thế giới có tham vọng thay thế Trung Quốc?
Ấn Độ đang trên đường trở thành nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới, nhưng câu chuyện đằng sau bức tranh màu hồng không hoàn toàn thuận lợi như mọi người vẫn nghĩ.
- 15-03-2024Người Ấn Độ thích ứng với cuộc sống không TikTok thế nào?
- 14-03-2024Đối tác đặc biệt 'mạnh tay' mua lại dầu Nga đã bị Ấn Độ từ chối
- 03-03-2024Ấn Độ có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới
- 01-03-2024Ấn Độ sắp ra mắt thuốc điều trị ung thư giá 30.000 đồng
Tờ Nikkei Asian Review cho hay tăng trưởng GDP của Ấn Độ trong năm tài chính kết thúc vào tháng 4/2024 dự kiến đạt 7,3%, đưa quốc gia này thành nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Đây là một thông tin có thể gây bất ngờ cho nhiều chuyên gia cách đây 10 năm khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) thắt chặt chính sách tiền tệ và Ấn Độ dường như trở thành một trong những nền kinh tế đầu tiên chịu tổn thương nặng vì dòng vốn nước ngoài rút khỏi thị trường.
Thế nhưng giờ đây sau 2 năm kể từ khi FED chính thức nâng lãi suất, nền kinh tế Nam Á này lại chứng tỏ sự kiên cường của mình với tham vọng thay thế Trung Quốc để trở thành công xưởng mới trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tuy nhiên, đằng sau bức tranh màu hồng của nền kinh tế Ấn Độ vẫn còn nhiều vấn đề khiến các chuyên gia lo lắng.
FDI đi đâu?
Theo Nikkei, dù thị trường chứng khoán Ấn Độ tăng phi mã thời gian qua trước những chỉ số tích cực của nền kinh tế nhưng sức hút của chúng đang giảm dần.
Mặc dù nổi lên với các chiến dịch như "Make in India" hay thay thế Trung Quốc để trở thành công xưởng mới trong bối cảnh chiến tranh thương mại nhưng Ấn Độ lại đang chứng kiến dòng vốn trực tiếp nước ngoài (FDI) giảm xuống mức thấp nhất 10 năm qua.
Số liệu của Capital Economics cho thấy dòng vốn FDI theo tỷ trọng GDP suốt 1 năm tính đến tháng 9/2023 đang thấp nhất kể từ năm 2005.
Tương tự, báo cáo của DPIIT cho thấy FDI đổ vào Ấn Độ đã giảm 21% trong năm 2023 xuống chỉ còn 41,31 tỷ USD.
Tồi tệ hơn, hàng loạt dự án đầy hứa hẹn được thông báo để rồi bỏ đó hoặc bị hủy bỏ.
Tháng 7/2023, tập đoàn Công nghệ Foxconn của Đài Loan đã rút khỏi liên doanh sản xuất chất bán dẫn trị giá 19,5 tỷ USD với tập đoàn địa phương Vedanta Group.
Trước đó, hãng Sony cũng đã rút khỏi một thỏa thuận trị giá 10 tỷ USD để hợp nhất các hoạt động địa phương của mình với đài truyền hình Ấn Độ Zee Entertainment.
"Dòng vốn FDI đang suy giảm suốt 1 năm qua tại Ấn Độ", báo cáo gần đây của J.P. Morgan ghi rõ.
Sự suy giảm FDI đã làm dấy lên lo ngại cho các chuyên gia vì Ấn Độ rất cần tạo việc làm trong mảng sản xuất, chủ yếu để phục vụ lượng lớn lao động trẻ tay nghề thấp.
Lợi thế lao động trẻ dồi dào của Ấn Độ chỉ có thể hiện thực hóa nếu dòng vốn FDI tạo nên việc làm và thu nhập, bằng không chúng sẽ trở thành gánh nặng cho cả nền kinh tế với tỷ lệ thất nghiệp cao.
Make in India
Trên thực tế, Ấn Độ nhận thức rất rõ được tầm quan trọng của việc thu hút vốn FDI mở nhà máy tại đây, qua đó tạo việc làm, thu nhập cũng như nâng tầm vị thế trong chuỗi cung ứng.
Đây là lý do chính khiến các chương trình như "Make in India" hay Khuyến khích liên kết sản xuất (PLIS) nhằm thuyết phục các hãng sản xuất ô tô, đồ điện tử...mở nhà máy tại Ấn Độ.
Thế nhưng theo Nikkei, việc nước này tăng các rào cản nhập khẩu cũng như rắc rối trong mảng thuế, phân biệt đối xử với doanh nghiệp nước ngoài, chính sách bị thay đổi tùy tiện... đã cản trở dòng vốn FDI.
Tháng 8/2022, Ấn Độ đã siết chặt chính sách ưu đãi thuế cho nhà đầu tư nước ngoài sau khi nhiều doanh nghiệp nội địa tận dụng lỗ hổng, gửi tiền ra công ty con ở nước ngoài rồi đầu tư trở lại nội địa nhằm lách luật.
Thế nhưng sự thay đổi này cũng ảnh hưởng đến tâm lý của các doanh nghiệp FDI thực thụ, đó là chưa kể đến lãi suất tăng cao hơn của Mỹ khiến rủi ro và chi phí rót vốn vào Ấn Độ đi lên.
Với những hãng như Sony thì câu chuyện không chỉ nằm ở thuế hay chính sách mà còn là sự phân biệt đối xử.
Dù Ấn Độ có lực lượng lao động giá rẻ và một thị trường đầy tiềm năng với 1,4 tỷ dân nhưng tờ Nikkei nhận định cơ cấu kinh tế tại đây đang ngày càng độc quyền.
Cụ thể, nhiều nhóm lợi ích địa phương, doanh nghiệp bản địa đang thống trị các lĩnh vực kinh tế và dùng mọi chiêu trò để loại bỏ đối thủ cạnh tranh. Đây là khó khăn cực kỳ lớn cho các tập đoàn quốc tế vốn không quen thuộc văn hóa địa phương khi muốn tiếp cận thị trường.
Tờ Nikkei nhận định nhiều tập đoàn nội địa tại Ấn Độ, ví dụ như đế chế của tỷ phú Gautam Adani đã trở nên hùng mạnh đến mức họ chẳng cần tìm kiếm sự hợp tác hay nguồn vốn quốc tế, trái ngược so với cách đây 10 năm.
"Hầu hết các tập đoàn lớn địa phương ở Ấn Độ không thực sự muốn hoặc thậm chí chẳng cần bán cổ phần của mình nữa. Họ đã có đủ nguồn vốn để tự hoạt động", một giám đốc cấp cao của Bank of America chi nhánh Mumbai nói với Nikkei.
Tesla cũng nản lòng
Theo Nikkei, giới doanh nghiệp Ấn Độ có lịch sử lâu đời về truyền thống tìm kiếm viện trợ của chính phủ nhằm ngăn cản đối thủ cạnh tranh mới, bất kể là từ nước ngoài hay tại địa phương.
Câu chuyện "Giấy phép Raj" (License Raj) hay "Câu lạc bộ Bombay" (Bombay Club) của các ông trùm công nghiệp thập niên 1990 được cho là đã cản trở rất nhiều tiến trình mở cửa nền kinh tế nước này.
Rào cản độc quyền tại Ấn Độ đang khiến ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài nản lòng.
Ví dụ điển hình là nhà sản xuất thép Hàn Quốc POSCO sau nỗ lực kéo dài 12 năm đã từ bỏ kế hoạch trị giá 12 tỷ USD nhằm xây dựng một nhà máy ở bang Odisha năm 2017.
Dù dự án bị kiện cáo bởi người bản địa về lo ngại ô nhiễm môi trường nhưng Nikkei cho rằng có sự liên kết với các nhà máy thép đối thủ tại địa phương nhằm ngăn chặn POSCO.
Thậm chí đến cái tên nổi tiếng như Tesla hiện cũng đang bị các nhà sản xuất ô tô địa phương vận động hành lang để ngăn chặn. Phía Elon Musk đang đàm phán để được miễn thuế nhập khẩu khi xây dựng nhà máy tại Ấn Độ nhưng vẫn chưa đạt được thỏa thuận.
*Nguồn: Nikkei
An ninh Tiền tệ