FDI toàn cầu bị ảnh hưởng bởi những "cơn gió ngược"
Biến động kinh tế toàn cầu nửa đầu năm nay đã khiến dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI suy giảm ở nhiều khu vực.
- 12-07-2023Thu hút gần 614 triệu USD vốn FDI trong 6 tháng, Nghệ An vươn lên vị trí thứ 8 cả nước
- 11-07-2023Dự án FDI mới tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm
- 09-07-2023Hơn 76% vốn đầu tư FDI của Việt Nam đến từ những đối tác truyền thống này
Dòng vốn FDI toàn cầu suy giảm
Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), những cơn gió ngược từ lạm phát, sự ảm đạm của thương mại, cuộc đua tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương khiến chi phí đi vay, đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp đa quốc gia đắt đỏ hơn. Đây là thời điểm định hình lại chuỗi sản xuất toàn cầu.
Báo cáo Đầu tư Thế giới do Hội nghị Liên Hợp Quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) công bố mới đây cho thấy, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu giảm 12% trong năm ngoái, xuống còn 1.300 tỷ USD.
Nguyên nhân chủ yếu là do các cuộc khủng hoảng đa tầng từ cuộc xung đột ở Ukraine đến giá thực phẩm và năng lượng tăng cao, cùng áp lực nợ công.
Khu vực châu Á được nhận định vẫn là điểm đến đầu tư tốt.
Xu hướng giảm thu hút FDI rõ nét nhất ở các nước phát triển, giảm khoảng 37%, xuống còn 378 tỷ USD.
Tuy nhiên, FDI tại các quốc gia đang phát triển tăng 4% trong năm ngoái, lên 916 tỷ USD và chiếm hơn 70% dòng FDI toàn cầu.
Báo cáo mới nhất của Ngân hàng HSBC cho rằng, dòng vốn FDI vẫn chảy mạnh vào châu Á. Lượng vốn FDI trị giá hơn 700 triệu USD đã chảy vào khu vực này trong năm ngoái. Phần lớn tập trung vào lĩnh vực sản xuất, củng cố vị trí của khu vực với tư cách là một trung tâm thương mại toàn cầu.
Cải thiện môi trường kinh doanh thu hút FDI
Khu vực châu Á được nhận định vẫn là điểm đến đầu tư tốt. Trong đó, Việt Nam cùng một số ít các quốc gia như Malaysia, Phillippines, Australia được đánh giá là thị trường đầu tư triển vọng.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 6 tháng đầu năm nay số lượt dự án đăng ký mới và dự án đăng ký điều chỉnh vốn tăng lần lượt 72% và 30% so với cùng kỳ. Nghĩa là cả những nhà đầu tư mới và hiện hữu tự tin vào từng đồng vốn đầu tư tại Việt Nam.
Công ty TNHH Đóng tàu Hyundai Việt Nam vừa đưa vào vận hành cẩu trục 700 tấn giúp nâng công suất đóng tàu 18 - 20 tàu/năm. Đây đều là những tàu chở hàng container cỡ lớn từ 50.000 - 110.000 nghìn tấn, cung ứng cho các hãng vận tải biển toàn cầu.
Ông Lee Jong Chan - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đóng tàu Hyundai Việt Nam cho biết: "Chúng tôi đang đầu tư thêm nhiều trang thiết bị với giá trị lớn nhằm phục vụ cho kế hoạch mở rộng sản xuất, phát triển kinh doanh đóng tàu qui mô lớn trong thời gian tới, nhất là sau khi quy hoạch Khu kinh tế Vân Phong được phê duyệt, rất thuận lợi cho chiến lược dài hạn".
Với doanh nghiệp FDI, đầu tư sẽ dựa trên tầm nhìn dài hạn. Trong đó, quy hoạch của quốc gia, vùng, địa phương rất quan trọng vì đây là nền tảng cho không gian phát triển và thu hút đầu tư trọng tâm, hiệu quả.
Ông Châu Ngô Anh Nhân - Phó Giám đốc Phụ trách, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa cho hay: "Sau khi quy hoạch chung được Thủ tướng phê duyệt, chúng tôi tập trung vào hoàn thiện các quy hoạch phân khu. Đặc biệt là các phân khu trọng điểm chúng tôi có định hướng thu hút đầu tư theo lộ trình, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư".
Việt Nam là một trong 5 điểm đến đầu tư hàng đầu của doanh nghiệp châu Âu. Ảnh minh họa.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nửa đầu năm nay, chất lượng thu hút FDI được cải thiện, dự án FDI mới tăng cả về số lượng và giá trị so với cùng kỳ, tập trung ở các địa phương chú trọng cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, cải cách thủ tục hành chính, xúc tiến đầu tư. Dòng FDI vào Việt Nam không chỉ là hợp tác đầu tư kinh doanh, mà còn là các khoản đầu tư nghiên cứu và phát triển công nghệ.
Bà Yun Liu - Chuyên gia Kinh tế phụ trách thị trường ASEAN, Ngân hàng HSBC đánh giá: "Nếu xét tỷ trọng giữa vốn FDI so với GDP ở nhóm các quốc gia đang phát triển và mới nổi thì Việt Nam, Malaysia có vốn FDI trung bình chiếm trên 2% GDP, cao hơn so với Hàn Quốc, Bangladesh chỉ dưới 1%. Điều này cho thấy sự dịch chuyển dòng vốn này".
Ông Jean-Jacques Bouflet - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) nhận định: "Thông qua đối thoại thường xuyên với Chính phủ, chúng tôi đánh giá cao những biện pháp cần thiết để củng cố sức hấp dẫn môi trường đầu tư của Việt Nam và quan trọng nhất là sức khoẻ của cộng đồng doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI với các giải pháp như giảm thuế, cải cách thủ tục hành chính ở các cấp, cung ứng vốn cho sản xuất".
Báo cáo chỉ số niềm tin kinh doanh của EuroCham trong quý II vừa qua đánh giá tích cực về triển vọng kinh doanh quý III, Việt Nam là một trong 5 điểm đến đầu tư hàng đầu của doanh nghiệp châu Âu.
VTV