FDI từ Hàn Quốc: Triều Tiên có trở thành đối thủ cạnh tranh của Việt Nam trong tương lai?
80% doanh nghiệp được hỏi trong tổng số 1.176 doanh nghiệp Hàn Quốc cho biết mong muốn đầu tư tại Triều Tiên một khi các biện pháp trừng phạt quốc tế được gỡ bỏ.
- 16-06-2018Kinh tế Việt Nam có lo suy thoái?
- 16-06-2018Việt Nam có thể bị "vạ lây" bởi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung?
- 15-06-2018Tập đoàn đồ chơi lớn 13 thế giới muốn tạo trung tâm công nghệ 4.0 ở Việt Nam
Một ngày trước (17/6), Hiệp hội Thương mại quốc tế Hàn Quốc (KITA) đã công bố kết quả thăm dò liên quan đến việc đầu tư của doanh nghiệp nước này. Theo đó, nhiều ông chủ Hàn Quốc đã bày tỏ mong muốn tham gia các dự án phát triển tại Triều Tiên.
Kết quả cho thấy 80% trên tổng số 1.176 doanh nghiệp được hỏi trả lời rằng muốn tham gia đầu tư tại Triều Tiên một khi các biện pháp trừng phạt quốc tế được gỡ bỏ.
Cụ thể, 36,1% các doanh nghiệp cho biết họ muốn tìm các cơ hội mới, 25,1% nói rằng họ mong muốn mang lại lợi ích cho tầng lớp có thu nhập thấp ở Triều Tiên.
Trong công nghiệp, 35,1% các doanh nghiệp Hàn nhận định ngành xây dựng là lĩnh vực hứa hẹn nhất, tiếp sau đó là lĩnh vực điện tử, du lịch, dệt may và quần áo.
Thành công của cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên tại Singapore vừa qua cùng với diễn biến tích cực của quan hệ liên Triều dường như đang mang lại hứa hẹn về một cơ hội kinh doanh đối với nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc một khi các biện pháp trừng phạt vào Bình Nhưỡng được gỡ bỏ.
Tuy nhiên, điều này cũng có thể trở thành thách thức đối với Việt Nam, nguyên nhân Hàn Quốc là quốc gia đầu tư số 1 tại Việt Nam liên tục trong nhiều năm trở lại đây.
PGS. TS. Vũ Minh Khương (ĐH Quốc gia Singapore) nhận định Triều Tiên có khả năng trở thành đối thủ cạnh tranh của Việt Nam trong tương lai. Ông Khương dự đoán Samsung có thể chuyển sang nước này để đầu tư sản xuất, trước những diễn biến khả quan của hai miền Nam – Bắc Hàn.
Hãng tin Bloomberg cũng đưa ra nhận định tương tự khi cho rằng Samsung khá sẵn sàng tái cơ cấu địa điểm sản xuất. Số liệu từ Kaesong Industrial Complex của Triều Tiên cho thấy chi phí nhân công ở đây rẻ hơn so với Việt Nam.
Trao đổi với Trí Thức Trẻ, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Phụ trách, Ban Chính sách kinh tế vĩ mô, Viện CIEM, nói rằng Triều Tiên đã học hỏi rất nhiều bài học kinh nghiệm từ Việt Nam. Việc lo ngại sự chuyển hướng đầu tư từ doanh nghiệp Hàn là có thể hiểu được. Tuy nhiên, ông Dương nhấn mạnh điều này có xảy ra hay không còn tuỳ thuộc vào nỗ lực của Việt Nam.
"Nếu chúng ta vẫn duy trì được đà hấp dẫn về môi trường đầu tư kinh doanh, tiềm năng tăng trưởng thì rõ ràng không nhà đầu tư nào bỏ đi cả", ông Dương nói.
Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn đang có lợi thế tương đối nhiều từ các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết và một số hiệp định đang trên bàn đàm phán. Nghĩa là, cơ hội làm ăn tại đất nước hình chữ S đang tiếp tục được mở ra.
Vị chuyên gia đến từ CIEM cho rằng quan trọng hơn cả, Việt Nam phải tìm được cách hưởng lợi từ quan hệ đầu tư với Hàn thay vì lo ngại cạnh tranh với Triều Tiên. Sự liên kết giữa doanh nghiệp hai nước theo đó cần tiếp tục tăng cường, bởi lẽ, khi mối nối càng chặt chẽ, sự dời đi là rất hãn hữu.
Ông Dương cũng cho rằng các nhà đầu tư Hàn Quốc khi sang Việt Nam đều có xu hướng gắn bó. Nguyên nhân họ tìm được sự ổn định từ thể chế chính trị, môi trường đầu tư...
Tất nhiên, vị chuyên gia này cũng không loại trừ hết những biến động trong tương lai, nhưng ông cho rằng đấy là một sức ép tích cực, giúp đất nước tiếp tục tăng tốc nhằm giữ chân các nhà đầu tư nước ngoài.