MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Fecon - “người khổng lồ” đi chậm

08-08-2016 - 09:08 AM | Doanh nghiệp

Được xem là doanh nghiệp có nhiều tiềm năng trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu về lĩnh vực hạ tầng tại Việt Nam, nhưng những bước đi của CTCP Fecon (mã FCN) vẫn chưa có nhiều đột phá.

Đi chậm...

CTCP Fecon, tên trước đây là CTCP Kỹ thuật nền móng và Công trình ngầm Fecon, được thành lập từ 2004, là công ty hoạt động trong lĩnh vực xây dựng công trình, sau đó tập trung vào chuyên ngành sâu là nền móng và công trình ngầm.

Hiện nay, FCN có thị phần hàng đầu về nền móng, cọc thi công lớn nhất miền Bắc và cũng là công ty hàng đầu trong lĩnh vực chuyên ngành nền móng công trình ngầm tại Việt Nam. Bất động sản ấm lên đồng nghĩa với việc hợp đồng từ các dự án lớn càng lúc càng “bay” về với Fecon.

Hiện tại, Fecon là đơn vị đầu tiên và duy nhất của Việt Nam sản xuất thành công sản phẩm cọc bê tông y tâm dự ứng lực cường độ cao theo tiêu chuẩn quốc tế. Doanh nghiệp tham gia thi công ở hầu hết các công trình trọng điểm quốc gia.

Tuy nhiên, nhìn lại quá trình phát triển, doanh nghiệp này vẫn đang đi một cách “từ từ và chậm rãi”.

Trong khi doanh thu liên tục tăng trưởng và tăng trưởng một cách đều đặn hàng năm, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp vẫn tiếp tục được kéo lên, tuy nhiên, mức tăng trưởng lại thua xa mức tăng trưởng doanh thu.

Được biết, năm 2015 là năm mà Fecon có số dự án trúng thầu kỷ lục, tuy nhiên, trong khi doanh thu thuần đạt 1.660 tỷ đồng, tăng 23% so với năm trước thì lợi nhuận thu về chỉ ở mức 154 tỷ đồng, tăng 14,1%.

Tỷ suất lợi nhuận ròng của doanh nghiệp chỉ lững chững ở mức 8-9% trong những năm qua, không có sự đột phá.

Về sức khoẻ tài chính, hệ số nợ/tổng tài sản của công ty đang dần tăng (68%) cho thấy xu hướng tăng tài sản dựa trên vốn nợ. Trong đó chủ yếu là nợ vay chịu lãi và trái phiếu chuyển đổi, áp lực trả lãi nợ vay cũng theo đó tăng lên đáng kể.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2016, khoản mục chi phí lớn nhất mà Fecon phải trả là chi phí tài chính với hơn 72,6 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ, trong đó chi phí lãi vay chiếm 34,9 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng mạnh so với cùng kỳ lên 51,3 tỷ đồng.

... liệu có chắc?

Vấn đề mức tăng trưởng lợi nhuận thấp hơn nhiều so với tăng trưởng doanh thu cũng đã từng được cổ đông chất vấn ban lãnh đạo Fecon nhiều lần.

Ban lãnh đạo của công ty cũng cho biết, hiện các công ty con của Fecon hợp tác với đối tác nước ngoài là chủ yếu nên không thể tránh khỏi việc chia sẻ lợi nhuận cho đối tác. Hầu hết các dự án, công ty mẹ là tổng thầu, công ty con thực hiện nên công ty mẹ hưởng lợi theo định mức.

Bên cạnh đó, tình hình cạnh tranh khá căng thẳng khi doanh nghiệp phải đối đầu với những nhà thầu nước ngoài hạ thấp giá, đặc biệt là các nhà thầu Trung Quốc.

Các công ty chứng khoán đặt khá nhều niềm tin vào FCN khi nhiều hiệp định FTAs được ký kết sẽ mang lại triển vọng đầu tư nhiều dự án xây dựng công nghiệp từ dòng vốn FDI cũng như nhiều dự án hạ tầng giao thông của Chính phủ.

Trong 6 tháng đầu năm qua, công ty ghi nhận tổng giá trị hợp đồng đã ký khoảng 1.000 tỷ đồng. Cộng với khoảng 900 tỷ đồng những hợp đồng đã ký vào năm 2015 để chuyển sang thi công vào năm nay, tính đến thời điểm này, Fecon đã có tổng trị giá hợp đồng gần 2000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo công ty này 6 tháng cuối năm mới là thời điểm tăng tốc khi nhiều dự án đầu tư lớn mới bắt đầu triển khai.

Các dự án gối đầu liên tục là yếu tố đảm bảo sự tăng trưởng kết quả kinh doanh của công ty. Tuy nhiên Fecon cũng sẽ nằm trong sự ảnh hưởng chung của toàn ngành khi nhu cầu đầu tư cho xây dựng dân dụng và cơ sở hạ tầng đã dần chậm lại. Cùng với đó các dự án đấu thầu dưới hình thức BOT cũng sẽ phải mất một thời gian dài mới có thể thu hồi lại vốn.

Cổ phiếu FCN trên sàn được giao dịch với mức giá không cao, không có nhiều biến động mạnh. Tuy nhiên cổ phiếu này chưa có nhiều hấp dẫn so với nhà đầu tư do room nước ngoài đã kín khi FCN khoá room để thực hiện kế hoạch chuyển đổi trái phiếu của các trái chủ là nhà đầu tư ngoại. Kế hoạch nới room lên 100% vẫn chưa có thêm thông tin mới.


 Diễn biến giao dịch của cổ phiếu FCN từ khi lên sàn

 Diễn biến giao dịch của cổ phiếu FCN từ khi lên sàn

Theo Nguyên Minh

Bizlive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên