Fed đã hành động, Việt Nam thì sao và sẽ thế nào?
Đêm muộn 3/3 (giờ Việt Nam), Fed ra quyết định hạ mạnh lãi suất. Việt Nam dự kiến sẽ có những tác động liên quan.
- 04-03-2020Thêm nhiều ngân hàng miễn, giảm phí dịch vụ
- 03-03-2020Giá vàng tăng vọt gần 50 USD/ounce ngay sau khi Fed hạ lãi suất khẩn cấp
- 03-03-2020Lãi suất huy động sẽ giảm trong thời gian tới?
Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2008 - thời điểm xẩy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu - Cục Dự trữ Liên bang Mỹ ( Fed ) giảm lãi suất có tính chất khẩn cấp với một bước mạnh như vậy (0,5 điểm phần trăm).
Quyết định đưa ra khác với lộ trình thường được Fed định hướng trước và qua các cuộc họp mang tính định kỳ. Như trong năm 2019, cơ quan này đã ba lần giảm lãi suất, sau các cuộc họp và đều đặn 0,25 điểm phần trăm.
Quyết định bất thường để ứng xử với một tình huống bất thường: nền kinh tế đã và đang chịu tác động bất lợi từ dịch cúm corona lan ra toàn cầu.
Như BizLIVE đề cập ở bản tin trước , quyết định của Fed được giới phân tích đánh giá là không thể chặn hoặc đẩy lùi virus corona, nhưng nó có tác động hỗ trợ đối với nền kinh tế trước khó khăn.
Chắc chắn sẽ có nhiều bình luận về quyết định của Fed những ngày tới, nhưng một điều đã thể hiện: nhà điều hành chính sách tiền tệ Hoa Kỳ đã có phản ứng nhanh, linh hoạt và có thể nói là quyết đoán.
Tại thị trường Mỹ, trong khoảng thời gian đầu, thị trường chứng khoán có phần lưỡng lự. Nó giống như một vụ nổ vừa xẩy ra, giới đầu tư và thị trường cần một khoảng định hình để rồi có phản ứng khá đồng nhất. Chỉ số Dow Jones ngay sau đó rơi thẳng, mất hơn 500 điểm, giá vàng tăng vọt thêm hơn 40 USD/oz (ghi nhận tại thời điểm 23h30 giờ Việt Nam), và dự kiến sẽ cần một khoảng thời gian sau đó để định hình thêm.
Những phản ứng trên cho thấy, một mặt quyết định của Fed là cần và để hỗ trợ cho nền kinh tế (chính sách tích cực), nhưng thị trường và nhà đầu tư nhận thấy phía sau quyết định đó là tình trạng khó khăn của nền kinh tế đến mức phải có giải pháp khẩn cấp như vậy - từ tác động của dịch cúm corona.
Như trên, Fed đã phản ứng nhanh, linh hoạt và quyết đoán chính sách. Còn Việt Nam thì sao, những tác động nào có thể tính đến?
Tính từ thời điểm ca nhiễm Covid-19 đầu tiên được phát hiện tại Việt Nam (23/01/2020), đến nay đã 40 ngày trôi qua. Quyết định duy nhất về chính sách tài khóa mang tính hỗ trợ, phản ứng nhanh mới chỉ là miễn thuế nhập khẩu một số mặt hàng trang thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch. Nhiều ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ, miễn giảm phí dịch vụ… nhưng mới chỉ mang tính tự nguyện. Ngân hàng Nhà nước vẫn đang hoàn thiện dự thảo hướng dẫn.
Không chỉ Fed, như BizLIVE cập nhật vừa qua, nhiều quốc gia trong khu vực đã lần lượt giảm lãi suất , tung ra các gói cụ thể, để hỗ trợ nền kinh tế trước tác động của đại dịch…
Lần này, quyết định của Fed dự kiến sẽ tạo thêm sức nặng, có tác động đến Việt Nam, trước mắt là điểm đến lãi suất và tỷ giá USD/VND, sâu xa hơn là vấn đề xuất khẩu.
Năm 2019, sau ba lần Fed giảm lãi suất, lãi suất USD trên thị trường liên ngân hàng Việt Nam cũng giảm khá tương ứng. Các mức từ 2,5% đến 2,8%/năm tùy kỳ hạn đầu 2019 đã từng bước giảm xuống còn 1,7% đến hơn 2%/năm, duy trì khá ổn định đến nay.
Đối ứng, lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng tầm này năm ngoái có từ 3,7% đến 4,3%/năm tùy kỳ hạn, rồi cũng từng bước giảm và hiện khá ổn định từ 2% đến 2,8%/năm.
Mặt bằng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng xuống mức thấp; chênh lệch lãi suất giữa VND với USD được duy trì (một vài thời điểm có điểm hoán đổi âm).
Nay, quyết định mới của Fed, giảm mạnh hơn, điểm chú ý cũng được tập trung ở "mức độ liên thông có lộ trình" của lãi suất USD trên thị trường liên ngân hàng Việt Nam. Mà liên quan, chênh lệch lãi suất với VND cũng được chú ý và điểm đến là tỷ giá USD/VND.
"Ngày mai, thị trường liên ngân hàng Việt Nam dự kiến sẽ có những diễn biến đáng để ý", một chuyên gia trao đổi bên lề với BizLIVE ngay sau khi có thông tin Fed giảm lãi suất.
Có một khác biệt lớn. Nếu tầm này năm ngoái Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vẫn phải hỗ trợ thanh khoản hệ thống, qua số dư bơm ở kênh cầm cố trên OMO hơn 20.000 tỷ đồng, thì năm nay nhà điều hành phải liên tục không ngừng hút bớt tiền về với số dư cập nhật gần nhất đến ngày 3/3 đã là gần tròn 130.000 tỷ đồng.
Với khác biệt đó, lãi suất tín phiếu Ngân hàng Nhà nước phát hành hút bớt tiền về sẽ được chú ý, hiện ở 2,65%/năm. Lãi suất này có ảnh hưởng lớn đến lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng như một điểm tham chiếu. Khi Fed giảm mạnh lãi suất, lãi suất USD trên thị trường liên ngân hàng Việt Nam dự kiến sẽ từng bước hấp thụ tác động, chênh lệch lãi suất VND với USD theo đó có thể doãng rộng ra theo hướng có lợi cho VND, hay VND lên giá.
Theo hướng đó, tỷ giá USD/VND có thể giảm (hiện trên thị trường liên ngân hàng mức giao ngay xoay quanh 23.230 VND), phản ánh VND lên giá nói trên.
Trong bối cảnh nhiều quốc gia trong khu vực hạ lãi suất, nhiều đồng tiền cũng giảm giá mạnh, mà Việt Nam có lãi suất cao hơn cùng đồng nội tệ lên giá thì sẽ hạn chế sức cạnh tranh hàng hóa và bất lợi cho xuất khẩu.
Tuy nhiên, cũng như trong năm 2019, hướng sụt giảm của tỷ giá USD/VND hay đà lên giá của VND đã được Ngân hàng Nhà nước chặn lại. Nay cũng vậy. Đó là qua hoạt động mua vào ngoại tệ, áp giá tham chiếu mua vào USD như một "ngưỡng chặn".
Những dự kiến trên hẳn cần một quá trình để theo dõi. Còn điểm nổi bật nhất lúc này, như trên, nhiều quốc gia và nhiều ngân hàng trung ương đã vào cuộc, đã có phản ứng nhanh, linh hoạt và cụ thể để hỗ trợ nền kinh tế trước tác động của Covid-19, thì Việt Nam vẫn chưa cho thấy sự linh hoạt, phản ứng nhanh và quyết đoán về phương diện chính sách điều hành hỗ trợ (về tài khóa và tiền tệ), mà chủ yếu từ định hướng chung qua rất nhiều cuộc họp và tự nguyện có giới hạn của các ngân hàng thương mại.
Bizlive