FED giữ nguyên lãi suất, phát tín hiệu tạm dừng nâng
“Tuyên bố này cho thấy FED đã ‘đầu hàng’ thị trường”, một chuyên gia nhận xét...
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) ngày 30/1 phát tín hiệu tạm dừng nâng lãi suất và linh hoạt trong việc bán ra tài sản. Đây được xem là một sự dịch chuyển lớn khỏi lập trường thiên về thắt chặt chính sách tiền tệ mà FED cách đây chỉ 1 tháng còn thể hiện.
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh, trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ và đồng USD cùng sụt mạnh sau tuyên bố trên của FED. Giới đầu tư cho rằng FED đang chuyển trọng tâm sang duy trì sự tăng trưởng hiện nay của kinh tế Mỹ, thay vì tìm cách ngăn chặn sự tăng trưởng quá nóng. Sự dịch chuyển này diễn ra sau nhiều tháng Tổng thống Donald Trump liên tục chỉ trích FED đã tăng lãi suất quá nhanh, quá nhiều.
Theo tin từ Bloomberg, trong tuyên bố sau cuộc họp kéo dài hai ngày, Ủy ban Thị trường mở (FOMC) - cơ quan quyết định lãi suất trong FED - nói "sẽ kiên nhẫn trong việc xác định xem sự điều chỉnh nào đối với lãi suất mục tiêu trong tương lai là phù hợp". Tuyên bố này được xem là mở ra cánh cửa cho việc cắt giảm lãi suất trong trường hợp cần thiết.
FED cũng nói "sẵn sàng điều chỉnh bất kỳ chi tiết nào trong chương trình bình thường hóa bảng cân đối kế toán, tùy theo các diễn biến kinh tế và tài chính".
"Tuyên bố này cho thấy FED đã ‘đầu hàng’ thị trường", chuyên gia kinh tế trưởng tại Mỹ của Barclays, ông Michael Gapen, nhận định. "Thị trường xem đây như một sự khẳng định rằng FED đã hoàn tất chu kỳ tăng lãi suất, và khả năng FED dừng việc bán ra tài sản là lớn hơn khả năng có thêm một đợt tăng lãi suất nữa".
Trong cuộc họp báo sau cuộc họp, Chủ tịch FED Jerome Powell nói rằng nền kinh tế Mỹ đang ở trong một trạng thái tốt, nhưng sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc và châu Âu, vấn đề Brexit, đàm phán thương mại và tác động của việc Chính phủ Mỹ đóng cửa 5 tuần vừa qua đã gửi đi những tín hiệu trái chiều đối với triển vọng của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
"Vào những thời điểm như thế này, công tác quản trị rủi ro theo lẽ thường đòi hỏi sự kiên nhẫn, chờ đợi tình hình trở nên rõ ràng hơn. Đó là một cách tiếp cận đã mang lại hiệu quả tốt cho các nhà hoạch định chính sách trước đây", ông Powell phát biểu.
Khi được hỏi liệu FED còn nghiêng về khả năng tăng lãi suất, ông Powell nói: "Tôi muốn chờ xem có cần phải nâng lãi suất nữa hay không. Đối với tôi, điều quan trọng sẽ nằm ở lạm phát. Đó sẽ không phải là vấn đề duy nhất, nhưng chắc chắn là quan trọng".
Ông Trump tỏ ra hào hứng về sự tăng điểm của chứng khoán Mỹ trong phiên ngày thứ Tư. Trong một dòng trạng thái trên mạng xã hội Twitter, vị Tổng thống gọi việc chỉ số Dow Jones vượt ngưỡng 25.000 điểm là "tin tuyệt vời".
So với tuyên bố sau cuộc họp hồi tháng 12, tuyên bố lần này của FED bỏ nội dung kêu gọi "nâng dần lãi suất thêm vài lần", đồng thời để ngỏ cánh cửa cho động thái tiếp theo có thể là tăng hoặc giảm lãi suất, trên cơ sở "diễn biến kinh tế và tài chính toàn cầu và áp lực lạm phát yếu". Tuyên bố lần này cũng xóa nội dung nói rằng rủi ro đối với triển vọng tăng trưởng đang "tương đối cân bằng".
"Lạm phát vẫn là câu chuyện chính", ông Neil Dutta, trưởng bộ phận kinh tế Mỹ thuộc Renaissance Macro Research, phát biểu. "Lạm phát đang diễn ra với tốc độ rất chậm chạp, và điều này sẽ tiếp diễn thêm một thời gian nữa". Theo vị chuyên gia, nhiều khả năng FED sẽ dừng nâng lãi suất cho đến hết tháng 6, thậm chí là hết tháng 9.
Về bảng cân đối kế toán, ông Powell nói quy trình bình thường hóa sẽ hoàn tất "sớm hơn dự kiến, và với một bảng cân đối kế toán lớn hơn" so với dự kiến trước đây.
Toàn bộ 10 quan chức của FOMC bỏ phiếu thuận giữ nguyên lãi suất cơ bản đồng USD (federal funds rate) trong khoảng 2,25-2,5%. Quyết định này không nằm ngoài dự báo của giới phân tích.
"Tuyên bố của FED là một dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy các quan chức của ngân hàng trung ương này đang cân nhắc chấm dứt chu kỳ thắt chặt. Tuyên bố đã loại bỏ hoàn toàn những tín hiệu rằng đồng thái tiếp theo sẽ là một đợt nâng lãi suất", các chuyên gia kinh tế của Bloomberg Economics nhận xét.
VnEconomy