MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

FED không tăng lãi suất, thị trường tiền tệ Việt Nam diễn biến ra sao?

Động thái mới nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ giúp cho tính thanh khoản tiền tệ thế giới cũng như Việt Nam trở nên thuận lợi hơn, theo ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).

Ngày 30/1, FED đã quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản trong vùng mục tiêu từ 2,25 – 2,5% và linh hoạt trong việc bán tài sản. Hành động này được xem là sự dịch chuyển lớn khỏi lập trường thiên về thắt chặt chính sách tiền tệ mà tổ chức này thể hiện 1 tháng trước đó.

Thị trường chứng khoán Mỹ ngay lập tức có những phản ứng tích cực khi tăng điểm mạnh, trong khi đó, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ và đồng USD cùng sụt giảm.

Bình luận về hành động của FED, TS. Cấn Văn Lực cho rằng điều này đã được thị trường mong đợi từ trước do tình hình kinh tế của Mỹ không được như kỳ vọng. "Đặc biệt trong quý IV/2018, kinh tế Mỹ đã có dấu hiệu giảm tốc. Lạm phát cũng thấp hơn so với tính toán của FED", ông nói.

Theo ông, FED giữ nguyên lãi suất cho thấy dấu hiệu kinh tế thế giới cũng như Mỹ năm nay ở mức khó khăn hơn năm trước đó. Tuy nhiên, điều này cũng mang lại những tác động tích cực khi mặt bằng lãi suất nói chung sẽ không cao, vì vậy không tạo áp lực lên tỷ giá.

Mặt khác, tính thanh khoản trên thị trường sẽ được duy trì. "Khi FED tăng lãi suất, dòng tiền sẽ tìm nơi trú ẩn an toàn, khiến mức độ thanh khoản trên thị trường tiền tệ thế giới giảm đi", ông giải thích.

Như vậy, Việt Nam trong xu hướng chung này cũng sẽ có được những tác động tích cực nhất định. Tỷ  giá USD với VNĐ được ổn định, tính thanh khoản của thị trường tài chính tiền tệ trở nên thuận lợi hơn. Dù vậy, ông Lực lưu ý cần theo dõi chặt chẽ bởi trong năm nay, FED vẫn còn dự tính tăng lãi suất từ 1- 2 lần.

Trong tuyên bố ngày 30/1, FOMC - đơn vị phụ trách hoạch định chính sách tiền tệ của Fed, cho biết quyết định giữ nguyên lãi suất được đưa ra nhằm hỗ trợ các mục tiêu của Chính phủ Mỹ trong việc thúc đẩy tối đa thị trường việc làm và bình ổn giá.

Theo đánh giá của FOMC, kinh tế Mỹ dường như đạt được kết quả tích cực như hoạt động kinh tế mở rộng bền vững, tình hình thị trường việc làm tăng trưởng mạnh, trong khi tỷ lệ lạm phát được cho tiến sát mục tiêu 2%.

Trong năm 2018, Fed đã tăng lãi suất ngắn hạn 4 lần và dự định tăng thêm 2 lần nữa trong năm nay. Việc làm này của Fed đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của Tổng thống Donald Trump vì ông cho rằng việc tăng lãi suất cùng một số chính sách khác của Fed đang gây tổn hại nền kinh tế Mỹ. Trong khi đó, Chủ tịch Fed Jerome Powell khẳng định Fed sẽ "kiên nhẫn, theo dõi một cách cẩn trọng và sát sao" nền kinh tế Mỹ trước khi có động thái điều chỉnh lãi suất.

Các chuyên gia kinh tế nhận định sau một năm phục hồi, kinh tế Mỹ có thể đối mặt với nhiều thách thức trong năm 2019. Ảnh hưởng của gói kích thích bị giảm, chính sách tiền tệ bị siết chặt kết hợp với tăng trưởng toàn cầu bị chững lại sẽ là những nguy cơ khiến nền kinh tế lớn nhất thế giới bị giảm tốc.

T.Công

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên