Fed mới là thủ phạm gây thâm hụt thương mại cho Mỹ, chứ không phải Trung Quốc?
Các đợt tăng lãi suất của Cục dự trữ liên bang (Fed) để đáp ứng với chương trình kích thích tài khóa đang khiến thâm hụt thương mại của Mỹ mở rộng, chứ không phải là do những hành động thương mại không công bằng của Trung Quốc, cựu Chủ tịch Fed, bà Janet Yellen, nhận định.
- 15-11-2018Chủ tịch FED: “Kinh tế Mỹ đang rất tốt”
- 09-11-2018Lo sợ FED ra chính sách bất lợi, chứng khoán Mỹ "nằm im" bất chấp hứng khởi từ cuộc bầu cử giữa kỳ
- 09-11-2018Sau 2 ngày họp căng thẳng, FED quyết định không tăng lãi suất
- 24-10-2018Ông Trump trực tiếp chỉ trích chủ tịch của Fed về việc nâng lãi suất
- 20-10-2018Nếu cứ tiếp tục tăng lãi suất kiểu này thì Fed sẽ đẩy kinh tế Mỹ vào suy thoái?
Lãi suất ở Mỹ cao hơn so với những quốc gia khác hiện gây áp lực lên tỷ giá đô la Mỹ và "đây là một phần lý do tại sao chúng ta có thể hứng chịu thâm hụt thương mại lớn hơn", bà Yellen cho biết tại một hội nghị đang diễn ra ở Bắc Kinh vào hôm thứ Ba tuần này. Đồng đô la Mỹ mạnh hơn có xu hướng dẫn đến kim ngạch nhập khẩu cao hơn và xuất khẩu thấp hơn, khiến cho cán cân thương mại bị suy yếu.
Vị cựu giám đốc Fed, người mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thay thế bằng ông Jerome Powell vào đầu năm nay, cho rằng sự "thèm khát" của Mỹ đối với hàng hóa nước ngoài đang "giúp" tạo ra thâm hụt thương mại.
"Tôi không thấy các hành động thương mại không công bằng ở Trung Quốc, hay bất cứ nơi nào trên thế giới, là những gì phải chịu trách nhiệm cho sự thâm hụt thương mại của Mỹ", bà Yellen lên tiếng trong một đoạn video. "Thâm hụt thương mại của Mỹ phản ánh thực tế là người Mỹ hiện chi tiêu nhiều hơn chúng tôi sản xuất ra được, và đành phải nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ quá mức từ phần còn lại của thế giới để đáp ứng nhu cầu đó".
Bà Yellen dự đoán ngân hàng trung ương Mỹ sẽ tăng lãi suất từ ba đến bốn lần trong năm tới "để ổn định tỷ lệ thất nghiệp", điều mà bà cho rằng đã giảm xuống dưới mức mà hầu hết các chuyên gia kinh tế xem là bền vững. Cụ thể là con số này chỉ nằm ở mức 3,7% trong tháng 10 vừa qua.
Bà cho biết: "Chúng tôi hiện có một quốc gia mà hầu như ai cũng đã có được công ăn việc làm trước khi các đợt cắt giảm thuế gần đây diễn ra, và chi tiêu bổ sung đã thúc đẩy chính sách tài khóa mở rộng. Điều đó đã đẩy nền kinh tế Mỹ đến mức mà có lẽ là quá nóng".
"Mặc dù Fed đã bắt đầu lộ trình tăng lãi suất nhưng đó là điều dẫn đến các đợt tăng lãi suất cao hơn, và nhiều lần hơn so với những gì chúng tôi sẽ cần phải thực hiện, để bù đắp cho chương trình kích thích đó", bà thông tin thêm.
Tính đến hết tháng 9 vừa qua, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc đã mở rộng lên mức kỷ lục là 33,6 tỷ USD trong 12 tháng, theo số liệu của Bộ Thương mại Mỹ. Tổng thống Donald Trump năm nay đã áp thuế đối với một loạt mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ, với mục tiêu nêu rõ là một phần nhằm để giảm con số thâm hụt đó.
Bà Yellen cũng chỉ ra sự thật rằng việc nới lỏng tiền tệ của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) là một yếu tố đang tạo ra áp lực giảm giá đối với đồng Nhân dân tệ "do chính họ tự gây nên".