Fed muốn thắt chặt CSTT năm 2022: Thị trường chứng khoán Việt Nam và quốc tế thường phản ứng như thế nào trong quá khứ?
Là ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới, những động thái chính sách của Fed đều tạo ra những xáo động trên thị trường tài chính.
Trong cuộc họp chính sách tháng 12, Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách tiền tệ của Fed – đã quyết định thu hẹp lại gói nới lỏng định lượng (QE) từ những tháng cuối cùng của năm 2021 và nhiều khả năng sẽ nâng lãi suất điều hành 3 lần trong năm 2022.
Với vai trò là ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới, những động thái chính sách của Fed có tác động sâu rộng đến nền kinh tế thế giới nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng.
Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), trong quá khứ, thị trường chứng khoán Mỹ và thế giới vẫn tiếp tục duy trì được đà tăng điểm khi Fed bắt đầu giảm và dừng chương trình nới lỏng định lượng QE cũng như ở những lần tăng lãi suất đầu tiên.
Nguyên do của điều này đến từ việc Fed thường có những động thái thắt chặt khi nền kinh tế đã có sự hồi phục tốt, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp có sự cải thiện. Những thông tin tích cực này sẽ thay thế vai trò dẫn dắt thị trường của yếu tố tiền rẻ.
Lấy dẫn chứng trong cả 3 đợt Fed tăng lãi suất cơ bản giai đoạn 1998 – 2000, 2004 – 2007 và 2016 – 2018, chỉ số S&P 500 đều có xu hướng tăng và bắt tạo đỉnh, lao dốc khi NHTW Mỹ bắt đầu giảm lãi suất.
Trong lần thu hẹp và tiến tới kết thúc gói QE năm 2013 – 2014, thì cả S&P 500 của Mỹ và Vn-Index của Việt Nam đều có xu hướng tăng.
Thị trường chứng khoán Mỹ và thế giới vẫn tiếp tục duy trì được đà tăng điểm khi Fed thắt chặt CSTT. (Nguồn: BVSC)
Mặt khác, BVSC cho rằng đồng USD tăng giá trong năm 2022 do động thái thắt chặt tiền tệ của Fed có thể khiến dòng vốn ngoại tiếp tục rút ra khỏi thị trường mới nổi nhưng nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng tại TTCK Việt Nam trong cả năm 2021 với tổng giá trị bán ròng đạt gần 60 ngàn tỷ. Năm 2021 là năm khối ngoại bán ròng lớn nhất từ trước đến nay. Tỷ lệ giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài hiện chỉ còn chiếm khoảng 3%, giảm xuống từ mức quanh 10% khiến mức độ tác động đến thị trường không còn lớn.