MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

FED tăng lãi suất ảnh hưởng thế nào đến thị trường chứng khoán Việt Nam?

Trước động thái tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) nhiều chuyên gia đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam chịu tác động với mức độ nhẹ, đồng thời cho biết, ngoài yếu tố FED tăng lãi suất cũng cần lưu ý đến hoạt động cơ cấu của quỹ ngoại…

Không ngoại trừ TTCK phản ứng “nhạy” ngay từ bây giờ

Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Phân tích và tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân CTCK SSI

Theo tôi, đánh giá tác động của việc nâng lãi suất có thể nhìn từ hai góc độ.

Thứ nhất là dòng vốn trên toàn cầu, yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến xu hướng của TTCK. Do nhà đầu tư nước ngoài đã dự báo trước việc nâng lãi suất mà một biểu hiện là dòng vốn đã rút ròng khỏi các thị trường mới nổi từ tháng 4, có thể nói việc nâng lãi suất lần này không làm xáo trộn mạnh trên TTCK toàn cầu.

Tuy nhiên, một yếu tố mới trong phiên họp tháng 6 là tín hiệu rõ hơn từ FED về khả năng sẽ có tới 4 lần tăng lãi suất trong năm 2018.

FED tăng lãi suất ảnh hưởng thế nào đến thị trường chứng khoán Việt Nam? - Ảnh 1.

Dựa trên biểu đồ dot-plot thể hiện kỳ vọng của các thành viên trong Ủy ban thị trường mở Liên mang Mỹ (FOMC) về mức lãi suất của FED cho thấy được sự thay đổi về quan điểm của các thành viên và khả năng nâng lãi suất 4 lần, đồng nghĩa sẽ tăng lên 2.25-2.5% vào cuối năm 2018 đã rõ ràng hơn.

FED tăng lãi suất ảnh hưởng thế nào đến thị trường chứng khoán Việt Nam? - Ảnh 2.

Hệ quả là lợi tức trái phiếu Chính phủ Mỹ (Bond yield) rất có khả năng còn tiếp tục tăng, kéo theo gia tăng chi phí vốn. Khi chi phí vốn tăng, nhiều người lo ngại lợi nhuận doanh nghiệp sẽ giảm sút và quan trọng hơn là tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại. Với một viễn cảnh không tích cực như vậy, các nhà đầu tư tài chính sẽ phải cân nhắc lại chiến lược đầu tư, dẫn đến việc rút vốn còn có thể kéo dài.

Thứ 2 là nhìn từ góc độ vĩ mô. Tăng lãi suất nếu nhìn ở góc độ tích cực thì nó phản ánh kinh tế Mỹ đang tăng trưởng tốt, thu nhập người dân Mỹ tăng kéo theo nhu cầu với hàng hóa. Thị trường Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam nên sẽ có tác động tích cực đến hàng Việt Nam xuất khẩu như may mặc, giày dép.

Tuy nhiên, ở mặt tiêu cực, lo ngại của nhà đầu tư là việc lãi suất tăng là tăng trưởng kinh tế Mỹ về dài hạn có thể chậm lại. Mặc dù khả năng "suy thoái" khó xảy ra do FED có thể dễ dàng thay đổi lộ trình tăng lãi suất nhưng ảnh hưởng của việc kinh tế Mỹ tăng trưởng “chậm lại” cũng có thể gây nhiều bất lời cho các quốc gia khác.

Cùng với vấn đề rất khó dự đoán là chiến tranh thương mại, tăng lãi suất đang ẩn chứa rất nhiều bất định từ các quyết sách của chính quyền Donald Trump. Khi các ẩn số gia tăng, giới đầu tư tài chính sẽ có xu hướng phải co cụm và rút vốn nhiều hơn.

Tóm lại, Chiến tranh thương mại, FED tăng lãi suất hay các chính sách nào khác cũn chỉ là hệ quả của chính sách "Nước Mỹ là số 1" (America First) của chính quyền Tổng thống Trump. Chính sách này nhìn một cách tổng thể sẽ có tác động bất lợi tới nền kinh tế Việt Nam.

Một ví dụ là trường hợp đồ điện tử, Tổng thống Trump gây sức ép lên các tập đoàn lớn phải mở nhà máy trên đất Mỹ, kết quả là việc đầu tư và mở rộng sản xuất của một số doanh nghiệp FDI trên lãnh thổ Việt Nam phải thay đổi.

Trái ngược với đồ điện tử, ngành thép sẽ có thể hưởng lợi từ các quyết định của Donald Trump khi tuyên chiến với thép Trung Quốc.

So sánh với lợi ích mà ngành thép đem lại, thì thiệt hại của đồ điện tử lên nền kinh tế sẽ lớn hơn do tỷ trọng của nhóm điện tử, điện thoại chiếm tới ¼ kinh tế Việt nam.

Dòng vốn nước ngoài hay thị trường tài chính thường có phản ứng nhanh với các diễn biến mới. Ảnh hưởng thực sự từ các chính sách của Donald Trump sẽ có độ trễ nhất định và cần một thời gian dài hơn để có phản ánh bằng số liệu thống kê. Vào cuối tháng 6, số liệu kinh tế quý 2 sẽ phần nào hé mở những tác động này.

TTCK Việt Nam ảnh hưởng mức độ nhẹ

Ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng nhóm Vĩ mô thị trường - CTCP Chứng khoán BIDV

FED tăng lãi suất và kèm theo là lãi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm vượt 3%, thị trường thế giới có đợt thoái vốn mạnh, những thị trường mới nổi như Việt Nam hoặc yếu một chút thì đồng tiền nội tệ mất giá rất mạnh, dòng vốn đang rút ra khỏi thị trường ở chừng mực nhất định nào đó.

Tuy nhiên, rút ròng không thực sự mạnh ở Việt Nam, quan trọng chúng ta giữ được giá đồng nội tệ, là một trong những đồng nội tệ tốt nhất. Thời gian vừa qua bán ròng xảy ra nhưng rút ròng toàn bộ thị trường thì chưa.

FED cũng cho biết sẽ tăng lãi suất thêm 2 lần trong năm 2018 ảnh hưởng khá mạnh, dòng vốn quay trở lại Mỹ, đây là quy luật khi tiền của họ mạnh lên, ở Việt Nam về cơ bản nội tệ khá ổn có nhiều yếu tố như giữ được dòng vốn FDI vào và xuất siêu, duy trì ổn định tỷ giá nên Việt Nam chịu ảnh hưởng chung nhưng mức độ ảnh hưởng nhẹ hơn rất nhiều.

Thời gian vừa qua khối ngoại liên tục bán ròng và việc FED tăng lãi suất thực chất chỉ là cái cớ, xét tổng thể TTCK Việt Nam sau thời gian tăng mạnh, đỉnh điểm tăng 21% so với đầu năm trong khi các thị trường xung quanh chỉ tăng 15%, đây là yếu tố quan trọng để thấy thị trường bất ổn nên khối ngoại rút ra.

Điều gì quan trọng hơn việc FED tăng lãi suất?

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích công ty Chứng khoán Yuanta

Việc tăng lãi suất của FED đợt rồi đúng như nhà đầu tư dự đoán nhưng có điểm hơi bất ngờ thay vì 1 lần FED dự định tăng lãi suất thêm 2 lần trong năm nay và năm 2019 dự kiến 3 lần tăng lãi suất.

FED tăng lãi suất tác động tích cực lên đồng USD, USD tăng, tỷ giá bất ổn và không chỉ tỷ giá Việt Nam mà các khu vực khác nhất là nhóm thị trường mới nổi trong đó có Việt Nam khiến dòng tiền khối ngoại bắt đầu rút ra.

Tuy nhiên, về định lượng không tác động nhiều đến xu hướng bán ròng của khối ngoại. Nguyên nhân FED tăng lãi suất chỉ một phần và không nhiều do lượng trái phiếu huy động từ thị trường thế giới không tác động nhiều nếu so với Thái Lan, Indonesia, Philippines… con số huy động trái phiếu thấp và tỷ giá trong ngắn hạn sẽ không bị ảnh hưởng nhiều.

Năm 2004 FED tăng lãi suất thời điểm đó NHNN đang bị thâm hụt không đủ USD trong kho đối ứng lại nên tỷ giá căng thẳng còn 2018 chúng ta thặng dư với lượng như hiện nay nên không có nhiều lo lắng. Năm nay NHNN sẽ dùng lượng thặng dư này để ổn định tỷ giá nếu có tình trạng căn thẳng leo thang.

Dòng tiền khối ngoại sẽ không rút ra khỏi thị trường Việt Nam. Rút ra khác với bán ròng, nếu bán ròng TTCK Việt Nam đổ tiền mua trái phiếu khác với việc bán ròng quy đổi ra USD và rút tiền về nước, đây mới là rủi ro.

Điều tôi quan tâm không phải từ việc tăng lãi suất của FED mà FED bán lượng trái phiếu ra thị trường như thế nào nhưng FED chưa công bố vấn đề này một cách cụ thể. Việc thu hẹp trái phiếu ra thị trường tác động hơn nhiều so với việc tăng lãi suất, tăng lãi suất chỉ tác động là họ có thể đổi ra USD hoặc ra kênh sinh lời khác, còn bán lượng trái phiếu là kéo dòng tiền tài trợ trở lại FED, vì tiền nhóm các nhà đầu tư quốc tế đa phần từ FED.

Bán tháo trên diện rộng với tốc độ ồ ạt khó xảy ra

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược, Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI)

Vừa qua cục dự trữ Liên bang Mỹ FED đã tăng lãi suất 0,25% trong tháng 6 và báo hiệu có thể còn tăng 2 lần nữa vào tháng 9 và tháng 12. Tổng cộng có thể 4 lần tăng lãi suất, nhiều hơn các năm trước.

Động thái kèm theo là lãi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm gia tăng. Tăng trưởng kinh tế giảm tốc nhưng lại giúp kiềm chế lạm phát. So với năm ngoái, Dow Jones cũng không còn tăng mạnh. Chỉ số này đã có lúc giảm về 23.500 điểm sau đó mới hồi phục lại mức 25.000 điểm.

Tuy nhiên, nền kinh tế Mỹ hiện vẫn đang trong xu hướng tăng trưởng. Các vấn đề như chiến tranh thương mại, bất ổn địa chính trị có ảnh hưởng nhưng chủ yếu là kìm nén.

Với nền kinh tế Việt Nam, GDP vẫn đang trong chu kỳ tăng trưởng. Riêng tăng trưởng GDP quý I/2018 đạt 7,31% trong khi các năm trước tăng trưởng chỉ 6,8% hay 6,5%. Lạm phát được kiềm chế dưới 4%, tăng trưởng tín dụng tích cực.

Câu chuyện tỷ giá không đáng ngại do Ngân hàng Nhà nước điều hành khá linh hoạt không làm biến động nhiều tới nền kinh tế. Thị trường vẫn đang phản ánh xu hướng up trend.

Theo tôi, việc FED tăng lãi suất sẽ ít có tác động TTCK Việt Nam do quy mô thị trường nhỏ. Tính từ đầu năm, thì trạng thái khối ngoại vẫn là mua ròng.

Ngoài yếu tố FED tăng lãi suất cũng cần lưu ý đến hoạt động cơ cấu của quỹ ngoại. Họ có thể bán riêng lẻ một cổ phiếu nhưng sẽ mua lại cổ phiếu khác. Cùng với việc thị trường điều chỉnh cũng là cơ hội để những quỹ mới giải ngân vào thị trường nên việc bán tháo trên diện rộng với tốc độ ồ ạt là khó xảy ra. Có thể khối ngoại sẽ mua ròng mạnh trở lại các tháng 9, 10, 11 giống như chu kỳ năm ngoái.

Tiềm năng của chứng khoán Việt sẽ quyết định việc “giữ chân” nhà đầu tư ngoại

Trương Hiền Phương, Giám đốc CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam, Chi nhánh TP.HCM

FED tăng lãi suất lần này đã tác động đến tâm lý nhà đầu tư và có sự rút vốn của nhà đầu tư ngoại nhưng không nhiều.

Tại TTCK Việt Nam nhà đầu tư cá nhân chiếm tới 70% giao dịch thường xuyên, trong khi đó FED tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng tới nhà đầu tư tổ chức nhiều hơn tới nhà đầu tư cá nhân.

Nhà đầu tư cá nhân vì tâm lý e dè, có chút khựng lại để quan sát thị trường nên sẽ bị chậm lại trong vài ngày, vì FED tăng lãi suất không phải là sốc, không phải là mới, đây là việc làm đã có lộ trình từ trước.

Còn nguy cơ nhà đầu tư nước ngoài rút vốn mạnh tại thị trường Việt Nam là không thể, dù điều này có thể xảy ra ở những thị trường mới nổi khác, vì các quốc gia đó có dòng ngoại hối được luân chuyển tự do còn Việt Nam thì chưa.

Một điều nữa, tại các thị trường mới nổi, các nhà đầu tư ngoại đã đầu tư lâu năm nên họ muốn rút vốn ra để tìm các thị trường mới hấp dẫn hơn, so với thị trường Việt Nam, các quỹ đầu tư ngoại chưa phải là kỳ cựu nhưng họ cam kết đầu tư lâu dài, nếu có việc rút vốn của nhà đầu tư nước ngoài có chăng là các quỹ ETF. Vì đây là các quỹ mở, khi công ty mẹ tại nước ngoài yêu cầu thì họ nhanh chóng rút vốn, dù có ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán Việt Nam nhưng không nhiều.

Ngoài ra, quan sát trên thị trường ngoại tệ, tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng khá ổn định, không có biến động mạnh, cho thấy không có dấu hiệu rút vốn lớn từ nhà đầu tư ngoại.

Mặc dù FED tăng lãi suất tạo sức hấp dẫn hơn cho đồng USD, nhưng so sánh lợi suất đầu tư trái phiếu Mỹ với lợi suất đầu tư cổ phiếu ở Việt Nam rõ ràng lợi suất đầu tư cổ phiếu Việt Nam cao hơn nhiều.

Ở góc độ bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường chứng khoán Việt Nam gần đây, nguyên nhân do các quỹ đầu tư cơ cấu danh mục, chuyển dòng tiền từ các cổ phiếu lâu năm đã cho sinh lời sang các cổ phiếu mới tiềm năng hơn, như: VHM, VIC, MWG, TCB...

Theo N.THẢO-M.HƯƠNG-L.LAN

BizLIVE

Trở lên trên