Fed tăng lãi suất lần thứ 2 trong 3 tháng, kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng như thế nào?
Cục Dữ trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất hôm 16/3 (theo giờ Việt Nam), không phải là chuyện bất ngờ, bởi lẽ đã có nhiều đoán định trước đó. Do đó, sẽ khó có một cú sốc xảy ra với nền kinh tế hay thị trường tiền tệ Việt Nam.
- 17-03-2017Nâng lãi suất, Fed đang chơi với lửa
- 17-03-2017Quyết định của FED ảnh hưởng thế nào đến lãi suất VND?
- 16-03-2017Fed tăng lãi suất lần thứ 2 trong 3 tháng: Vì sao có chuyện "ngược đời" là giá vàng tăng, USD giảm?
- 16-03-2017Dự định tăng lãi suất 3 lần trong năm 2017, cuối cùng Fed đã hóa thành "diều hâu"?
Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Tuấn Minh, Giám đốc điều hành Market Intello cho rằng mức tăng 0,25 điểm phần trăm lần này không tác động nhiều lên kinh tế Việt Nam mặc dù áp lực lên tỷ giá là có.
Theo đó, việc Mỹ tăng lãi suất sẽ khiến cho đồng USD đượcưa chuộng hơn, giá trị của nó sẽ tăng lên so với đồng tiền khác và đồng Việt Nam không phải là ngoại lệ.
“Như vậy có khả năng với mức lãi suất mới, dòng tiền USD có thể quay trở về Mỹ nhiều hơn, ảnh hưởng đến ngoại hối trong nước. Giá trị của đồng Việt Nam cũng có thể vì thế mà giảm”, ông Tuấn Minh nói.
Cũng theo ông, trong thời gian tới, thị trường Việt Nam tuy không có một cú sốc nào lớn nhưng vẫn có những ảnh hưởng nhất định. Cụ thể, nếu tỷ giá không được điều chỉnh một cách khéo léo có thể khiến cho hàng hoá của Việt Nam bị kém cạnh tranh hơn với hàng hoá trong khu vực.
“Nếu các nước trong khu vực điều chỉnh mất giá so với đồng USD nhiều hơn Việt Nam, hàng hoá của họ sẽ rẻ hơn và có thể cạnh tranh mạnh hơn với hàng Việt trên đất Mỹ. Thậm chí nó có thể khiến cho hàng hoá trong khu vực vào Việt Nam nhiều hơn. Tuy nhiên điều này vẫn còn phụ thuộc vào độ mất giá tương quan giữa VNĐ và các đồng tiền khác nữa”, ông Minh cho biết thêm.
Đối với nỗi lo dòng tiền có quay về Mỹ hay không khi lãi suất tăng, ông Đinh Tuấn Minh cho rằng dòng vốn FDI sẽ không bị ảnh hưởng nhiều, đối tượng bị tác động ở đây có thể sẽ là dòng vốn đầu tư gián tiếp (đầu tư ở thị trường chứng khoán, M&A). Bởi dòng vốn như thế mang tính chất ngắn hạn, dễ rút, dễ di chuyển, trong khi vốn FDI có tính chất dài hạn.
“Khi đầu tư FDI người ta nhìn vào tiềm năng, cơ hội kinh doanh của Việt Nam. Theo đó, triển vọng, chính sách tốt là điểm thu hút các nhà đầu tư, chứ không bị ảnh hưởng nhiều từ chuyện lãi suất tăng hay giảm”, ông Minh nói.
Rạng sáng ngày 16/3 theo giờ Việt Nam, Fed đã quyết định tăng lãi suất thêm 0,25% lên mức 0,75 – 1%. Đây là lần tăng thứ 2 của Fed chỉ trong vòng 3 tháng khiến nhiều chuyên gia kinh tế tin tưởng kế hoạch tăng lãi suất định kỳ thường xuyên của cơ quan này trong năm 2017 sẽ thành hiện thực.