MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Fed tăng lãi suất: Tỷ giá chịu tác động không lớn

03-06-2016 - 09:21 AM | Tài chính - ngân hàng

Xu hướng tỷ giá tăng trong những ngày trở lại đây chỉ là những biến động ngắn hạn, nhất thời.

TS. Nguyễn Trí Hiếu
TS. Nguyễn Trí Hiếu
Chuyên gia tài chính
308 bài viết
  • Việc can thiệp tỉ giá bằng cách bán ngoại tệ ra thị trường cần cẩn trọng, vì đây là con dao 2 lưỡi trong bối cảnh dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đang ở xung quanh 3 tháng nhập khẩu - ngưỡng an toàn

Nền tảng cho ổn định đã vững chắc hơn

Ngày 25/5, đồng Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc đã giảm giá xuống mức thấp nhất trong 5 năm qua, sau khi NHTW nước này quyết định phá giá thêm 0,3%. Theo các nhà phân tích, một trong những yếu tố lý giải cho động thái mới này của Trung Quốc là để đón đầu trước khả năng Fed sẽ tăng lãi suất, có thể ngay vào cuộc họp chính sách tháng 6 này. Trong khi đó tại Việt Nam, sau một thời gian khá dài ngoại hối ổn định (từ khi NHNN áp dụng cơ chế tỷ giá trung tâm), thị trường có xu hướng tăng trong những ngày trở lại đây. Tuy nhiên, có thể đây chỉ là những biến động ngắn hạn, nhất thời.

Bởi theo các chuyên gia phân tích, có một số yếu tố có thể lý giải cho diễn biến này. Trước đó khi lãi suất VND cao, các NH duy trì trạng thái ngoại tệ âm (vì nắm giữ VND có lợi hơn). Nhưng hiện lãi suất ngắn hạn VND có xu hướng giảm nên có thể các NH điều chỉnh hướng kinh doanh bằng cách tranh thủ tăng mua USD vào thời điểm này để cân bằng trạng thái ngoại tệ. Bên cạnh đó, như báo chí phản ánh, cầu trên thị trường ngoại tệ liên NH vài ngày qua tăng do nhu cầu mua vào của một tập đoàn ngoại lớn để chuyển ngoại tệ về nước. Điều này được xem là bình thường và chỉ hàm ý nhu cầu ngoại tệ đơn lẻ tại một thời điểm nhất định.

Nhìn lại hoạt động điều hành và diễn biến tỷ giá trong nước thời gian qua, hầu hết các chuyên gia kinh tế, tài chính - ngân hàng đều ghi nhận sự ổn định và đánh giá cao hoạt động điều hành tỷ giá của NHNN, đặc biệt với cơ chế tỷ giá trung tâm.

Báo cáo về Việt Nam mới đây của Economist Intelligence Unit (EIU) - Cơ quan Thông tin kinh tế thuộc Tập đoàn The Economist nhận định, cơ chế điều hành tỷ giá trung tâm của NHNN là bước đi tích cực, tiến sát với định hướng thị trường hơn. “Đây là bước đi tích cực giúp giảm đi những áp lực phải điều chỉnh tỷ giá bất thường và thường ở mức lớn như trước đây” – báo cáo của EIU cho biết.

Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng, chính sách tỷ giá trung tâm đã cho thấy những thành công bước đầu và tỷ giá khá ổn định trong thời gian vừa qua. Bên cạnh đó, tỷ giá ổn định khiến mức độ găm giữ ngoại tệ, kỳ vọng tỷ giá tăng lên đã được giảm đáng kể.

Còn theo TS. Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính): “Nhìn chung, điều hành chính sách tỷ giá hiện nay là ổn và trong tương lai vẫn ổn”. Đề cập đến khả năng chịu áp lực từ các động thái chính sách tiền tệ trên thị trường thế giới, TS. Độ cho rằng, về lý thuyết thị trường ngoại hối trong nước có thể phải chịu các áp lực từ bên ngoài, như việc Fed tăng lãi suất, hay Trung Quốc tiếp tục giảm giá đồng NDT… “Tuy nhiên thực tế cụ thể tác động chắc không lớn”, TS. Độ dự báo.

Phó viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính cũng phân tích, việc Fed tăng lãi suất có thể tác động đến chuyển dịch dòng vốn. Nhưng chắc chắn sự chuyển dịch này sẽ không lớn, không áp lực như năm ngoái. Hơn nữa, Fed tăng lãi suất thì chưa chắc USD đã tăng giá mạnh, cũng như chưa chắc NDT sẽ giảm giá mạnh. Một dẫn chứng là sau động thái giảm giá NDT ngày 25/5 thì NDT lại có những phiên tăng giá trở lại. “Nên với việc NHNN tiếp tục cam kết ổn định tỷ giá thì tình hình vẫn ổn”, chuyên gia này khẳng định.

Cũng đồng tình với khả năng Fed tăng lãi suất sẽ tạo áp lực với lãi suất USD và tỷ giá, ông Lực lưu ý thêm rằng, tác động sẽ không quá lớn vì các nhà đầu tư thế giới cũng như nhà đầu tư Việt Nam đã lường đón khả năng Fed tăng lãi suất 1-2 lần trong năm nay. Điều này có nghĩa là tỷ giá đồng tiền đâu đó đã được phản ánh một phần từ khả năng tăng lãi suất của Fed. Nên khi quyết định tăng lãi suất nếu được đưa ra thì sẽ không còn tác động mạnh nữa, khác với thời điểm tháng 12/2015.

Ngoài ra, theo tính toán của chuyên gia này dựa trên đánh giá dự báo của CitiBank thì đồng NDT trong cả năm nay có thể chỉ mất giá khoảng 2-3% (giảm so với mức dự báo mất giá 6-7% đưa ra hồi đầu năm). “Như vậy, những tác động là có nhưng không lớn”, TS. Lực khẳng định thêm.

Lưu ý tác động từ lạm phát

Tuy nhiên, theo các chuyên gia cũng không nên chủ quan với các động thái chính sách trên thị trường tiền tệ thế giới. TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, trường hợp Fed tăng lãi suất thì giá trị đồng USD so với các tài sản khác và VND sẽ tăng lên, nên có thể sẽ có những áp lực trở lại với tỷ giá.

Trong khi đó với đồng NDT, dù trong mấy tháng trước đồng tiền này tương đối ổn định, nhưng vào tháng 4 và đặc biệt là tháng 5 vừa qua thì bắt đầu biến động mạnh hơn. “Khi đồng NDT mất giá thì mình lại gặp áp lực hàng xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ tăng giá, trong khi nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc lại rẻ đi. Như vậy thì không những áp lực diễn ra trên thị trường ngoại hối mà cả về cán cân thương mại với Trung Quốc”, chuyên gia này cảnh báo.

Cùng nhận định này, báo cáo của EIU cũng dự báo, VND có thể vẫn trong xu hướng suy yếu so với USD trong giai đoạn 2016-2020. Nguyên nhân chính vì Việt Nam vẫn cần duy trì khả năng cạnh tranh xuất khẩu trong bối cảnh các đồng tiền khác trong khu vực cũng trong xu hướng suy giảm giá trị so với USD.

Đồng thời các chuyên gia cũng lưu ý, không thể chủ quan với một số chỉ số kinh tế trong nước. Lạm phát tháng 5/2016 đã tăng 1,88% so với tháng 12 năm ngoái và cả năm dự báo khoảng 4-4,5% sẽ tạo áp lực trở lại với tỷ giá. Hay thâm hụt thương mại nếu xảy ra và ở mức lớn cũng sẽ tạo áp lực. Bởi vậy theo TS. Lực, chính sách điều hành tỷ giá thời gian tới cần tiếp tục theo dõi sát sao biến động của 8 ngoại tệ mà chúng ta đang sử dụng để tính tỷ giá trung tâm, đặc biệt là với đồng USD, NDT, Euro và đồng Yên.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cũng khuyến nghị việc điều hành tỷ giá trung tâm cần tiếp tục bám sát với xu hướng thị trường để một mặt hỗ trợ xuất khẩu, mặt khác tiếp tục ngăn chặn hiệu quả hoạt động và tâm lý đầu cơ, găm giữ ngoại tệ. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, đã đến lúc cần cân nhắc điều chỉnh chính sách huy động USD. “Có thể nghiên cứu tăng lãi suất USD với dân cư lên để vừa thu hút tiền gửi USD, vừa giảm bớt áp lực thanh khoản về ngoại tệ trong bối cảnh đối tượng vay ngoại tệ theo chỉ đạo của Chính phủ được nới ra”, TS. Lực khuyến nghị.

Theo Đỗ Phạm

Thời báo Ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên