MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

FED tạo ra phép màu cho nền kinh tế số một thế giới, nhưng phần khó giờ mới bắt đầu

27-02-2024 - 09:50 AM | Tài chính quốc tế

Các quan chức FED muốn tiếp cận lãi suất một cách thận trọng, vì họ không muốn bị mang tiếng là người khiến lạm phát tăng trở lại.

FED tạo ra phép màu cho nền kinh tế số một thế giới, nhưng phần khó giờ mới bắt đầu- Ảnh 1.

Vào đầu năm 2023, những lời dự báo suy thoái của Phố Wall ồn ào đến mức át đi những quan điểm khác về nền kinh tế.

Khi ấy, mọi người cho rằng Cục Dự trữ Liên bang (FED) không thể hạ lạm phát từ mức cao nhất trong nhiều thập kỷ mà không ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Lịch sử và các chỉ số lâu đời như đường cong lợi suất đảo ngược dường như đang đứng về phía suy thoái.

Tuy nhiên, hai tháng đầu năm 2024, chủ tịch FED Jerome Powell và các đồng nghiệp của ông gần như đã đạt được điều mà trước đó nhiều người gọi là phép màu.

Mặc dù CPI tháng 1 tăng bất ngờ 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái, làm dấy lên đồn đoán về một đợt tăng lãi suất khác trong những tuần gần đây. Nhưng nguy cơ xảy ra suy thoái kinh tế vẫn giảm đáng kể. GDP của Mỹ vẫn tăng trong hai quý vừa qua, lần lượt đạt 4,9% và 3,3% trong hai quý cuối năm, còn thị trường lao động vẫn mạnh mẽ.

Người tiêu dùng vẫn duy trì sức mua. Và mặc cho lãi suất quỹ liên bang trên 5%, thị trường chứng khoán vẫn không ngừng lập đỉnh mới.

FED tạo ra phép màu cho nền kinh tế số một thế giới, nhưng phần khó giờ mới bắt đầu- Ảnh 2.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ

Điều đó cho thấy, chủ tịch Powell và các quan chức vẫn còn nhiều việc phải làm để dập tắt lạm phát ở chặng cuối và làm được như “kịch bản Goldilocks”. Đây là thuật ngữ để chỉ nền kinh tế kiểm soát được lạm phát mà không suy thoái. Các nhà hoạch định chính sách phải tìm ra cách hạ lãi suất mà không để giá tiêu dùng tăng trở lại, đồng thời ngăn chặn chi phí vay cao hơn trong thời gian dài hơn, khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái.

Nhà kinh tế cấp cao James McCann của Abrdn cho biết: “FED càng ở trong vùng nguy hiểm càng lâu thì nguy cơ sụp đổ hoặc hạ cánh cứng càng tăng lên. Họ đã tiến rất gần đến việc hạ cánh nhẹ nhàng và họ hiểu rằng không thể duy trì chính sách quá thắt chặt quá lâu”.

Một quyết định khó khăn

Biên bản cuộc họp tháng 1 của FED một lần nữa cho thấy cách tiếp cận thận trọng của các nhà hoạch định chính sách trong những tháng tới. Một số quan chức bày tỏ lo ngại rằng tiến trình giảm lạm phát có thể chững lại, nếu các điều kiện tài chính sớm nới lỏng. Một số người khác lưu ý rằng những cú sốc địa chính trị cũng gây ra rủi ro.

Theo biên bản công bố, các quan chức FED sẽ giữ lãi suất ở mức hiện tại cho đến khi họ có được "niềm tin lớn hơn rằng lạm phát đang giảm bền vững về mức 2%".

Trên thực tế, các ngân hàng trung ương muốn xác định xem liệu chỉ số CPI nóng trong tháng 1 là một tháng đột biến hay là khởi đầu cho một xu hướng mới đáng lo ngại.

Giám đốc đầu tư Gene Goldman của Cetera Investment Management cho biết: “Biên bản cho thấy FED đang ở trong tình thế khó khăn và họ hơi bối rối. Những người quan điểm diều hâu nói rằng FED có nguy cơ hành động quá nhanh (với việc cắt giảm), và những người quan điểm bồ câu đang nói rằng tình trạng giảm phát xuất hiện đáng kể”.

Theo quan điểm của ông Goldman, báo cáo CPI tháng mới nhất không làm thay đổi dự báo của ông về việc ngân hàng trung ương sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào mùa hè này, khoảng tháng 5 hoặc tháng 6. Ông nói rằng dữ liệu kinh tế đang đi đúng hướng và sẽ rất rủi ro nếu thay đổi chính sách quá gần cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 9.

Các thị trường gần đây mới bắt đầu có cùng quan điểm với FED. Trước đó, vào tháng 12, thị trường đã dự đoán khoảng 6 lần cắt giảm, mặc dù dự báo của FED là 3 đợt hạ lãi suất.

Nhưng tính đến thứ Năm tuần trước, công cụ Fedwatch của CME cho thấy thị trường dự đoán 95% khả năng không có động thái nào trong cuộc họp tháng 3. Đối với cuộc họp tháng 5, thị trường nhận thấy khả năng cắt giảm lãi suất là 25%, con số này đã giảm hơn một nửa kể từ tháng 1.

Trong khi đó, EY dự kiến FED sẽ cắt giảm 100 điểm cơ bản vào năm 2024, bắt đầu từ tháng 5. Nhà kinh tế trưởng Gregory Daco của EY, cho biết: “FED không muốn bị coi là người khiến lạm phát bùng phát trở lại”.

FED tạo ra phép màu cho nền kinh tế số một thế giới, nhưng phần khó giờ mới bắt đầu- Ảnh 3.

Lãi suất quỹ liên bang qua các giai đoạn

Kết thúc cuộc chiến lạm phát

Tuần trước, cựu Bộ trưởng Tài chính Larry Summers cho biết động thái lãi suất tiếp theo của FED thực tế có thể là tăng chứ không phải giảm. Trong các bình luận sau dữ liệu lạm phát mới nhất, ông nhìn thấy khả năng tăng lãi suất là 15%.

Summers nói với báo giới rằng sẽ là sai lầm nếu diễn giải quá sâu xa về con số của một tháng, đặc biệt là tháng 1 đầu năm. Nhưng ông thừa nhận về khả năng xảy ra một sự thay đổi nhỏ.

Ông Goldman của Cetera dự đoán sẽ không có đợt tăng lãi suất hay suy thoái nào trong năm nay. Việc tăng thêm lãi suất có thể phá vỡ điều gì đó trong nền kinh tế, vì những tổn thất đã xuất hiện ở lĩnh vực bất động sản thương mại và các doanh nghiệp nhỏ. Ông cũng lưu ý rằng việc tăng lãi suất phải mất 12-15 tháng mới có tác dụng.

Nhưng cuộc chiến lạm phát cuối cùng đang đi đúng hướng.

Trong khi đó, nhà kinh tế McCann của Abrdn cho biết FED sẽ tiếp tục phụ thuộc vào dữ liệu. Và dữ liệu chỉ ra rằng nền cắt giảm lãi suất vào giữa năm nay.

Ông cho biết chủ tịch Powell nhận thức rõ về những sai lầm chính sách của những năm 1970, khi FED nới lỏng lãi suất quá sớm và lạm phát tăng trở lại. Những bài học đó sẽ nhắc nhở ông không đi theo vết xe đổ.

McCann nói: “FED không muốn phá hủy tất cả những thành quả mà họ đã làm và đẩy nền kinh tế vào suy thoái một cách không cần thiết”.

Tham khảo BI

Anh Dũng

Nhịp Sống Thị Trường

Trở lên trên