Ferrari - vua 'cà khịa' của làng xe hơi: Chê Ford là 'công ty xấu xí làm ra những chiếc xe xấu xí' để rồi thất bại cay đắng trong lĩnh vực mình thống trị
Henry Ford II không phải là người duy nhất bị Enzo Ferrari làm cho bẽ mặt. Nhà sáng lập của hãng Lamborghini cũng từng là 'nạn nhân' của Ferrari!
Phần lớn các cuộc cạnh tranh trong kinh doanh xuất phát từ sự tranh giành quyền lực hoặc từ lòng tự ái bị động chạm. Trên thực tế, những mối thù nảy lửa nhất lại tạo ra những câu chuyện huyền thoại nhất. Điển hình là sự việc Henry Ford II cố mua lại Ferrari vào năm 1963 đã làm dấy lên mối hận thù kéo dài gần một thập kỷ giữa hai ông trùm làng xe hơi.
Enzo Ferrari (bên trái) và Henry Ford II.
Câu chuyện giữa Ferrari và Ford là về một tranh chấp trong thỏa thuận kinh doanh dẫn tới việc Henry Ford II sẵn sàng bỏ ra 25 triệu USD để trả thù cho lòng tự ái của mình. Đối với Ford, điều này đồng nghĩa với việc đánh bại Ferrari trong giải đua 24 Hours of Le Mans, nơi Ferrari từng thống trị trong nhiều năm.
Sự việc bắt đầu từ năm 1962, khi Ford phải đương đầu với sự thất bại doanh thu của những chiếc Edsel và sự phổ biến ngày càng tăng của sản phẩm của các đối thủ như General Motors và Chrysler. Trong khi CEO Henry Ford II đang tuyệt vọng tìm cách xoay chuyển tình thế, tổng giám đốc Lee Iacocca đã thuyết phục ông rằng câu trả lời là một chiếc xe thể thao.
Chỉ có một vấn đề đó là Ford khi ấy chưa sản xuất một chiếc xe thể thao nào và cũng chưa dự định chế tạo dòng sản phẩm đó. Họ quyết định rằng cách tốt nhất để ra mắt thành công trên thị trường là mua lại một công ty sản xuất xe thể thao. Đây chính là lúc họ nảy ra ý tưởng thâu tóm thương hiệu Ferrari.
Mùa xuân năm 1963, sau nhiều tháng đàm phán, hai bên đã gần tới việc chốt thỏa thuận. Theo đó, Ford sẽ trả 10 triệu USD để mua lại Ferrari với tất cả tài sản của công ty này. Nhưng Enzo Ferrari đã chùn bước vào phút chót trước một điều khoản trong hợp đồng ghi rằng Ford sẽ kiểm soát ngân sách và do đó sẽ chi phối đội đua Ferrari.
Enzo không muốn từ bỏ quyền kiểm soát chương trình xe thể thao của Ferrari. Ông nói với một đại diện của Ford rằng ông sẽ không chấp nhận những điều khoản đó và rằng ông sẽ không bao giờ bán thương hiệu cho một công ty xấu xí chế tạo ra những chiếc xe xấu xí trong một nhà máy xấu xí.
Để thêm phần "cà khịa", Enzo sau đó đã bán phần lớn cổ phần của Ferrari cho nhà sản xuất ô tô Ý, Fiat. Một số giám đốc điều hành của Ford còn suy đoán rằng Enzo chưa bao giờ nghiêm túc về việc bán cho Ford mà chỉ đàm phán với họ để gây áp lực buộc Fiat phải tăng giá. Mưu đồ đó đã khiến Henry II trông như một gã hề.
Để phục thù, Henry Ford II đã quyết định tạo ra một chiếc xe thể thao có thể làm bẽ mặt Ferrari tại giải đua 24 Hours of Le Mans. Đó là lúc chiếc xe đua GT40 huyền thoại bắt đầu được chế tạo.
Chiếc xe đua GT40 huyền thoại.
Mặc dù những chiếc GT40 đầu tiên chạy vô cùng nhanh nhưng chúng cũng rất không ổn định và bộ phận phanh hết sức nguy hiểm. Chúng thậm chí chẳng thể di chuyển vững vàng trên đường đua trong thời gian ngắn chứ đừng nói đến việc chạy liên tục.
Sau khi thua Ferrari tại 24 Hours of Le Mans năm 1964 và 1965, Ford đã phải nhờ đến nhà thiết kế xe hơi huyền thoại Carroll Shelby, một trong những tay đua người Mỹ duy nhất từng giành chiến thắng tại Le Mans. Shelby sẽ là người chịu trách nhiệm hoàn toàn cho sự thành công hoặc thất bại của dự án.
Shelby và người bạn của mình, một tay lái thử nghiệm và chuyên gia kỹ thuật Ken Miles đã phát minh lại GT40. Họ hợp tác với Ford và vận dụng những gì hãng đã làm được thay vì làm lại hoàn toàn từ đầu.
Carroll Shelby đóng bởi Matt Damon (bên trái) và Ken Miles đóng bởi Christian Bale trong phim "Ford v Ferrari".
Shelby và Miles dán các sợi len lên phần ngoài của xe để xem không khí sẽ di chuyển bên trên và xung quanh xe như thế nào. Một chiếc xe cắt qua không khí càng tốt thì càng tiêu thụ ít nhiên liệu để đẩy xe. Nếu sợi len nằm phẳng và thẳng đứng thì mọi thứ đều ổn. Nếu không thì chứng tỏ là những sai sót trong thiết kế đã ảnh hưởng đến độ ổn định của chiếc xe. Sau khi quan sát và thu thập dữ liệu, Miles cùng Shelby thực hiện các sửa đổi thân xe để giúp GT40 ổn định và cơ động hơn trên đường đua.
Vấn đề phanh được giải quyết bởi Phil Remington, một kỹ sư trong nhóm của Ford. Anh đã nghĩ ra một hệ thống phanh dễ thay đổi má phanh và đĩa phanh mới trong những lúc bảo trì xe, thay người lái. Do đó, đội đã không phải lo lắng về việc phải chế tạo một chiếc phanh trụ được xuyên suốt cuộc đua.
Cuối cùng, mọi công sức của họ đã được đền đáp và chiếc GT40 Mk. II ra đời. Ford không chỉ đánh bại Ferrari tại Le Mans năm 1966 mà còn làm bẽ mặt tất cả các "con ngựa Ý" khác. Ferrari thậm chí còn chẳng có một chiếc xe nào hoàn thành hết chặng đua trong khi GT40 Mk. II dành luôn ba vị trí đứng đầu.
Bộ ba GT40 Mk. II về đầu trong giải đua năm 1966.
Henry Ford II đã phục thù lần hai vào năm sau tại Le Mans 1967 khi một chiếc Ford GT40 Mk. IV được chế bởi Shelby giành chiến thắng. Ferrari lần này chỉ về thứ hai.
Chiếc Ford GT40, siêu xe vĩ đại của Mỹ vẫn là một trong những chiếc xe cổ được săn lùng nhất thế giới với giá cao ngất ngưởng. Ford GT 2020 có giá khởi điểm 500.000 USD trong khi chiếc Ford GT Mk. II chỉ dành riêng cho trường đua có giá 1,2 triệu USD. Dù nhiều phần là vì tư thù nhưng công việc làm ăn của Ford vẫn lãi lời đấy chứ!
Henry Ford II không phải là người duy nhất bị Enzo Ferrari làm cho bẽ mặt. Có lần, ông chủ Ferrari đã nói với một người đàn ông rằng: "Ông có thể lái máy kéo nhưng sẽ không bao giờ có thể điều khiển được một chiếc Ferrari". Lời khiêu khích của Enzo đã kích động người đàn ông nọ và để trả đũa, ông này tự mình tạo ra chiếc siêu xe đầu tiên trên thế giới. Và nhà sáng chế đó không ai khác chính là Ferruccio Lamborghini.
Trí thức trẻ