FiinGroup "bắt mạch" cung cầu thị trường chứng khoán Việt Nam, chỉ ra nhóm ngành hưởng lợi từ chiến lược sống chung với COVID-19
Hiện dòng tiền có dấu hiệu đầu cơ và tăng lên ở nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ, đồng thời hạ nhiệt ở cổ phiếu vốn hóa lớn và vừa. FiinGroup đánh giá phần lớn nhu cầu cổ phiếu trên thị trường là đến từ nhà đầu tư cá nhân trong nước, đánh bật hoàn toàn lượng bán ròng của tổ chức và nhà đầu tư nước ngoài.
Số liệu từ báo cáo cập nhật của FiinGroup, tính đến cuối quý 2/2021, VN-Index đang giao dịch tại mức định giá P/E 16,3 lần lợi nhuận trượt 4 quý gần nhất, thấp hơn mức trung bình 10 năm cộng một độ lệch chuẩn (17,4x) và tương đương mức định giá trung bình trong giai đoạn 1 năm trước khi COVID-19 bùng phát tại Việt Nam.
Nếu so với kỳ vọng lợi nhuận cả năm 2021 và 2022, Fiin Group đánh giá thị trường đang ở định giá khá rẻ. Lý do là nếu lợi nhuận trong nửa sau của năm 2021 đi ngang so với cùng kỳ năm trước, thì tăng trưởng lợi nhuận cả năm nay vẫn có thể đạt 31,5%, tương ứng P/E hiện tại là 16 lần. Tại kịch bản tích cực hơn, nếu kỳ vọng tăng trưởng 6 tháng cuối năm ngang với tốc độ năm 2020 là 27% thì P/E đang được giao dịch ở mức 13,2 lần.
Nhiều ý kiến cho rằng tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp sẽ làm cho việc duy trì tăng trưởng như kịch bản trên đang rất khó khăn. Song, FiinGroup vẫn lạc quan cho rằng, ngoại trừ các ngành bị ảnh hưởng trực tiếp như hàng không và du lịch, bối cảnh hiện nay lại là cơ hội cho nhiều doanh nghiệp lớn đầu ngành, đủ tiềm lực tài chính để có thể gia tăng thị phần và gia tăng hiệu quả trong giai đoạn hậu đại dịch.
Đặc biệt, yếu tố về "cầu" cổ phiếu, thể hiện qua dòng tiền mới và tâm lý chung của thị trường sẽ trở nên vô cùng quan trọng cho sự vận động lên xuống của các chỉ số thay vì chỉ đơn giản dựa trên yếu tố nội tại và triển vọng lợi nhuận của doanh nghiệp.
Ví dụ như TTCK Ấn Độ, chứng khoán tăng mạnh hậu COVID-19 và chỉ số Sensex đang được định giá ở mức P/E gấp đôi của VN-Index nhờ dòng tiền mới từ nhà đầu tư trong bối cảnh lãi suất thấp. Mức định giá "rẻ" không có nghĩa là thị trường sẽ giữ vững được xu hướng đi lên nếu như không có sự hỗ trợ của dòng tiền cùng tâm lý giao dịch ổn định của nhà đầu tư cá nhân và ngược lại.
Năm 2021 sẽ là năm kỷ lục về huy động vốn qua phát hành cổ phiếu
Xét về nguồn cung cổ phiếu, từ nay đến cuối năm 2021 dự kiến các doanh nghiệp niêm yết sẽ còn phát hành thêm 6,3 tỷ cổ phiếu tương ứng khoảng 67.300 tỷ đồng, ngoài gần 39.000 tỷ đồng đã thực hiện trước đó. Lượng phát hành này tương đương gần 2,6% vốn hóa toàn thị trường, sẽ tạo động lực ngắn hạn và nâng đỡ giá cổ phiếu.
Phần lớn giá trị phát hành này thuộc về nhóm ngân hàng, bất động sản, chứng khoán, tài nguyên cơ bản (MSR). Nếu thực hiện thành công, năm 2021 sẽ là năm kỷ lục về huy động vốn qua phát hành của các doanh nghiệp niêm yết.
Bên cạnh đó, lượng giao dịch mua/bán của ban lãnh đạo và cổ đông lớn dự kiến sẽ bán ròng khoảng 95 triệu cổ phiếu, tương ứng 3.600 tỷ đồng. Mặc dù giá trị khá nhỏ so với quy mô giao dịch toàn thị trường nhưng vẫn sẽ có tác động nhất định đến xu hướng giá của một số cổ phiếu đơn lẻ.
Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp ghi nhận tăng trưởng và chất lượng lợi nhuận tốt trước khi diễn ra làn sóng COVID thứ 4 - điều này sẽ tạo nền tảng hỗ trợ tốt trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng tiêu cực trong quý 3 bởi đại dịch.
GDP quý 3 dự báo tăng trưởng âm có thể gây thách thức trong ngắn hạn cho lực cầu cổ phiếu
Nhìn nhận yếu tố cầu cổ phiếu, FiinGroup cho rằng bối cảnh vĩ mô chỉ đang gây ra nhiều thách thức trong ngắn hạn. PMI đã về 40,2 điểm vào tháng 8 và khả năng cao sẽ giảm mạnh trong tháng 9 này về dưới mức của tháng 4/2020. FiinGroup dự báo rằng tăng trưởng GDP có thể âm trong quý 3/2021 - điều nhà đầu tư không nên quá ngạc nhiên khi được công bố.
Dự phóng cả năm 2021, FiinGroup trích dẫn số liệu một số tổ chức dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam như World Bank dự báo tăng trưởng cả năm 2021 giảm còn 4,8% hay ADB hạ dự báo còn 5,8%, tùy theo kịch bản mở cửa nền kinh tế trở lại.
Tuy nhiên, môi trường lãi suất thấp ổn định và nới lỏng tiền tệ dự kiến sẽ được thực hiện nhằm hỗ trợ khôi phục kinh tế. Chứng khoán sẽ vẫn là kênh đầu tư có mức sinh lời tốt, hút được dòng tiền lớn tiếp tục đổ vào. Song song với đó, nhiều CTCK đã và đang tăng vốn để đảm bảo an toàn về mặt chỉ số đã đẩy mức trần cho vay năm 2021 thêm tối đa là 24.000 tỷ đồng để phục vụ hoạt động cho vay margin.
Hiện dòng tiền có dấu hiệu đầu cơ và tăng lên ở nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ, đồng thời hạ nhiệt ở cổ phiếu vốn hóa lớn và vừa. FiinGroup đánh giá phần lớn nhu cầu cổ phiếu trên thị trường là đến từ nhà đầu tư cá nhân trong nước, đánh bật hoàn toàn lượng bán ròng của tổ chức và nhà đầu tư nước ngoài; đặc biệt là khi vàng và USD không còn là ưu tiên với thế hệ trẻ - chiếm lượng lớn nhà đầu tư cá nhân hiện nay.
Cổ phiếu nào đáng quan tâm?
Thực tế, mặt bằng định giá chung của hầu hết các nhóm ngành đã không còn rẻ so với mức trung bình 3 năm. Tuy nhiên, FiinGroup cho rằng vẫn có những ngành tiềm năng bởi lợi nhuận dự báo tiếp tục tăng trưởng hoặc hồi phục mạnh hậu COVID-19 sẽ giúp đưa định giá về mức hấp dẫn.
Cụ thể, nhóm ngành hưởng lợi từ xuất khẩu dự báo sẽ duy trì đà tăng như thép, hóa chất, hàng & dịch vụ công nghiệp. Bên cạnh đó, thực phẩm cũng sẽ là điểm sáng khi hưởng lợi từ nhu cầu tiêu thụ tăng đột biến trong giai đoạn giãn cách xã hội. Nỗ lực đẩy mạnh giải ngân đầu tư công của Chính phủ nhằm đẩy mạnh và bù lại tác động của dịch bệnh sẽ là chất xúc tác cho ngành xây dựng và vật liệu.
Khi các tỉnh thành mở cửa từng phần cũng sẽ mở ra cơ hội cho nhóm cổ phiếu bán lẻ và sau đó là bất động sản. Với bất động sản, cơ hội đầu tư sẽ đến từ các DN BĐS với hàng tồn kho sẵn sàng để bán có tính thanh khoản cao và các dự án chuẩn bị triển khai đã xong thủ tục pháp lý và giải phóng mặt bằng.
Ngoài ra, các ngành tài chính bao gồm ngân hàng, bảo hiểm và chứng khoán cũng được đề cập tới do sự đóng góp và dẫn dẵn đến xu hướng thị trường nói chung. Ngoài ra, các ngành sẽ tiếp tục được hưởng lợi bao gồm: công nghệ và cung cấp giải pháp, thiết bị công nghệ; tiện ích: nước sạch, điện; và sản xuất bao bì, logistic.