Financial Times: Dogecoin - Canh bạc hời hay 'cú lừa'?
Trong khi Bitcoin chỉ tăng khoảng 7.700% từ 2013 đến nay thì Dogecoin đã có tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc 200.000%.
- 09-05-2021Dogecoin lao dốc 30% vì Elon Musk
- 08-05-2021USD xuống đáy 2 tháng, Nhân dân tệ lập đỉnh hơn 8 tuần; các tiền điện tử Bitcoin, Either và Dogecoin đều tăng
Theo tờ Financial Times, năm 2021 là khoảng thời gian đầy khó hiểu cho thị trường tài chính với những bong bóng đầu cơ từ trên trời rơi xuống. Từ việc tăng giá 1.500% của cổ phiếu hãng bán lẻ trò chơi điện tử GameStop cho đến đà đi lên 15.000% của Dogecoin, đồng tiền từng bị coi là một trò đùa.
"Bạn có muốn Tesla chấp nhận thanh toán bằng Dogecoin?" là một trong số những bài đăng của tỷ phú Elon Musk trên Twitter về loại tiền số này, qua đó kích thích những tranh cãi và sự hứng thú của vô vàn nhà đầu cơ.
Về lý thuyết, Dogecoin có nhiều điểm tương đồng với Bitcoin. Đây cũng là một loại tiền số được ghi nhận bởi một mạng lưới máy tính phi tập trung, không thuộc quyền kiểm soát của bất cứ bên nào. Chúng cũng được theo dõi giao dịch qua một sổ cái kỹ thuật số dùng công nghệ Blockchain. Thế nhưng thay vì được tung hô cùng vô số những lập luận để nâng giá như Bitcoin khi mới ra mắt, Dogecoin chỉ được coi như một trò đùa.
Dẫu vậy, dù không được cho là sẽ "tự do hóa nền tài chính" hay trở thành "đồng tiền dự trữ toàn cầu" hoặc thay đổi cả nền kinh tế thế giới như Bitcoin, nhưng Dogecoin kể từ khi ra mắt vào tháng 12/2013 lại đang có tốc độ tăng trưởng còn nhanh hơn cả loại tiền số phổ biến nhất toàn cầu.
Trong khi Bitcoin chỉ tăng khoảng 7.700% từ 2013 đến nay thì Dogecoin đã có tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc 200.000%.
Nói cách khác, nếu bạn muốn đổ tiền vào kênh đầu tư sinh lời nhất trong 7 năm rưỡi qua thì không phải Bitcoin mà Dogecoin mới là mảng tiền số phù hợp yêu cầu.
Thế nhưng chính sự tăng giá mạnh của Dogecoin, một thứ từng được coi như trò đùa lại đang là cái tát cho những người chơi tiền số, vốn tung hô và coi trọng thị trường Bitcoin hay những loại tiền số khác. Tất cả những lý thuyết, những mỹ danh mà người chơi đặt cho chúng hóa ra chẳng bằng một con chó Shiba Inu, biểu tượng của đồng Dogecoin.
Trong khi những người chơi tiền số cổ xúy tư tưởng rằng Bitcoin sẽ thay thế tiền truyền thống một ngày nào đó, rằng chúng ta cần nắm giữ một loại tài sản trong thời đại công nghệ số, rằng Bitcoin sẽ chống lại lạm phát được tạo ra bởi các ngân hàng trung ương thì lý do thực sự của họ chỉ là cố đẩy giá đồng tiền này và lùa người chơi mới tham gia.
Theo Financial Times, Bitcoin hay nhiều loại tiền số hiện nay cũng chẳng khác gì thị trường đa cấp khi những người tham gia trước có động cơ lợi ích vô cùng lớn để kéo người sau rót tiền bằng bất cứ giá nào. Dù làm giàu từ Bitcoin là mục tiêu chính và quả thật thị trường này đã khiến nhiều người trở thành tỷ phú chỉ sau 1 đêm nhưng đây lại không phải yếu tố duy nhất khiến nhiều người chơi tiền số.
Có thể nói chơi tiền số hiện nay chẳng khác gì đánh bạc và cũng tương tự như khi bạn vào Casino, mọi người ngoài mong ước kiếm tiền thì họ còn được thỏa mãn tính giải trí. Chẳng có gì ngạc nhiên khi sự bùng nổ của thị trường tiền số đi cùng với việc thế giới bùng phát đại dịch và nhiều người bị nhốt ở nhà, buồn chán và không có kênh giải trí cũng như kiếm tiền. Vậy là một hình thức đánh bạc vừa giải quyết nỗi buồn vừa có thể đem lại lợi nhuận, hoặc những khoản nợ chồng chất xuất hiện với mỹ danh: "tiền số".
"Hiện tượng thị trường buồn chán"
Nhà báo Matt Levine của hãng tin Bloomberg từng mô tả hiện tượng này là "Hiện tượng buồn chán của thị trường" (Boredom Markets Hypothesis) khi nói về thị trường chứng khoán.
Theo đó nhiều nhà đầu tư chơi cổ phiếu vì cảm thấy buồn chán và muốn tìm cách giải trí như đánh bạc. Họ muốn hưởng thụ cảm giác chiến thắng được tiền và cả sự thất vọng khi mất vốn, rồi cơn hăng máu khi tiếp tục gỡ gạc mà trầm mê trong đó.
Việc chơi chứng khoán càng hấp dẫn thì mọi thứ khác càng tẻ nhạt và họ tiếp tục mua vào cổ phiếu. Điều này cực kỳ phổ biến khi nền kinh tế gặp khó khăn, sự suy giảm các cơ hội kiếm lời khác khiến hiện tượng thị trường buồn chán này càng lan rộng.
Quay trở lại tiền số, thị trường này chẳng khác nào một canh bạc và thậm chí còn dễ dàng hơn là bước vào Casino. Nếu tại Mỹ bạn sẽ chịu nhiều ràng buộc để có thể chơi tại Casino thì chỉ cần vài cái click là đã có thể đánh bạc với Bitcoin hay bất cứ đồng tiền số nào.
Theo Financial Times, sự hứng thú, hưng phấn khi mua một thứ gì đó sẽ tác động đến số tiền mà mọi người bỏ ra để mua chúng, và trường hợp này có thể thấy rõ với Dogecoin.
Về lý thuyết, những đồng tiền số như Bitcoin đáng lẽ phải có giá hơn khi số lượng có hạn, vào khoảng 21 triệu đồng. Sự phổ biến của Bitcoin cũng lớn hơn thế nhưng Dogecoin lại giáng một cái tát vào những đồng tiền số lớn khi tăng giá vượt mặt bất chấp chúng có thể khai thác vô hạn. Ngoài ra, thị trường không có một sự ràng buộc nào cho việc phát hành những đồng tiền số mới khi hiện đã có gần 10.000 loại tiền số được giao dịch.
Tờ Financial Times nhận định thành công của Dogecoin cũng tương tự như những đồng tiền số khác. Mọi người mua vào vì cảm thấy thú vị, họ được thảo luận với bạn bè hay những người cùng chơi tiền số và đặc biệt là có thể kiếm thêm thu nhập trong mùa dịch. Thế nhưng mọi người cũng nên ngừng nghiêm túc hoá thị trường này bởi chúng ta hoàn toàn có thể làm điều đó với chứng khoán.
Nguồn: FT, AFR
Doanh nghiệp và tiếp thị