Financial Times: IEA kêu gọi các nước lập tức ngừng sản xuất nhiên liệu hóa thạch
Đại diện IEA nhận định, lộ trình không phát thải ròng carbon vào năm 2050 còn nhiều thách thức, nhưng "vẫn có thể đạt được". Theo đó, đến năm 2050, nhu cầu năng lượng toàn cầu giảm khoảng 8% so với hiện tại, ngay cả khi có thêm 2 tỷ người dùng điện.
- 19-05-2021WSJ: Covid-19 - virus 'bất bình đẳng' và hệ quả sự phân hoá giàu nghèo
- 18-05-2021Forbes: Thách thức về tính minh bạch trong chuỗi cung ứng hàng may mặc hậu Covid-19
- 11-05-2021IEA: Cơ chế ưu đãi tại Việt Nam, Trung Quốc và Mỹ là động lực giúp sản lượng năng lượng tái tạo đạt kỷ lục
Ngày 18/5, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) lần đầu tiên công bố báo cáo 'Phát thải ròng bằng không đến năm 2050' (Net Zero by 2050). Theo đó, IEA kêu gọi các quốc gia ngừng việc thăm dò thêm nhiên liệu hóa thạch và nhanh chóng loại bỏ sản xuất nguồn năng lượng này.
Trên thực tế, chưa một công ty khai thác dầu lớn nào cam kết thực hiện giảm sản lượng nhiên liệu hóa thạch hiện tại và ngừng thăm dò thêm mỏ nhiên liệu mới. Trong khi đó, IEA nhận định đây là hành động bắt buộc nếu muốn đạt được mục tiêu không phát thải ròng carbon (net-zero) vào năm 2050.
Nguồn: IEA
Hiện nhiều công ty dầu khí vẫn đang đặt cược vào sự phát triển của công nghệ CCS (carbon capture and storage). Tuy nhiên, công nghệ này vẫn chưa được triển khai trên thị trường. Báo cáo nhấn mạnh, đến khi được triển khai, kể từ năm 2030, cứ mỗi tháng, 10 nhà máy công nghiệp sẽ cần được trang bị CCS, đồng thời cần xây dựng thêm 3 nhà máy công nghiệp sản xuất hydro mới và các khu công nghiệp cần bổ sung thêm 2 GW công suất máy điện phân để sản xuất hydro xanh.
Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol nhận định, lộ trình không phát thải ròng carbon vào năm 2050 được nêu trong báo cáo còn nhiều thách thức, nhưng "vẫn có thể đạt được". "Quy mô và tốc độ để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5°C có lẽ là một trong những thách thức lớn nhất mà nhân loại từng đối mặt".
Theo đó, dựa trên mạng lưới khu công nghiệp và các công cụ mô phỏng năng lượng, IEA đưa ra lộ trình gồm hơn 400 mốc hướng đến mục tiêu không phát thải ròng vào năm 2050. Các cột mốc này bao gồm việc không cấp phép khai thác cho các mỏ dầu và khí đốt mới ngoài các dự án đã được triển khai cho đến năm 2021.
Khi đó, nhu cầu nhiên liệu hóa thạch giảm mạnh, đồng nghĩa với việc các nhà sản xuất dầu và khí đốt sẽ tập trung vào giảm sản lượng và phát thải. Ngoài ra, lộ trình cũng bao gồm việc đến năm 2035, dừng bán ô tô chở khách sử dụng động cơ đốt, tăng hiệu suất năng lượng hàng năm ở mức 4% - cao gấp 3 lần so với mức hiện tại.
IEA thông tin, đến năm 2030, việc bổ sung năng lượng mặt trời và năng lượng gió đạt lần lượt là 630 GW và 390 GW hằng năm có thể nâng tăng trưởng GDP toàn cầu thêm 4% vào năm 2050. Đến năm 2050, công suất và hiệu suất năng lượng tái tạo tăng cao sẽ khiến nhu cầu năng lượng toàn cầu giảm khoảng 8% so với hiện tại, ngay cả khi có thêm 2 tỷ người dùng điện.
Dự kiến, với tổng vốn đầu tư khoảng 40 tỷ USD mỗi năm (tương đương 1% trong tổng số dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực năng lượng ở thời điểm hiện tại), hàng trăm triệu người dân sẽ tiếp cận được với lưới điện toàn cầu.
Tại Việt Nam, đại dịch Covid-19 đã khiến nhu cầu sử dụng điện giảm. Cụ thể, sản lượng điện thực tế năm 2020 là 247 tỷ kWh, tăng trưởng phụ tải ở mức 3%. Trong khi đó, con số này những năm trước thường ở mức 9-10%.
Ngoài ra, năm 2020, Việt Nam chứng kiến sự bùng nổ của điện tái tạo, với sản lượng điện năng lượng tái tạo khai thác được là 12 tỷ kWh, bất chấp kế hoạch ban đầu chỉ là trên 10 tỷ kWh. Sang năm 2021, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia Việt Nam ước tính khoảng 32 tỷ kWh điện tái tạo có thể được khai thác, gấp nhiều lần so với năm 2020.
Nhìn chung, báo cáo nêu rõ, nhiên liệu hóa thạch sẽ chỉ chiếm khoảng 20% nguồn cung năng lượng vào năm 2050, giảm so với mức gần 80% hiện nay. Theo như kịch bản khi tất cả các quốc gia đều thực hiện cam kết đúng hạn và đầy đủ, IEA đã chỉ ra sự thay đổi cơ cấu năng lượng trong những thập kỷ tới. Cụ thể:
Sau năm 2030, dự báo nhu cầu dầu mỏ sẽ ổn định ở mức khoảng 104 triệu thùng/ ngày. Tỷ lệ sử dụng khí đốt có thể sẽ tăng lên đáng kể trong lộ trình cam kết, tương tự đối với năng lượng hạt nhân.