Financial Times: Vượt qua Mỹ, Việt Nam và Mexico trở thành điểm đến hàng đầu của các doanh nghiệp Trung Quốc cho các dự án sản xuất và logistics
Theo Financial Times (FT), trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và các chính phủ phương Tây ngày càng gia tăng, các doanh nghiệp Trung Quốc đang ngày càng ưa chuộng đầu tư vào các nước như Việt Nam và Mexico.
Theo dữ liệu mới nhất về FDI Markets của Financial Times, trong 3 tháng đầu năm 2024, các doanh nghiệp Trung Quốc đã lên kế hoạch đầu tư ít nhất 39 dự án sản xuất và logistics ở Việt Nam và 41 dự án tại Mexico.
Financial Times đánh giá, đây là con số cao nhất về các dự án được công bố ở cả hai quốc gia kể từ khi FDI Intelligence bắt đầu theo dõi tin tức đầu tư nước ngoài vào năm 2003.
Đáng chú ý, FT cho hay, cả Mexico và Việt Nam hiện đã vượt qua Mỹ để trở thành lựa chọn đầu tư hàng đầu của các doanh nghiệp Trung Quốc, cụ thể là các dự án sản xuất và logistics. Bên cạnh đó, Thái Lan, Malaysia, Hungary và Ai Cập cũng ghi nhận số lượng các dự án của Trung Quốc ở mức kỷ lục tính đến cuối tháng 3/2024.
Những diễn biến này cho thấy rõ, khi các công ty đa quốc gia phương Tây tìm cách phá vỡ sự phụ thuộc hàng thập kỷ vào các nhà máy ở Trung Quốc, các nhà sản xuất Trung Quốc đang dần gia tăng sự hiện diện của họ ở nước ngoài.
Một trong số những dự án đầu tư lớn của Trung Quốc phải kể đến nhà máy trị giá lên tới 2 tỷ USD ở Mexico do công ty con của Tập đoàn Công nghiệp Ô tô Thượng Hải đầu tư.
Việc Hoa Kỳ tuyên bố mức thuế mới đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào tháng trước đã tác động đến các doanh nghiệp của quốc gia này. Khi Mỹ nhập khẩu nhiều hơn từ các thị trường khác trên thế giới, các doanh nghiệp Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước này. Ngay cả các nhà sản xuất nhỏ tại Trung Quốc cũng đang tìm cách mở rộng ra nước ngoài.
Theo dữ liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, tổng giá trị xuất khẩu của Trung Quốc sang Mexico và Thái Lan đã tăng hơn gấp đôi lên 158,7 tỷ USD từ năm 2017 đến năm 2023. Tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc chỉ tăng 49% lên 3,4 nghìn tỷ USD trong cùng kỳ.
Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, xuất khẩu linh kiện máy tính của Trung Quốc sang Việt Nam đã tăng hơn gấp ba lần lên 1,7 tỷ USD từ năm 2017 đến năm 2023. Theo công ty tư vấn Eurasia Group, thặng dư thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã tăng đáng kể, không chỉ do sự chuyển dịch sản xuất thực tế từ Trung Quốc mà còn vì các công ty Trung Quốc chỉ đơn giản là chuyển sản phẩm qua Việt Nam.
"Nhập khẩu trực tiếp [từ Trung Quốc] có thể giảm. Nhưng chỉ cần nhìn vào những con đường gián tiếp, chúng ta có thể thấy rằng Mỹ vẫn đang tiếp tục tham gia vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc", Davin Chor, giáo sư kinh tế tại Đại học Dartmouth ở New Hampshire cho biết.
Trả lời Financial Times, Jack Ye, đại diện bán hàng của nhà sản xuất ba lô Trung Quốc Xiamen Obaili Manufacturing cho biết, các doanh nghiệp vẫn có nhiều lợi thế khi hoạt động tại Trung Quốc như thời gian giao hàng, chi phí và chất lượng tốt hơn.
Còn theo Audrey Liang, đại diện bán hàng của nhà sản xuất dao và dụng cụ Summit Enterprise, cho biết, trong suốt 26 năm, doanh nghiệp chỉ có một trụ sở duy nhất ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Thế nhưng, hiện công ty đang xây dựng cơ sở thứ hai tại Việt Nam và hy vọng cơ sở sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm tới. Bà cho biết, các khách hàng của Summit Enterprise đã gợi ý công ty xem xét đặt địa điểm ở Việt Nam vì mức thuế đối với hàng hóa sản xuất ở Việt Nam thấp hơn.
“Nếu khách hàng không có yêu cầu này thì chúng tôi đã không vào Việt Nam”, Audrey Liang nói thêm.
Nguồn: Financial Times