FinTech - Động lực phát triển kinh tế mới cho quốc gia
Những năm gần đây, thế giới tài chính đã chứng kiến những sản phẩm, mô hình và nền tảng kinh doanh mới tham gia vào các lĩnh vực tài chính truyền thống. Những mô hình này dựa trên sự kết hợp hoặc ứng dụng các thành quả của công nghệ vào các lĩnh vực tài chính, mang tên Công nghệ tài chính - FinTech (Financial Technology).
Nhiều trung tâm tài chính thế giới nhận định xu hướng phát triển của FinTech sẽ đe dọa vai trò của họ trong cuộc cách mạng số hóa. Thời gian qua, thế giới và Việt Nam đã chứng kiến sự lớn mạnh của các công ty FinTech, nhiều công ty kỳ lân của thế giới về FinTech đã phát triển mạnh thành các tập đoàn đa quốc gia, những ngân hàng số đã ra đời và hoạt động mạnh mẽ và hiệu quả, những đồng tiền kỹ thuật số cũng đang tham gia lưu thông trên thị trường tiền tệ,..
Vậy FinTech là gì và có ảnh hưởng như thế nào?
FinTech là một lĩnh vực sử dụng những thành quả của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vào các sản phẩm và dịch vụ tài chính cụ thể. Tận dụng những phát triển tiên tiến của kỹ thuật công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin (information technology) và khoa học dữ liệu (data sciences), FinTech thể hiện một tiềm năng chưa từng có để tạo ra một cách mạng thay đổi nền tảng có tính bản chất của tài chính truyền thống. Từ tiền tệ kỹ thuật số (digital currencies), nền tảng huy động vốn từ cộng đồng (crowdfunding platforms), tư vấn đầu tư bằng robot (robot investment advisors), phân tích dữ liệu lớn (big data analytics) và chiến lược kinh doanh dựa trên thuật toán điều khiển (algorithm-driven) đã ảnh hưởng đến cách mọi người thực hiện thanh toán trực tuyến và mặt đối mặt (offline), cách lưu trữ và quản lý tài sản, cách tài trợ cho doanh nghiệp như hiện nay.
Một mặt, FinTech cải thiện đáng kể trải nghiệm dịch vụ người dùng cuối, làm cho ngành tài chính trở nên toàn diện và hiệu quả hơn. Mặt khác, FinTech đặt ra một thách thức lớn về sự hiểu biết và phân tích lợi ích xã hội và rủi ro, công nghệ, và tính hợp pháp, để thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của ngành FinTech. Ngày nay, FinTech đã có những thành công về tính kinh tế, lợi ích xã hội trong lĩnh vực tài chính và tạo ra một số lượng lớn các cơ hội việc làm phù hợp với giới trẻ sáng tạo và vô cùng năng động.
Do vậy, triển vọng tăng trưởng của FinTech ở Việt Nam sẽ rất lớn và mở ra tương lai hứa hẹn cho nhiều lĩnh vực, ứng dụng mới không chỉ dừng lại ở ví điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt như hiện nay.
Đón đầu xu hướng phát triển của Fintech ở Việt Nam như thế nào?
Dựa trên bề dày kinh nghiệm về giảng dạy, nghiên cứu và triển khai các giải pháp về tài chính trong hơn 40 năm qua của Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, Viện Công nghệ tài chính (FTI) được thành lập vào cuối năm 2019 và ra mắt rộng rãi với công chúng vào ngày 16/6/2020.
FTI được sáng lập nhằm tiếp tục kết nối và ứng dụng các thành quả của nền kinh tế tri thức, sự phát triển của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vào giảng dạy, nghiên cứu, tư vấn và triển khai các sản phẩm, dịch vụ công nghệ tài chính ở Việt Nam. FTI được định vị là nơi học tập và nghiên cứu hàng đầu về công nghệ tài chính; cung cấp kiến thức về các công cụ và thị trường tài chính cho những người am hiểu và có đam mê về công nghệ để có thể trở thành các chuyên gia về công nghệ tài chính.
Trong thời gian tới, Viện Công nghệ tài chính sẽ tập trung đẩy mạnh: Thiết lập các chương trình đào tạo về Công nghệ tài chính ở cấp độ cử nhân với các trường đại học uy tín trên thế giới để đào tạo nguồn nhân lực cho thị trường lao động của Việt Nam. FTI cũng thực hiện sứ mạng kết nối với các công ty FinTech, vườn ươm FinTech (FinTech hub) với các doanh nghiệp, nhà hoạch định chính sách và trường đại học nhằm mang đến góc nhìn thực tế và gần gũi hơn cho sinh viên.
Viện trưởng Viện Công nghệ tài chính ký kết hợp tác MOU tại sự kiện ra mắt 03 Viện mới
Đối với mục tiêu học thuật, Viện Công nghệ Tài chính sẽ cung cấp các chương trình, hội thảo, seminars, workshops hội tụ các học giả, chuyên gia trong nhiều lĩnh vực, doanh nhân, và nhà điều hành chính sách nhằm tạo ra diễn đàn trao đổi và thúc đẩy các phát kiến công nghệ tài chính; Thực hiện các nghiên cứu học thuật chuyên sâu để khám phá tri thức trong lĩnh vực công nghệ tài chính. Qua đó, Trường Đại học Kinh Tế TP.Hồ Chí Minh sẽ cập nhật và đổi mới chương trình đào tạo cho sinh viên nhằm nâng cao năng lực thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng trong thị trường tài chính.
Với những sứ mạng và mục tiêu như vậy, FTI mong muốn sẽ góp phần tích cực, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của nền kinh tế Việt Nam, tạo ra động lực tăng trưởng mới dựa trên nền tảng của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, được xem là mô hình kinh tế mới của Việt Nam trong giai đoạn sắp tới.