MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Fintech “phá vỏ kén” thanh toán điện tử: Kỳ vọng từ bước ngoặt mới

17-12-2024 - 15:30 PM | Tài chính - ngân hàng

Fintech “phá vỏ kén” thanh toán điện tử: Kỳ vọng từ bước ngoặt mới

31% công ty khởi nghiệp fintech tại Việt Nam đang làm về dịch vụ thanh toán, khiến vai trò của fintech lâu nay vẫn bị “đóng khung” trong phân khúc lớn nhất này. Nhưng vài năm gần đây, fintech Việt đang chứng minh còn làm được nhiều hơn thế.

Thanh toán điện tử - bước bản lề

Thanh toán số là lĩnh vực chiếm tỷ trọng cao nhất trong thị trường fintech, không chỉ về số công ty hoạt động mà còn ở lượng người dùng. Theo báo cáo của Nextrans, trong hơn 260 fintech tại Việt Nam năm 2022, có khoảng 81 công ty làm về thanh toán (chiếm 31,1%). Các fintech hoạt động ở mảng khác chiếm không quá 18% tổng số.

Người dùng dịch vụ mảng này cũng chiếm tới hơn 90% tổng số khách hàng sử dụng các sản phẩm fintech, theo Statista. Tỷ trọng áp đảo của mảng thanh toán gần như không đổi từ khi fintech còn sơ khai cho tới khi Việt Nam trở thành một trong những thị trường cạnh tranh nhất về fintech ở châu Á.

Sự phát triển của thương mại điện tử và công nghệ di động tạo đà phát triển mạnh mẽ của fintech mảng thanh toán, với dự báo sẽ chạm mốc 18 tỷ USD vào năm 2024. Nhưng tăng trưởng cũng đi cùng áp lực cạnh tranh khốc liệt. Không ít kẻ rời đi, trong đó có những tên tuổi được kỳ vọng "làm nên chuyện" như Moca - ví điện tử từng được Grab hậu thuẫn. Về phần người ở lại, MoMo, fintech nắm giữ thị phần cao nhất Việt Nam, mới đây tuyên bố thoát ra khỏi hình tượng ứng dụng thanh toán để giúp người Việt làm được nhiều hơn với tiền, định vị là trợ thủ tài chính với AI. Zalopay hồi tháng 7 cũng tái định vị, hướng tới nhu cầu tài chính đa dạng.

Động thái làm mới mình của những fintech "đinh" trong thị trường thanh toán điện tử gần đây làm dấy lên câu hỏi chiếc áo thanh toán phải chăng đã chật để cần những đột phá mới. Thoát khỏi "vỏ kén", nhiều fintech đang dần chuyển mình bằng chiến lược mở rộng dịch vụ tài chính, chạm tới nhiều nhu cầu và đối tượng hơn. Trái với quan điểm thị trường đang bão hoà, nhiều chuyên gia nhận định thanh toán điện tử đang vào thời kỳ "bước ngoặt".

Dữ liệu và công nghệ - chìa khóa mở cửa vào tài chính số

Theo các chuyên gia, thanh toán điện tử là cánh cửa để đưa người tiêu dùng bước vào thị trường tài chính số rộng mở với rất nhiều dịch vụ đa dạng khác nhau  như quản lý tài chính, tiết kiệm, vay, đầu tư…

Theo báo cáo "Thúc đẩy tài chính toàn diện ở Việt Nam và vai trò của fintech" do EY vừa công bố, 46% đáp viên đồng ý rằng fintech đã giúp họ tiếp cận nhiều dịch vụ tài chính hơn trước. Phần lớn trong số họ là những người chưa được tiếp cận dịch vụ ngân hàng, hoặc hạn chế sử dụng dịch vụ ngân hàng. Bên cạnh đóng góp về thanh toán không tiền mặt, báo cáo EY nhìn nhận các fintech đang "cách mạng hóa dịch vụ tài chính bằng cách cung cấp các giải pháp thay thế thuận tiện và hiệu quả thay cho ngân hàng truyền thống".

Dữ liệu khách hàng từ thanh toán điện tử chính là chìa khoá cho phép fintech có cơ hội tiếp cận khách hàng và mở rộng các giải pháp tài chính đáp ứng nhu cầu đa dạng, mà sản phẩm tín dụng là một ví dụ. Khai thác nguồn dữ liệu như lịch sử nạp tiền điện thoại di động, thanh toán hóa đơn, sổ sách kế toán,... fintech dựa trên công nghệ AI có thể đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng thay vì sử dụng điểm tín dụng truyền thống.

Ví Trả Sau, một sản phẩm do MoMo hợp tác với ngân hàng TPBank, dựa trên AI đã giúp hơn một triệu khách hàng xây dựng lịch sử tín dụng trên hệ thống của Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC), dù chưa có lịch sử vay mượn hoặc thiếu các thông tin tài chính thông thường.

"Điều này không chỉ giúp họ tham gia vào thị trường tài chính và xây dựng lịch sử tín dụng, mà còn giúp các ngân hàng tiếp cận một lượng lớn khách hàng mới", ông Nguyễn Bá Diệp, đồng sáng lập MoMo cho biết.

Cũng theo khảo sát của EY, 50% số người được hỏi có thu nhập gia đình dưới 5 triệu đồng hàng tháng ưu tiên vay vốn từ Fintech.

Mô hình hợp tác giữa các ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính với fintech cũng cho phép các fintech làm được nhiều hơn, thay vì đi một mình. Bảo hiểm, vốn là ngành khá kén kênh tiếp cận khách hàng, đang "nhúng" dịch vụ của họ vào các nền tảng siêu ứng dụng có hàng triệu người dùng, như MoMo, Zalopay, Viettel Money,... Lúc này, Fintech đóng vai trò là các kênh phân phối các sản phẩm bảo hiểm, tạo thêm đầu ra số hóa cho sản phẩm và dịch vụ của họ.

Fintech còn phát triển các sản phẩm khác hỗ trợ tổ chức tài chính tiếp cận cơ sở khách hàng rộng hơn, chẳng hạn như chợ tài chính, mini app, tài khoản khách hàng doanh nghiệp.

Ông Đinh Văn Chiến, Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối Ngân hàng Cá nhân, TPBank đại diện Ngân hàng TPBank cho biết, TPBank đang hợp tác với Fintech để mở rộng dịch vụ đến nhóm khách hàng unbanked và underbanked - khách hàng chưa được tiếp cận dịch vụ ngân hàng/ hoặc hạn chế sử dụng dịch vụ ngân hàng. Các lĩnh vực hợp tác bao gồm ứng trước tiền hàng (COD Financing), chấm điểm tín dụng cho MSME, Mua trước trả sau (BNPL), Công nghệ khác (e-KYC),...

Fintech đang thúc đẩy cuộc cạnh tranh cải tiến chất lượng dịch vụ không chỉ trong chính nội bộ các doanh nghiệp ngành này, mà đối với cả các tổ chức tài chính, tín dụng truyền thống. Những sản phẩm đổi mới sáng tạo được kỳ vọng sẽ góp phần "bình dân hoá" các dịch vụ tài chính trong cuộc sống hàng ngày, từ đó hoàn thiện hệ sinh thái. Đúng như định nghĩa cơ bản nhất của fintech, vốn không dừng ở thanh toán, mà còn là wealthtech (quản lý tài sản), insurtech (công nghệ bảo hiểm), cho vay ngang hàng (P2P lending), điểm tín dụng (Credit scoring),... Vẫn còn nhiều khoảng trống để đi đến tài chính toàn diện cần được lấp đầy.

Ánh Dương

Tổ Quốc

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên