FOMO đu đỉnh 1.400, có nên bình quân giá xuống để gồng lỗ?
Trong bối cảnh thị trường biến động tiêu cực và khó lường, việc bình quân giá xuống có thể chất thêm gánh nặng lỗ lên vai nhà đầu tư.
Thị trường chứng khoán liên tục điều chỉnh mạnh thời gian gần đây đã khiến không ít nhà đầu tư bị “kẹp” tại vùng đỉnh từ hồi đầu tháng 7. Không giống như một số người đã chọn cách cắt lỗ chờ cơ hội làm lại tôi vẫn quyết giữ đến cùng vì chỉ mới mạnh tay giải ngân lúc thị trường lên đỉnh 1.400 điểm.
Tôi tham gia thị trường chứng khoán khá muộn sau khi VN-Index vượt đỉnh lịch sử 1.200 điểm hồi đầu tháng 4/2021. Một phần nguyên nhân bởi tiền gửi tiết kiệm chưa đến kỳ hạn rút và một phần bởi không tự tin do chưa tìm hiểu kỹ càng. Thật may mắn thị trường sau khi vượt đỉnh vẫn tiếp tục đi lên nên tôi vẫn có lãi.
Đáng tiếc, khoảng thời gian này tôi không kiếm được nhiều do đi tiền khá dè dặt và thị trường cũng không tăng mạnh. Đến cuối tháng 4, tôi được một nhà đầu tư lâu năm “phím” cho 2 cổ phiếu, 1 ngân hàng và 1 thép . Tôi khá tin tưởng và “tất tay” vào cả 2 cổ phiếu được phím theo tỷ lệ 50:50.
Không lâu sau thị trường lại nổi sóng và cũng không cần nhắc chắc phần lớn nhà đầu tư vẫn còn nhớ bộ 3 “Bank, Chứng, Thép” đã luân phiên đưa VN-Index lên đỉnh như thế nào. Khắp các đội nhóm, các diễn đàn,... đâu đâu cũng bàn tán về những cổ phiếu này. Dù hơi lo lắng vì nghĩ làm gì có bữa trưa miễn phí cho tất cả mọi người nhưng các thông tin hỗ trợ tích cực được “bơm” dồn dập đã giúp tôi tự tin cầm hàng hơn.
Bữa tiệc nào rồi cũng đến lúc tàn, VN-Index bất ngờ giảm sâu 2 phiên 7-8/6 từ 1.370 về 1.320 điểm kéo một loạt cổ phiếu “Bank, Chứng, Thép” quay đầu, thậm chí nằm sàn trong đó có cả 2 cổ phiếu tôi nắm giữ. Với việc mua được giá thấp, tôi không ngần ngại bán bằng mọi giá để bảo toàn thành quả, hay như mọi người vẫn thường nói vui là “chạy rẽ đất”.
Thị trường sau khi “ốm” nhẹ trở lại khá nhanh và cổ phiếu trước tôi nắm giữ cũng túc tắc tìm về đỉnh cũ. Dù khá tiếc nhưng tôi quyết định không vào lại vì sợ đu đỉnh. Nhưng rồi thị trường vẫn tiếp tục đi lên mạnh mẽ, tôi bắt đầu mất kiên nhẫn và rơi vào tình trạng FOMO (Fear Of Mising Out - cảm giác sợ hãi bị mất đi điều gì đó thú vị).
Tôi quyết định xuống tiền bất chấp cảnh báo về việc thị trường không còn rẻ khi VN-Index đã vượt 1.400 điểm. Vì không rành về mặt định giá, tôi chủ yếu quan tâm đến lợi nhuận của doanh nghiệp và đương nhiên 2 cổ phiếu chọn mua lại cũng đều có thông tin báo lãi lớn. Nhưng thật tai hại, thị trường đã quay đầu chóng mặt sau khi đạt đỉnh và cổ phiếu tôi mua cũng không thoát khỏi tình trạng bị bán tháo.
Không còn lợi thế giá vốn thấp như nhịp trước, tôi lỗ ngay khi hàng T+3 về tài khoản và lưỡng lự giữa cắt lỗ hay gồng tiếp. Áp lực càng ngày càng lớn khi khi khoản lỗ bị đào sâu và cuối cùng tôi đã mắc sai lầm khi quyết định mua bình quân giá xuống với hy vọng bắt trúng đáy dù khả năng phân tích kỹ thuật hạn chế.
Đáng tiếc, cứ bắt được đáy hôm nay lại có đáy mới hôm sau, càng trung bình giá lại càng lỗ. Tôi không còn đủ lực đề gồng lúc VN-Index thủng 1.300 điểm và đành đau xót cắt lỗ dần vì sợ thị trường còn rơi khi tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp.
Đối với tôi lúc này cảm giác hối tiếc vì fomo đu đỉnh thậm chí còn không lớn bằng việc quyết định bình quân giá sai lầm khi thị trường còn chưa ổn định. Đây có lẽ sẽ là bài học đầu tư nhớ đời không chỉ của riêng tôi mà còn nhiều nhà đầu tư khác kể cả F0 hay đã có kinh nghiệm.
Mô tả quá trình đi tiền của nhà đầu tư trong bài viết
BizLive