Forbes vạch trần bí mật động trời của Tesla và lời nói dối của Elon Musk
Suốt 1 năm, tài liệu Forbes thu thập được cho thấy lời hứa của Musk không như mong đợi.
- 05-07-2024Elon Musk mất nhiều tiền nhất từ đầu năm 2024
- 05-07-2024Bất ngờ trước diện mạo của hàng loạt tỷ phú, CEO công nghệ như Elon Musk, Jack Ma, Bill Gates... từ thủa khởi nghiệp hàn vi tới khi lên đỉnh cao của thế giới
- 05-07-2024Elon Musk huỷ chuyến thăm, ngừng liên lạc, 'bỏ rơi' 1 quốc gia châu Á với lời hứa Tesla sẽ đến xây nhà máy 3 tỷ USD
Năm ngoái, ngay sau khi hội đồng quản trị và các nhà đầu tư Tesla bác bỏ đề xuất thuê giám sát viên bên ngoài để đảm bảo các nhà cung cấp coban không sử dụng lao động trẻ em hoặc lao động cưỡng bức tại các mỏ ở Cộng hòa Dân chủ Congo, Elon Musk khẳng định mình sẽ làm nhiều hơn thế nữa.
“Trên thực tế, chúng tôi sẽ lắp một webcam trên mỏ. Nếu ai nhìn thấy trẻ em, vui lòng cho chúng tôi biết”, người giàu nhất thế giới nói với đám đông cổ đông tại cuộc họp thường niên vào tháng 5/2023.
Tuy nhiên, 1 năm sau, tài liệu Forbes thu thập được cho thấy lời hứa hẹn của Musk không như mong đợi. Thay vì một nguồn cấp dữ liệu camera trực tiếp, mỗi tháng, công ty Kamoto Copper cung cấp coban chính của Tesla chỉ đăng một bức ảnh duy nhất về khu phức hợp mỏ rộng lớn, được chụp bởi một vệ tinh Airbus quay quanh Trái đất từ khoảng cách rất xa. Không có trẻ em nào được nhìn thấy, song tất cả chỉ vì độ phân giải kém chất lượng.
Đáp lại, phía Tesla tuyên bố đã có nhiều cuộc đánh giá của bên thứ ba về điều kiện làm việc tại Kamoto, công ty thuộc sở hữu của gã khổng lồ khai khoáng toàn cầu Glencore.
“Các nhà cung cấp trực tiếp của chúng tôi đã trải qua các cuộc kiểm tra từ bên thứ ba để đảm bảo không có lao động trẻ em nào, không có vật liệu nào từ các nguồn hàng trái phép”, công ty cho biết. “Bốn cuộc kiểm tra đã được tiến hành vào năm 2023 và chúng tôi không phát hiện trường hợp nào có lao động trẻ em”.
Tuy nhiên, theo Courtney Wicks, giám đốc điều hành của Investor Advocates for Social Justice, cả hình ảnh vệ tinh hàng tháng lẫn các đánh giá của bên thứ ba đều không giải quyết được các vấn đề đang diễn ra trong hoạt động khai thác coban và đồng. Bà đã đại diện cho nhóm cổ đông Tesla vào năm ngoái cố gắng khuyến khích công ty áp dụng các biện pháp chặt chẽ hơn về nguồn cung coban vào năm 2023.
“Chụp một bức ảnh mỗi tháng — Đó thực ra không phải là một kế hoạch toàn diện,” Wicks nói với Forbes. “Những việc Tesla làm thậm chí không đáng nhắc đến. Hiệu quả vẫn chưa đủ ở giai đoạn này”.
Michael Posner, giáo sư tại Trường Kinh doanh Stern thuộc Đại học New York kiêm giám đốc Trung tâm Kinh doanh và Nhân quyền của Đại học New York, cho biết vấn đề không phải nằm ở những gì đang xảy ra tại khu phức hợp mỏ Kamoto mà là ở các mỏ lân cận không được quản lý.
Nghiên cứu ông thực hiện cùng với Trung tâm Kinh doanh và Nhân quyền Geneva ước tính có khoảng 40.000 người dưới 18 tuổi làm việc hoặc có mặt tại các khu vực khai thác thủ công quy mô nhỏ (ASM) ở Congo. Trẻ em thường ở đó vì gia đình không được tiếp cận dịch vụ chăm sóc trẻ em. Cha mẹ chúng cũng cần có thêm thu nhập.
Posner cho biết: “Hoạt động giám sát đã bỏ qua vấn đề cốt lõi. Coban từ các mỏ quy mô nhỏ được bán cho các thương nhân và trộn lẫn với kim loại đến từ các mỏ công nghiệp như Kamoto. Tesla không giám sát chúng chút nào và đó chính là vấn đề”, ông nói.
Một yếu tố phức tạp hơn nữa: coban từ Congo được vận chuyển đến Trung Quốc để tinh chế, khiến việc đảm bảo rằng nó không có nguồn gốc từ một mỏ thủ công trở nên khó khăn hơn. Posner cho biết: “Khi nó được đưa vào bên trong một cục pin ở Mỹ hoặc Châu Âu, tất cả đã được trộn lẫn ở đâu đó tại Trung Quốc”.
Charles Watenphul, phát ngôn viên của công ty khai khoáng Glencore, cho biết: “Khách hàng của Glencore ngày càng tìm kiếm sự đảm bảo, rằng chuỗi cung ứng của họ không có bất kỳ liên kết nào với các hành vi vi phạm nhân quyền. Hoạt động khai thác đồng và coban của chúng tôi tại DRC đều có sự tham gia của bên thứ ba theo Quy trình đảm bảo khoáng sản có trách nhiệm hàng năm”.
Watenphul cho biết cả Kamoto và Mutanda Mining tại DRC, công ty cũng thuộc sở hữu của Glencore, đã cam kết tham gia Copper Mark - một sáng kiến thúc đẩy các hoạt động khai thác có trách nhiệm.
Quay lại câu chuyện của Tesla.
Thực tế những gì diễn ra ở mỏ đồng không khiến người ta bất ngờ, nhất là khi lời hứa được thốt ra từ miệng một vị tỷ phú thường xuyên lỡ hẹn. Tính năng lái xe tự động đến kế hoạch tạo ra một ‘thiên đường sinh thái’ tại nhà máy Austin đều đang dang dở.
Coban là một thành phần quan trọng của pin xe điện. Được tìm thấy khi kết hợp với đồng, vật liệu này hoạt động như một thành phần ổn định trong cực âm của pin lithium-ion giúp cải thiện mật độ năng lượng. Congo là nguồn cung cấp hàng đầu, với khoảng 70% lượng coban trên thế giới.
Pin sử dụng coban được ứng dụng trong mọi thứ, từ iPhone, máy tính xách tay đến ô tô điện. Tesla không phải là bên tiêu thụ coban lớn nhất, song vị trí dẫn đầu của công ty trong lĩnh vực xe điện đã biến đây trở thành tâm điểm của các nhà hoạt động vì lao động trẻ em và nhân quyền.
Các cuộc kiểm tra của bên thứ ba hiện không giải quyết được mối lo ngại về việc sử dụng lao động trẻ em và lao động cưỡng bức. Chúng được lên sẵn lịch trình thay vì bất chợt kiểm tra vào ban đêm.
“Việc thiếu các tiêu chuẩn và thiếu minh bạch về cách thực hiện - Đó là mối quan tâm chính của chúng tôi. Nghe có vẻ hay trong báo cáo phát triển bền vững nhưng đối với các nhà đầu tư quan tâm đến vấn đề này và coi đây là rủi ro đáng kể, hiệu quả của các cuộc kiểm tra này là gì?”, một chuyên gia nói.
Tesla tuyên bố rằng họ đang nỗ lực giảm lượng coban bằng cách chuyển sang các loại hóa chất pin mới. Hãng cũng đang thu hồi và tái chế nhiều kim loại hơn để sử dụng trong các bộ pin mới. Vào năm 2023, Tesla cho biết họ đã tái chế 117 tấn coban. Mục tiêu của Musk là cuối cùng sẽ ngừng sử dụng nó.
Theo Caspar Rawles, giám đốc dữ liệu của Benchmark: “Động thái giảm coban trong pin nhìn chung đã không còn là ưu tiên hàng đầu đối với nhiều nhà sản xuất pin và ô tô do giá đã chậm lại. Mức tiêu thụ coban có xu hướng giảm chậm trên cơ sở mỗi đơn vị, song mức tiêu thụ chung vẫn lại đang tăng do doanh số bán xe tăng”.
Trong một nghiên cứu về khai thác coban được đồng thực hiện với Trung tâm Kinh doanh và Nhân quyền Geneva, Posner và các đồng tác giả của ông lập luận rằng cách tốt nhất để hạn chế vấn đề lao động tại mỏ thủ công là chính thức thừa nhận vai trò của các hoạt động này trong chuỗi cung ứng, đồng thời nỗ lực cải thiện điều kiện làm việc tại đây.
“Thay vì phớt lờ và giả vờ rằng đó không phải là vấn đề, họ phải thừa nhận rằng đây cũng là một phần trong chuỗi cung ứng. Họ phải làm những gì cần thiết để đảm bảo có một quy trình chính thức hóa các địa điểm này, để trẻ em không phải vào đó và mọi người được làm việc trong điều kiện an toàn”, Posner cho biết.
Theo: Forbes
An ninh tiền tệ