Fortune: Một loại vaccine bảo quản được ở nhiệt độ lạnh bình thường có thể "vươt mặt" Pfizer, Moderna nếu được WHO phê duyệt?
Được biết, so với một số loại vaccine khác như Pfizer hay Moderna, công nghệ protein của vaccine này mang lại một số lợi thế khác biệt.
- 26-09-2021Doanh nghiệp Mỹ gửi thư lần 2, giục Tổng thống Biden hỗ trợ thêm vaccine cho Việt Nam
- 26-09-2021Thiết bị y tế tài trợ về tới Việt Nam phải trả lại vì Bộ Y tế chưa có hướng dẫn
- 26-09-2021VCCI: 93,9% doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực bởi Covid-19, chỉ có thể cầm cự thêm tối đa 6 tháng nữa
Mới đây, nhà sản xuất vaccine Novavax của Mỹ thông báo rằng họ đã nộp đơn xin cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine Covid-19 của công ty lên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Nếu được WHO chấp thuận, vaccine của Novavax có khả năng giúp cân bằng việc tiếp cận vaccine Covid-19 ở các quốc gia trên thế giới.
Tuy nhiên, tờ Fortune nhận định, trước mắt, công ty vẫn phải đối mặt với các vấn đề nghiêm ngặt về quy định và sản xuất trước khi có thể cung cấp vaccine rộng rãi trên thế giới.
"Việc xin WHO cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine Covid-19 dựa trên protein của chúng tôi là một bước quan trọng trên con đường thúc đẩy tiếp cận và phân phối công bằng hơn cho các quốc gia có nhu cầu lớn về vaccine trên thế giới", Stanley Erck, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Novavax cho hay.
Đồng thời, nếu hồ sơ được thông qua, Novavax sẽ là vaccine Covid-19 đầu tiên dùng công nghệ protein được Tổ chức Y tế Thế giới chấp thuận. Được biết, công nghệ protein giúp tạo ra hệ thống miễn dịch chống lại Covid-19 thông qua một loại protein có chứa một phần mầm bệnh. So với một số loại vaccine khác, công nghệ này mang lại một số lợi thế khác biệt.
Thứ nhất, không giống như phương pháp mRNA của Pfizer và Moderna, Novavax có thể được giữ ở nhiệt độ lạnh bình thường (2 đến 8 độ C). Trong khi đó, cả hai loại vaccine Pfizer và Moderna đều quy định nhiệt độ bảo quản dưới 0 độ C.
Thứ hai, trong các thử nghiệm, vaccine của Novavax ít gây ra các phản ứng phụ nghiêm trọng hơn so với các mũi tiêm mRNA mà vẫn có hiệu quả tương đương. Các thử nghiệm ở giai đoạn III của Novavax cho thấy, vaccine này có hiệu quả 90,4% trong việc ngăn ngừa các ca mắc Covid-19 có triệu chứng.
Đáng chú ý, vào đầu tháng 8, Novavax cũng cho biết mũi tiêm vaccine tăng cường có thể tạo ra số kháng thể chống biến chủng Delta nhiều gấp 6 lần so với hai mũi đầu.
Nhưng những thách thức mà Novavax phải đối mặt không bắt nguồn từ hiệu quả bảo vệ quả vaccine. Đúng hơn, Novavax đã phải vật lộn trong việc sản xuất ra loại vaccine này.
Novavax cho biết, công ty hiện đang sản xuất vaccine Covid-19 tại 20 nhà máy trên toàn thế giới và sẽ có khả năng sản xuất 2 tỷ liều vào năm 2022. Tuy nhiên, mọi loại vaccine của Novavax mới chỉ đang được sử dụng trong các thử nghiệm lâm sàng.
Tại Mỹ, sau nhiều lần trì hoãn, Novavax dự kiến sẽ gửi đơn xin cấp phép sử dụng khẩn cấp với Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) vào quý 4 năm nay.
Ngoài Mỹ, Novavax đã ký một thỏa thuận với Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII) vào tháng 8/2020. Theo đó, Novavax sẽ cung cấp cho SII quyền sản xuất và phân phối vaccine của công ty dưới tên Covavax ở Ấn Độ.
Đầu năm nay, Novavax và SII đã cam kết sẽ gửi 1,1 tỷ liều vaccine Novavax tới COVAX, và dự kiến bắt đầu cung cấp vaccine cho các quốc gia khác vào quý 3/2021. Nhưng SII cho hay, sự chậm trễ về quy định ở Mỹ đã cản trở khả năng sản xuất và phân phối vaccine của SII.
"Chúng tôi sẽ chỉ có giấy phép khi Novavax nhận được giấy phép từ FDA. Chúng tôi đang cố gắng có được giấy phép trước công ty mẹ, nhưng đó là một nhiệm vụ khó khăn", Cyrus Poonawalla, Chủ tịch của SII trả lời với truyền thông Ấn Độ.
Mới đây, Bộ trưởng Y tế Ấn Độ, Mansukh Mandaviya cho biết, quốc gia này sẽ tiếp tục xuất khẩu vaccine Covid-19 vào tháng 10, nếu WHO chấp thuận thì trở ngại đối với SII và Novavax trong việc cung cấp vaccine cho COVAX sẽ được tháo gỡ.
"Chúng tôi sẽ giúp đỡ thế giới và cũng thực hiện cam kết của chúng tôi đối với COVAX", Mandaviya nói.
Tham khảo: Fortune