MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Founder Got It Hùng Trần: Mình hy vọng sau 10-15 năm sẽ tạo ra một thế hệ có thể lập hàng nghìn công ty như Got It, thậm chí xịn hơn nhiều!

Founder Got It Hùng Trần: Mình hy vọng sau 10-15 năm sẽ tạo ra một thế hệ có thể lập hàng nghìn công ty như Got It, thậm chí xịn hơn nhiều!

Trao đổi với Trí Thức Trẻ về dự án STEAM for Vietnam, Founder của Got It - một trong số hiếm hoi những startup Việt thành công và được biết đến nhiều nhất tại Thung lũng Silicon (Mỹ), Trần Việt Hùng chia sẻ: “Tôi được như ngày hôm nay là do giáo dục. Vì vậy, tôi cũng muốn dạy các bạn nhỏ những điều tốt nhất mà mình đã chắt lọc trong nhiều năm”.

Founder Got It Hùng Trần: Mình hy vọng sau 10-15 năm sẽ tạo ra một thế hệ có thể lập hàng nghìn công ty như Got It, thậm chí xịn hơn nhiều! - Ảnh 1.

Vào những thời điểm như năm 2014 – năm "Make or Break", với việc bị stress hàng ngày, anh làm thế nào để xử lý được công việc dưới áp lực liên tục như vậy?

Cái này cũng là một may mắn đấy. Việc biết cách xử lý với căng thẳng liên tục và liên tục là một kỹ năng mình học được từ hồi làm tiến sĩ. Khi ấy, mình bị giáo sư "ép" kinh khủng khiếp, từ đó tạo cho mình khả năng giải quyết vấn đề, chịu đựng áp lực và giải tỏa stress cực kỳ tốt. Chứ bây giờ mấy ông vừa bị sếp mắng đã phải đi ngồi thiền thì… (cười lớn).

Khi stress quá, mình buộc bản thân phải dừng lại, không làm gì hết trong một khoảng thời gian nhất định để bình tĩnh trở lại. Lúc đấy, mình đã rối rồi thì càng làm càng rối hơn và sẽ đưa ra các quyết định có hại.

Có những ngày áp lực quá, như buổi chiều thứ 6, mình không lái xe về nhà mà chạy thẳng xuống thành phố biển Monterey cách đó khoảng 2 tiếng, ở đó luôn 2 ngày cuối tuần và không làm gì hết. Đến chiều Chủ nhật thấy đầu óc mình đã nhẹ nhàng thì đi về.

Founder Got It Hùng Trần: Mình hy vọng sau 10-15 năm sẽ tạo ra một thế hệ có thể lập hàng nghìn công ty như Got It, thậm chí xịn hơn nhiều! - Ảnh 2.

Trong những thời điểm như vậy, có lúc nào anh nghĩ mình tạm dừng để tìm một cơ hội khác không?

Làm Got It lúc đó giống như tên lửa đẩy tàu vũ trụ, đã phóng rồi thì chỉ chờ lên quỹ đạo hoặc nổ tan, chứ có bao giờ tàu vũ trụ lại dừng giữa chừng hoặc hạ cánh đâu (cười lớn).

Got It phát triển ra sao trong đại dịch Covid-19?

Năm 2020, lúc đầu, bọn mình cũng lo sốt vó vào quý 2 do ảnh hưởng của dịch bệnh. Mô hình kinh doanh của Got It bây giờ là B2B, kể cả các sản phẩm trong lĩnh vực giáo dục cũng bán cho các trường đại học chứ người dùng cá nhân ít thôi. Khi có Covid, khách hàng của mình bị ảnh hưởng. Họ chuyển về chế độ "thắt lưng buộc bụng" hoặc "ngủ đông" thì mình cũng gián tiếp bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, trong dịch bệnh thì học trực tuyến lại nhiều hơn nên tốt cho Got It.

Đến quý 3 thì mọi thứ hồi phục và quý 4 lại phát triển còn tốt hơn.

Thực ra, ban đầu thì cả thế giới hoàn toàn bị động trước Covid và bọn mình cũng thế. Khi Covid xảy ra thì mọi người phải làm việc ở nhà, công ty có nhân sự ở nhiều nơi trên thế giới nhưng chưa bao giờ làm việc ở nhà 100% như thế này nên cũng bị choáng váng.

Lúc ban đầu không biết làm thế nào cho hiệu quả, nhưng chỉ sau vài tháng thì bọn mình nghĩ ra được cách "sống chung với lũ" nên bây giờ thì mọi thứ lại bình thường.

Hiện giờ, Got It đang ở giai đoạn phát triển nào?

Công ty đang phát triển rất tốt. Con số có thể công bố được là công ty đã nhận tổng số tiền đầu tư các vòng gọi vốn hơn 25 triệu USD và đang làm việc với các đối tác rất lớn, có những công ty phần mềm hàng đầu thế giới. Về mặt quy mô, chỉ riêng team kỹ thuật ở Việt Nam đã hơn 90 người. Năm nay, công ty dự kiến sẽ có lãi.

"Got It là một ứng dụng giúp mọi người làm việc hiệu quả hơn bằng cách cung cấp kiến thức họ cần thông qua chuyên gia khi họ bị "tắc". Mô hình của Got It mang chuyên gia đến cho người dùng khi họ bị tắc ở nhiều lĩnh vực, bắt đầu với giáo dục sau đó mở rộng ra cho người làm văn phòng, data science… Got It vẫn tiếp tục tìm kiếm lĩnh vực nhiều người bị "tắc" nhất để mở thêm. Ngày xưa chuyên gia 100% là con người, còn bây giờ vừa là con người vừa là AI (trí tuệ nhân tạo)".

Hùng Trần, Founder Got It

Founder Got It Hùng Trần: Mình hy vọng sau 10-15 năm sẽ tạo ra một thế hệ có thể lập hàng nghìn công ty như Got It, thậm chí xịn hơn nhiều! - Ảnh 4.

Thời gian gần đây, anh lập một tổ chức để kêu gọi các kỹ sư công nghệ Việt trên thế giới về nước khởi nghiệp. Anh nhìn thấy cơ hội phát triển gì ở Việt Nam khi làm điều đó?

Cái chính là năm nay Việt Nam có những lợi thế đặc biệt. Đầu tiên là thiên thời. Việt Nam đã làm tốt một cách khó tin về chống dịch Covid-19. Bạn phải ở nước ngoài thì mới thấy sự khác biệt lớn đến như thế nào. Ở Mỹ là thảm thương thực sự. Ở Việt Nam có mỗi một giai đoạn phải ở nhà vài tuần thôi, chứ còn đi lại tự do.

Như mình từ Mỹ về nước thì chỉ sau vài tuần cách ly thì quên mất luôn là thế giới đang có dịch. Đó là một cơ hội lớn vì thế giới đang bị "bó chân bó tay", phải "nằm im" còn ở mình vẫn bình thường.

Thứ hai là địa lợi. Trục của thế giới đang dịch chuyển về châu Á nên tạo cơ hội cho những người làm công nghệ ở Việt Nam có thể bứt phá. Thị trường Đông Nam Á đang phát triển rất mạnh, như công ty mẹ của Shopee đã có vốn hóa tới hơn 100 tỷ USD.

Thứ ba là nhân hòa. Trên thế giới hiện có nhiều kỹ sư người Việt rất giỏi. Đến giờ, họ đã trưởng thành về mặt chuyên môn, kỹ năng, cả về mặt con người và có network nữa. Với họ thì cơ hội để làm startup ở Việt Nam là rất tốt.

Ở Việt Nam, mình từng duyệt hàng nghìn hồ sơ tuyển dụng, trực tiếp phỏng vấn hàng trăm người nhưng số lượng kỹ sư giỏi, xuất sắc để làm sản phẩm công nghệ là rất ít.

Cũng vì thế, bọn mình mới đang xây dựng một cái bến đỗ đẳng cấp để thu hút các kỹ sư giỏi người Việt ở nước ngoài về, kết hợp với các bạn ở trong nước hiểu biết thị trường, có khả năng kinh doanh. Những người như vậy kết hợp với nhau mới có khả năng làm ra những sản phẩm công nghệ nên hồn. Lý do mình hô hào anh em kỹ sư công nghệ về Việt Nam là như vậy.

Founder Got It Hùng Trần: Mình hy vọng sau 10-15 năm sẽ tạo ra một thế hệ có thể lập hàng nghìn công ty như Got It, thậm chí xịn hơn nhiều! - Ảnh 5.

Anh chia sẻ là năm 2020 đã tuyển được một bạn rất giỏi về AI, và phải cạnh tranh với các công ty lớn như Google để tuyển dụng. Điều gì khiến Got It hấp dẫn so với các công ty lớn khác?

Thực tế, Got It có sản phẩm AI rất hay. Năm 2019, bọn mình làm được một công nghệ dựa trên AI có thể tự động chuyển đổi từ ngôn ngữ tự nhiên sang các câu truy vấn cơ sở dữ liệu SQL. Khi công bố Got It xếp thứ 4 toàn cầu bên cạnh toàn hàng "khủng".

Từ công nghệ đấy nảy sinh ra rất nhiều cơ hội khác và đó là Conversational AI – sản phẩm trí tuệ nhân tạo cho phép hội thoại với cơ sở dữ liệu. Một trong những ứng dụng của nó là có thể thay thế hoàn toàn con người trong nhiều hoạt động hỗ trợ khách hàng. Thông qua việc học được cách giao tiếp với khách hàng dựa trên các trao đổi từng xảy ra trước đây, AI có thể tự động giao tiếp với khách hàng sau này.

Hiện tại, bọn mình đang làm việc với nhiều công ty trong danh sách Fortune 500 để triển khai ứng dụng này. Đây chính là cơ hội hấp dẫn các bạn kỹ sư giỏi về AI tham gia Got It bởi họ muốn được làm một sản phẩm tạo ra thay đổi có tính cách mạng. Bên cạnh đó, bọn mình cũng dành cho bạn ấy một lượng cổ phiếu hậu hĩnh nữa, lương cũng không thấp dù không thể so sánh với các công ty lớn như Google, Facebook...

Tất nhiên, các bạn giỏi như vậy hoàn toàn có thể vào các công ty lớn như Google, Facebook…, nhưng khả năng tác động lớn tới các hệ thống sản phẩm cũng như tốc độ thì ở các công ty startup các bạn ấy được thể hiện tốt hơn nhiều.

Founder Got It Hùng Trần: Mình hy vọng sau 10-15 năm sẽ tạo ra một thế hệ có thể lập hàng nghìn công ty như Got It, thậm chí xịn hơn nhiều! - Ảnh 6.

Để Got It thành công đã vô cùng khó khăn, nhưng anh vẫn thực hiện dự án STEAM for Vietnam vào đúng năm Covid. Vì sao anh không tập trung hoàn toàn cho Got It để công ty không bị rủi ro "có thể chết bất cứ lúc nào" nữa?

Cái này là điều mình học được từ văn hóa Mỹ, từ nhiều người đã giúp mình vô điều kiện trước đó. Ở Mỹ, ngay từ nhỏ trẻ con đã được dạy là phải thực hiện community service (hoạt động đóng góp cho cộng đồng). Như mình ngày xưa làm ở đại học là quét trường, trồng cây, dọn vỉa hè cho hội trẻ con… Một năm bao giờ cũng dành ra một số giờ để làm các việc đấy và cả đóng góp tiền nữa.

Khi làm những hoạt động ấy, mình thực sự có cảm giác cho đi và không tính toán. Đặc biệt, khi làm những việc như vậy, mình có thể gặp một ông tỷ phú của Mỹ cũng đi làm cùng. Văn hóa cho đi ở Mỹ là cái gì đó rất bình thường và rất hay: không phải đến khi giàu mới làm mà là giúp được ai cái gì thì giúp trong khả năng của mình, chứ không cần phải giàu hay giỏi.

Chính vì vậy, năm Covid-19 này (năm 2020), khi mọi người làm việc từ xa thì lại có thời gian hơn vì không mất thời gian di chuyển, không tụ tập đàn đúm... và muốn làm community service như trước cũng không được.

Lúc ấy, ý tưởng STEAM for Vietnam đã có từ lâu rồi, hội tụ những điều kiện phù hợp nhất để làm. Khi mình trình bày ý tưởng này với các bạn đang đi làm hoặc du học sinh ở bên Mỹ thì gần như 100% hưởng ứng ngay lập tức.

Founder Got It Hùng Trần: Mình hy vọng sau 10-15 năm sẽ tạo ra một thế hệ có thể lập hàng nghìn công ty như Got It, thậm chí xịn hơn nhiều! - Ảnh 7.

Hiện tại, STEAM for Vietnam phát triển ra sao?

Lúc đầu, mình chỉ hy vọng dạy được vài trăm cháu biết code trong mùa hè là may lắm rồi, nhưng có tới 7.000 bạn đăng ký học trại hè lập trình 2020. Còn hiện tại, học kỳ mùa xuân đang diễn ra với số lượng đăng ký lên tới 11,000 và lớp học sáng Chủ nhật hàng tuần lúc 8h30 có hàng ngàn học sinh ở khắp nơi tham gia học trực tiếp cùng với giảng viên ở Mỹ.

STEAM for Vietnam giờ thành một phong trào học lập trình trong các bạn trẻ học cấp hai rồi. Mùa hè này, bọn mình còn dự kiến tổ chức một bus tour chạy dọc đất nước, vào cả các làng, bản để dạy lập trình và làm quen với máy tính để nhiều trẻ em thấy được cơ hội.

STEAM for Vietnam áp dụng mô hình giáo dục Online merge Offline để tận dụng tối đa sức mạnh của công nghệ trong việc truyền tải kiến thức một cách tương tác tới một số lượng lớn người học ở nhiều nơi khác nhau. Cái hay là mô hình này cho phép trẻ em vùng sâu, vùng xa hay thành phố đều được học thầy giỏi, là các kỹ sư xịn người Việt ở Silicon Valley. Một kỹ sư có thể dạy cho hàng nghìn học sinh vào sáng Chủ nhật là điều rất bình thường.

Bây giờ, bạn vào Facebook hoặc YouTube và gõ hashtag #STEAMforVietnam thì sẽ thấy những hình ảnh, video vô giá của chương trình này.

Khi cùng nhiều bạn bè thực hiện chương trình này, anh có suy nghĩ gì?

Bọn mình được như ngày hôm nay là do giáo dục, được ra nước ngoài học, và trưởng thành trong môi trường khá tân tiến. Khi mình có được môi trường giáo dục tốt như thế thì nhìn lại tụi trẻ ở nhà có bao nhiêu em được may mắn như mình? Rất là ít. Ở đây không phải là giỏi hay dốt mà là may mắn thôi.

Những người ra nước ngoài như bọn mình chưa thể gọi là thành công nhưng cũng đã đủ chín chắn. Những kiến thức bọn mình tích lũy được chưa phải cao xa gì nhưng rất hữu ích cho hội trẻ con, có thể giúp bọn trẻ định hướng một cách đúng đắn nhất, không bị ảnh hưởng bởi yếu tố thương mại. Với ngành Khoa học Máy tính thì bọn mình tự tin là có đủ kinh nghiệm và kiến thức để có thể giúp được các em.

Trên thế giới, những người thành công như Mark Zuckerberg, Bill Gates, Elon Musk… đều học lập trình, làm quen với máy tính và công nghệ từ lứa tuổi lên 10 vì đó là lứa tuổi cực kỳ sáng tạo. Đối với lứa tuổi đấy không có gì là không thể, kể cả tát cạn nước biển (cười). Nếu định hướng, dạy hội trẻ những thứ tốt nhất mà bọn mình chắt lọc được sau bao nhiêu năm kinh nghiệm thì các em nhỏ có thể có đà tốt, đứa nào có đam mê, khả năng thì đi được xa hơn.

Tương lai, hy vọng bọn nó sẽ "ngon" hơn bọn mình, không phải đi con đường xa và vất vả như bọn mình nữa. Mình hy vọng sau 10-15 năm có thể tạo ra một thế hệ đi xa hơn, làm những việc lớn hơn bọn mình, có thể tạo ra hàng nghìn công ty như Got It, thậm chí còn xịn hơn thế nhiều lần. Đó là cái bọn mình mong muốn tạo ra và cống hiến cho xã hội.

Bài: Quỳnh Lê – Hoàng Ly. Ảnh: Bảo An. Thiết kế: Hương Xuân

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên