Founder Xedap.vn Peter Nguyễn kể chuyện vượt chông gai trong ‘mùa đông’ ngành bán lẻ: ‘Việt Nam sẽ trở thành trung tâm sản xuất xe đạp cho thế giới trong 4-5 năm tới’
Bất chấp những khó khăn trước mắt, anh Peter Nguyễn – ông chủ chuỗi bán lẻ xe đạp lớn nhất cả nước – tin rằng Việt Nam sẽ trở thành trung tâm sản xuất xe đạp cho thế giới trong 4-5 năm tới.
- 27-11-2024Founder Bông Biêng lên tiếng về tin đồn đạo nhái, khẳng định xây dựng thương hiệu trong suốt 1,5 năm, màu sắc của bao bì lấy cảm hứng từ Jacquemus
- 01-10-2024Lần đầu tiên trên Shark Tank: Shark Minh xuống 'deal in kind' chứ không ‘in cash’, dùng quyền lợi của 'cá mập' để làm Co-founder chứ không rót tiền
- 23-09-2024Founder & CEO Đặng Hồng Ngọc: “Mang Việt Nam ra thế giới, mang thế giới về Việt Nam”
Văn phòng của CTCP Vòng Xanh, đơn vị sở hữu hai chuỗi Xedap.vn và Xedaptot.com, nằm giữa Khu đô thị Sala ở quận 2, TP.HCM. Đây là nơi nhiều tín đồ yêu thể thao hội tụ mỗi chiều nhờ môi trường trong lành, không gian thoáng đãng. Cách đó chỉ 300 m là mặt đường Mai Chí Thọ, tuyến đường 12 làn xe sẽ được bố trí làn ưu tiên cho xe đạp trong năm nay.
Song song, lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cũng giao cho Trung tâm quản lý hạ tầng giao thông đường bộ hoàn chỉnh phương án tổ chức các tuyến đường có làn ưu tiên xe đạp ở khu vực trung tâm thành phố và dọc theo tuyến metro. Không chỉ góp phần tái tổ chức giao thông, việc đạp xe còn đem lại nhiều hơn thế.
“Tập luyện thể thao không chỉ để khỏe lên. Bạn sẽ thấy từ sức khỏe đến công việc, mối quan hệ bạn bè, cuộc sống xã hội đều được cải thiện rất nhiều”, anh Peter Nguyễn – Founder & CEO của Vòng Xanh chia sẻ.
Trước khi bước vào “thế giới của hai bánh xe”, anh Peter Nguyễn từng thành công với Buzzmetrics - một công ty công nghệ phân tích thị trường dựa trên các nền tảng mạng xã hội, sau đó bán lại và bắt đầu tham gia các cuộc thi Iron Man (3 môn phối hợp bơi - đạp xe - chạy). Cơ duyên với xe đạp cũng bắt đầu từ đó.
Vòng Xanh được thành lập năm 2016, khởi đầu ở vai trò nhà phân phối chính thức cho Giant International - thương hiệu xe đạp thể thao lớn nhất thế giới. Xedap.vn ra đời sau đó 3 năm, với tham vọng chuẩn hóa thị trường bán lẻ xe đạp, như cách Thế Giới Di Động đã làm với hàng điện tử, hay cách Pharmacity và Long Châu tiến vào ngành dược phẩm.
Tại một đất nước có tới hơn 60 triệu xe máy như Việt Nam, những chiếc xe đạp vẫn len lỏi nhờ việc trở thành phong cách sống riêng, đặc biệt khi những từ khóa như “xanh hóa”, “chăm sóc bản thân”… lên xu hướng.
Sau khi gặt hái nhiều thành công do thành lập đúng giai đoạn Covid-19, người dân chú trọng sức khỏe và môi trường, Xedap.vn lại đối mặt thử thách trong bối cảnh kinh tế khó khăn chung. Để duy trì tăng trưởng, anh Peter Nguyễn đã tìm ra một con đường khác.
Được biết anh từng thành lập một công ty công nghệ trong lĩnh vực Marketing. Vậy cơ duyên nào khiến anh quyết định “khởi nghiệp” một lần nữa với ngành bán lẻ xe đạp?
Tôi chọn xe đạp như một cái duyên. Sau khi bán lại Buzzmetrics, tôi thường đi thi Iron Man và bắt đầu đam mê bộ môn này. Từ đó, tôi quyết định cùng một người bạn phát triển mạng lưới phân phối cho thương hiệu Giant, rồi tiến đến chuỗi bán lẻ.
Với bản thân tôi, xe đạp là một thế giới rất riêng, đầy thú vị, nơi có những mẫu xe mang tính tương lai. Tại nhiều nơi như Đài Loan hay Hà Lan, ngành xe đạp đã trở thành một phong cách sống.
Đạp xe khiến cuộc sống của anh thay đổi như thế nào?
Tôi sống trong thế giới của hai bánh xe, được ngắm nhìn các danh lam thắng cảnh của đất nước trên chiếc xe đạp, được trải nghiệm các dòng xe độc lạ, tự tay thiết kế những chiếc xe đạp có vẻ đẹp khác nhau trong danh mục sản phẩm…
Không nhất thiết phải là đạp xe, nhưng tôi khuyến khích mọi người nên tập thể thao. Sau buổi tập, năng lượng của cơ thể sẽ được tái tạo, trở nên dẻo dai và khỏe khoắn, khiến đầu óc minh mẫn và linh hoạt. Adrenaline và dopamine tiết ra từ hoạt động tập luyện khiến bạn có nghị lực, tinh thần làm những điều mới mà bạn chưa bao giờ dám làm.
Khi vượt qua những giới hạn về mặt thể lực của bản thân, bạn sẽ không còn do dự nữa. Bạn sẽ có động lực bước ra khỏi vùng an toàn, làm điều mới mẻ, trở thành một người có sức sống, đủ sức để lôi kéo những người khác vào thế giới của bạn. Bạn chỉ có thể làm được những việc này khi bắt đầu từ điều nhỏ nhặt nhất. Đó là thực hiện các thử thách về thể lực, từ đó vượt qua những rào cản về tâm lý.
Tập luyện thể thao không chỉ để khỏe lên, mà sẽ đem lại cho bạn nhiều hơn thế. Bạn sẽ thấy từ sức khỏe đến công việc, mối quan hệ bạn bè, cuộc sống xã hội đều được cải thiện rất nhiều. Đấy là điều tôi hướng đến, nên xe đạp không đơn thuần chỉ là một môn thể thao.
Khi anh bắt đầu xây dựng chuỗi Xedap.vn, thị trường xe đạp Việt Nam đang ra sao?
Thị trường xe đạp lúc đó giống như trước thời Thế Giới Di Động chuẩn hóa ngành bán lẻ điện thoại, hay Pharmacity và Long Châu chuẩn hóa ngành bán lẻ dược phẩm. Hầu hết các đại lý đều vận hành theo mô hình nhỏ lẻ, truyền thống. Người chủ tự lắp ráp xe, hàng hóa nhập không rõ nguồn gốc, thương hiệu, giá cả không đồng nhất, dịch vụ kỹ thuật chưa được chú trọng…
Xedap.vn đặt mục tiêu làm chuẩn chỉnh, xây dựng lộ trình lâu dài, gắn liền với lối sống xanh và sức khỏe của người Việt.
Động lực nào thúc đẩy người dân đến các cửa hàng bán lẻ xe đạp chuyên nghiệp, thay vì mua bán sang tay hoặc tìm đến những tiệm nhỏ lẻ, thưa anh?
Lý do cũng giống như mọi người thay vì vào cửa hàng tạp hóa, chợ truyền thống thì chọn cửa hàng tiện lợi hoặc siêu thị. Đó là trải nghiệm mua sắm hiện đại. Bạn được thấy hàng hóa nguồn gốc rõ ràng, có thương hiệu, giá cả niêm yết từ thấp đến cao cho từng phân khúc, sản phẩm đầy đủ từ xe đạp trẻ em đến MTB (xe đạp địa hình), Touring (xe đạp đua), xe đạp gấp, xe đạp thời trang và cả xe đạp điện.
Dịch vụ hậu mãi cũng là yếu tố quan trọng trong việc mua một chiếc xe, chẳng hạn như lắp hỏng sẽ có chỗ sửa, hoặc nơi bảo dưỡng sau một thời gian sử dụng. Xedap.vn đáp ứng tất cả những yêu cầu trên.
Xedap.vn tăng trưởng mạnh trong giai đoạn đại dịch - khi người dân vô cùng chú trọng tới sức khỏe. Vậy có phải anh thành công ngay từ khi bắt đầu?
Chúng tôi đã phải vật lộn rất nhiều, thử nghiệm các mô hình kinh doanh khác nhau như mở chuỗi phân phối thương hiệu Giant, bán xe đạp cao cấp, rồi đến mô hình xe đạp – cà phê… Sau những lần thất bại, chúng tôi đã thành công với mô hình chuỗi bán lẻ nhiều thương hiệu, phục vụ đa dạng nhu cầu của người dân.
Giai đoạn năm 2020-2021, tình hình kinh doanh của Xedap.vn khá tốt do người dân quan tâm đến sức khỏe. Tuy nhiên, hậu Covid-19 chúng tôi cũng gặp khó khăn, phải thu hẹp quy mô như những ngành khác. 2023 là năm ổn định lại. Mặc dù tình hình chưa khá lên quá rõ rệt, nhưng việc thay đổi chiến lược giúp chúng tôi vẫn tăng trưởng.
Anh từng đặt mục tiêu tới năm 2025 sẽ đạt 100 cửa hàng Xedap.vn. Với tình hình kinh tế như hiện nay, mục tiêu đó có thay đổi hay không?
Chúng tôi vẫn theo đuổi mục tiêu 100 cửa hàng, có điều mốc thời gian sẽ phải thay đổi đến năm 2027. Hiện nay, số cửa hàng Xedap.vn đang ở khoảng 30. Tới năm sau chúng tôi mới quay lại mở thêm cửa hàng để thích nghi với tình hình kinh tế.
Mặc dù thị trường bán lẻ gặp nhiều khó khăn, chúng tôi vẫn tăng trưởng và mở rộng, nhưng theo cách khác khôn ngoan hơn là thông qua các siêu thị và mạng lưới nhượng quyền Xedaptot.com. Mô hình nhượng quyền này đang có khoảng 110 cửa hàng, dù mới triển khai chưa đầy 1 năm.
Tôi nghĩ nhượng quyền là một trong những hướng đi phù hợp để thích ứng với toàn cảnh kinh tế suy thoái từ năm 2023 đến nay. Thay vì mở các cửa hàng trực thuộc, chúng tôi phối hợp với các đại lý trên toàn quốc để mở ra một mô hình mà trong đó chúng tôi cung cấp công thức vận hành, hỗ trợ đại lý thiết kế - xây dựng cửa hàng, đào tạo nhân sự, cung cấp hàng hóa… để họ phát triển tại khu vực.
Thương mại điện tử đang là kênh được “người người nhà nhà” quan tâm. Các phiên livestream bán hàng ngày càng phổ biến. Vậy Xedap.vn có đầu tư đẩy mạnh kênh này hay không, thưa anh?
Xe đạp là một ngành khá truyền thống. Chặng đường mua sắm của người tiêu dùng đòi hỏi thời gian cân nhắc dài, nghiên cứu kỹ. Vai trò của cửa hàng offline và dịch vụ kỹ thuật, sửa chữa xe đạp rất quan trọng. Do đó, mô hình kinh doanh của chúng tôi là “từ online đến offline”. Kênh online không tách rời khỏi offline được
Đội ngũ kỹ thuật viên sửa chữa xe đạp lành nghề lâu năm là một tài sản của chúng tôi. Chúng tôi đầu tư vào các trung tâm dạy nghề, trung tâm thử nghiệm kỹ thuật lắp ráp, cấp chứng chỉ, đào tạo đội ngũ kỹ thuật viên xe đạp cho cả nước, không chỉ riêng cho Xedap.vn. Đấy là đặc thù của ngành, đòi hỏi chúng tôi phải có tầm nhìn dài hạn về chiến lược nguồn nhân sự cho mảng kỹ thuật.
Công ty hiện đang có khoảng 260 nhân viên, chưa bao gồm nhân sự của các đại lý.
Khó khăn lớn nhất đối với việc mở thêm cửa hàng có phải là tăng sức mua, sức hút với khách hàng hay không, thưa anh?
Theo tôi, sức mua còn phụ thuộc vào nền kinh tế. Điều căn bản nhất là làm sao để đảm bảo các nhân viên của mình không chỉ bán chiếc xe đạp, mà còn phải hỗ trợ khách hàng sống một cuộc sống cân bằng hơn thông qua việc đạp xe. Các bạn phải là người đạp, người lan tỏa văn hóa và phong cách sống đạp xe đến khách hàng.
Rất nhiều khách mua xe theo phong trào, sau đó bỏ. Nhân viên của Xedap.vn phải chịu trách nhiệm truyền cảm hứng cho khách hàng đạp xe. Song song với đó, chúng tôi cũng vận động các khu đô thị, chính quyền xây dựng làn đường xe đạp. Khi đó, ý thức đạp xe sẽ mạnh mẽ hơn nhiều trong cộng đồng. Với sự phát triển của cơ sở hạ tầng, môi trường ở các khu đô thị cũng trong lành, an toàn hơn cho người đạp thì phong trào sẽ phát triển mạnh mẽ.
Những yếu tố này chưa quá phát triển nhưng đang nhen nhóm, chẳng hạn như việc đề xuất hạn chế xe máy trong nội thành, vận hành hệ thống metro, mở làn đường xe đạp tại một số khu đô thị… Đây là những tín hiệu rất tích cực cho ngành xe đạp.
Do đó, Xedap.vn vẫn rất lạc quan và tự tin vào con đường của mình, vì những gì chúng tôi đang làm có nhiều ý nghĩa khác ngoài bán hàng. Bản thân tôi cũng là một vận động viên Iron Man. Trách nhiệm của tôi là truyền cảm hứng và làm sao để những người xung quanh mình đạp xe nhiều hơn.
Phân khúc nào đang được bán mạnh nhất tại Xedap.vn, thưa anh?
Số lượng bán nhiều nhất sẽ là xe đạp trẻ em, vì một gia đình có thể mua cho con tới 3 chiếc. Tầm 2-5 tuổi mua một chiếc, 5-9 tuổi đổi xe, 10-15 tuổi lại phải mua kích cỡ khác.
Đứng thứ hai là touring – xe đạp đường phố có bánh nhỏ, xe mỏng và đa dụng, dùng để tập luyện, đi học, đi phượt đều được. Thứ ba là MTB – xe đạp địa hình có bánh lớn, giảm xóc, đi được trên đa địa hình, phù hợp với các hoạt động có tính mạo hiểm.
Xét về tốc độ tăng trưởng thì nên nhìn theo phân khúc giá. Khoảng giá 3-5 triệu đồng, tức là mức bình dân, đang là tâm điểm của năm nay. Dòng xe cao cấp với giá từ 10 triệu đồng trở lên thì chậm lại do ảnh hưởng của sức mua.
Anh đánh giá thế nào về tiềm năng ngành bán lẻ xe đạp tại một “đất nước xe máy” như Việt Nam?
Khi nền kinh tế phát triển, tầng lớp trung lưu ngày càng đông, cơ sở hạ tầng hiện đại hơn, mọi người sẽ ngày càng ý thức về sức khỏe và có mong muốn tập luyện. Đây là động lực của rất nhiều ngành, bao gồm thể thao, dinh dưỡng, các dịch vụ sức khỏe, chăm sóc sắc đẹp… Xe đạp sẽ được hưởng lợi trong xu thế đó.
Tôi cho rằng ngành xe đạp có tiềm năng tăng trưởng rất tốt trong dài hạn. Những khó khăn của ngành chỉ là tạm thời do tình hình chung của nền kinh tế. Và thực ra, chúng tôi vẫn tăng trưởng thông qua việc gia tăng độ phủ bằng mô hình nhượng quyền và đưa sản phẩm vào các hệ thống siêu thị.
Một điều đáng chú ý nữa là ngành sản xuất xe đạp trên thế giới đang dịch chuyển về Việt Nam.
Khi xung đột thương mại Mỹ - Trung nổ ra, hầu hết các nhà sản xuất xe đạp lớn bắt đầu dịch chuyển về các khu công nghiệp ở Bình Dương, bao gồm cả Giant hay những hãng phụ kiện. Theo đánh giá của tôi, Việt Nam sẽ là trung tâm sản xuất xe đạp cho thế giới trong 4-5 năm tới, tạo ra làn sóng phát triển xe đạp trong nước.
Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
Nhịp sống thị trường