FPT Online - công ty vận hành báo điện tử Vnexpress - lên sàn Upcom với giá tham chiếu 110.000 đồng/cp
Với mức giá này, vốn hóa ngày chào sàn của FPT Online rơi vào hơn 1.600 tỷ đồng.
FPT Online được định giá khoảng 1.500 tỷ đồng
Sở GDCK Hà Nội vừa chấp thuận cho CTCP Dịch vụ trực tuyến FPT (FPT Online) được đăng ký giao dịch 14.085.336 cổ phiếu trên Upcom với mã chứng khoán FOC. Ngày giao dịch đầu tiên 10/12/2018. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 110.000 đồng/cổ phiếu.
FPT Online thành lập ngày 1/7/2007 với vốn điều lệ ban đầu 40 tỷ đồng. Đến nay sau hơn 10 năm hoạt động, công ty đã tăng vốn điều lệ lên hơn 140,8 tỷ đồng tương ứng với hơn 14,08 triệu cổ phiếu đăng ký giao dịch. Mới đây công ty đã tăng vốn lên 147,9 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu ESOP. Với mức giá chào sàn 110.000 đồng/cổ phiếu, vốn hóa ngày lên sàn của FPT Online đạt 1.627 tỷ đồng.
FPT Online sẽ là công ty thứ 5 liên quan đến FPT lên sàn chứng khoán, cùng với FPT, FPT Retail (FRT), Chứng khoán FPT (FTS) và FPT Telecom (FOX).
Lĩnh vực kinh doanh
FPT Online hoạt động với lĩnh vực kinh doanh chính tập trung vào các mảng quảng cáo trực tuyến, game online, âm nhạc trực tuyến, mạng xã hội và dịch vụ SMS…Các sản phẩm dịch vụ số của công ty bao gồm triển khai truyền thông cho khách hàng trên các trang báo VnExpress.net, Ngoisao.net, Ione.net...
Năm 2018 HĐQT công ty triển khai mô hình kinh doanh thu gọn đến mức đơn giản nhất: tập trung vào mảng kinh doanh chính về nội dung truyền thông, quảng cáo – và là mảng mang lại nguồn thu chính cho công ty.
Cơ cấu cổ đông khá cô đọng
Về cơ cấu cổ đông, tính đến 13/7/2018 FPT Online có 3 cổ đông lớn nắm giữ đến 91,05% vốn điều lệ. Trong đó công ty mẹ - CTCP Viễn thông FPT sở hữu 59,12% vốn, CTCP FPT cũng nắm đến 24,96% vốn. Ngoài ra một doanh nghiệp trong ngành công nghệ khác là CTCP Dịch vụ dữ liệu công nghệ thông tin Vi na - công ty con của CTCP VNG - sở hữu 6,96% vốn.
Hiện trên danh nghĩa FPT Online còn có 2 công ty con là CTCP Dịch vụ Gate có địa chỉ tại Ninh Bình (do FPT Online sở hữu 60% VĐL) và Công ty TNHH MTV Dịch vụ trực tuyến Quốc tế FPT có địa chỉ tại Hà Nội (do FPT Online sở hữu 100% vốn điều lệ). Tuy nhiên cả 2 công ty con này đều đang trong quá trình làm thủ tục giải thể.
Kết quả kinh doanh
Doanh thu của FPT Online tăng mạnh các năm gần đây. Doanh thu năm 2016 đạt hơn 490 tỷ đồng và đã tăng 6% trong năm 2017, lên gần 520 tỷ đồng, và 9 tháng đầu năm 2018 doanh thu thuần đạt gần 378,3 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế cũng tăng trưởng mạnh từ 197 tỷ đồng trong năm 2016 lên trên 250 tỷ đồng lợi nhuận cả năm 2017. Và kết thúc 9 tháng đầu năm 2018 FPT Online báo lãi sau thuế trên 174 tỷ đồng.
Năm 2018 FPT Online đặt mục tiêu đạt 570 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận sau thuế ước đạt 267,2 tỷ đồng. Như vậy kết thúc 9 tháng đầu năm công ty mới hoàn thành 66% kế hoạch doanh thu và 65% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.
Mức lương, cổ tức
Tiền lương bình quân của công ty lại đang giảm những năm gần đây. Lương bình quân năm 2016 hơn 14,81 triệu đồng/người/tháng thì năm 2017 giảm còn gần 14,2 triệu đồng/người/tháng. Và dự kiến năm 2018 còn giảm mạnh xuống mức bình quân 13,91 triệu đồng/người/tháng.
Tuy nhiên FPT Online lại là doanh nghiệp thường xuyên trả cổ tức cao hàng năm. Năm 2015 cổ đông công ty nhận 50% cổ tức, sang năm 2016 là 60% và năm 2017 cũng trả 50% đều bằng tiền mặt. Năm 2018 công ty đặt kế hoạch chia cổ tức tỷ lệ tối thiểu 35%.
"Của để dành" trước khi lên sàn
Trên BCTC hợp nhất quý 3/2018 thể hiện, tính đến hết quý 3/2018 tổng giá trị tài sản công ty đạt gần 1.020 tỷ đồng. Nợ phải trả gần 275 tỷ đồng trong đó không ghi nhận vay và nợ thuê tài chính. Vốn chủ sở hữu đạt 745 tỷ đồng, trong đó vốn góp chủ sở hữu gần 141 tỷ đồng.
"Của để dành" của FPT Online còn có hơn 586 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, còn 12,9 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần và số cổ phiếu quỹ trị giá hơn 450 triệu đồng.
Trí Thức Trẻ