FPT Online đạt lợi nhuận cao kỷ lục sau 2 năm giã từ làng game Việt
2 năm trở lại đây, FPT Online dồn nguồn lực vào các sản phẩm trực tuyến khác như báo điện tử hay website nghe nhạc.
Những ngày cuối năm 2014, giới game thủ Việt Nam không ít tiếc nuối khi nhiều tựa game hấp dẫn lúc đó thông báo đóng cửa. Đây đều là những sản phẩm "vang danh một thời" của FPT Online, mà sau đó, một số ít thì ra đi vĩnh viễn, một số ít được chuyển nhượng sang những cái tên khác của làng game Việt như VNG hay VTC. Thời đó, Thiên Long Bát Bộ, Tây Du Ký hay War Thunder đều trở thành sức hút đối với không ít game thủ. FPT Online vốn có thế mạnh ở 2 mảng báo điện tử và game online, nên quyết định giã từ mảng game đã khiến cho sân chơi mất đi một tên tuổi lớn.
Mới đây, CTCP Dịch vụ trực tuyến FPT (FOC) đã công bố báo cáo tài chính quý IV năm 2016. Theo đó, cả năm FPT Online thu về 490 tỷ đồng, tăng 11% so với năm trước, kéo mức lợi nhuận gộp đạt 401 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với mức lợi nhuận gộp có được trong những năm "ôm đồm" mảng game online. Tỷ suất lợi nhuận gộp tương ứng đạt 82% cao nhất trong lịch sử.
Doanh thu tài chính năm 2016 đạt 59 tỷ đồng, tăng thêm 45 tỷ đồng so với năm ngoái. Chi phí quản lí doanh nghiệp tăng mạnh 71% lên 177 tỷ đồng. Tổng kết cả năm FPT thu về 193 tỷ lợi nhuận sau thuế, thu nhập trên mỗi cổ phiếu đạt hơn 14.000 đồng.
Mặc dù chưa công bố chi tiết cơ cấu doanh thu, nhưng rõ ràng, kết quả kinh doanh của FPT Online đã có sự cải thiện vượt bậc. Điều này thể hiện phần nào hướng đi đúng đắn mà FPT Online đang nhắm tới.
2 năm trở lại đây, FPT Online dồn nguồn lực vào các sản phẩm trực tuyến khác như báo điện tử hay website nghe nhạc.
Không thể không kể đến 1 sản phẩm "nổi danh" thuộc quyền sở hữu của FPT Online chính là trang tin tức vnexpress.net. Trong tập hợp 6 website đang hoạt động, vnexpress.net là trang gây được tiếng vang lớn nhất và kiếm về cho FPT Online bộn tiền nhờ hoạt động quảng cáo. Ngoài hình thức banner, logo theo kiểu truyền thống, công ty đã triển khai cung cấp các hình thức quảng cáo cao cấp. Theo bảng báo giá năm 2016, có những vị trí "đắc địa" trên vnexpress tiêu tốn của doanh nghiệp cả trăm triệu đồng một tuần.
Trang nghe nhạc trực tuyến nhacso.net cũng là một trong những "đứa con sáng sủa" của FPT Online còn hoạt động đều đặn tới ngày nay. Thành lập từ 2005, nhưng phải đến tận đầu năm 2011, nhacso.net chính thức thay đổi diện mạo và nâng cấp thành mạng xã hội âm nhạc đáp ứng nhu cầu nghe nhạc online với nhiều tính năng. Mặc dù chưa thể đứng ngang hàng với những "anh cả" trong dịch vụ nghe nhạc trực tuyến như mp3.zing hay nhaccuatui.com nhưng nhacso.net vẫn có cho mình một lượng truy cập nhất định.
Hiện tại, FPT Online đang là công ty con của FPT Telecom (FOX) nắm giữ 59,12%. Ông Thang Đức Thắng - CT HĐQT công ty, đồng thời là Tổng biên tập báo điện tử vnexpress.net nắm 1,21% vốn.
Tập đoàn FPT sở hữu phần lớn FPT Online
Trí Thức Trẻ