FPT Telecom (FOX) báo lãi quý 3 tăng trưởng 22%, vẫn còn 11.300 tỷ đồng gửi ngân hàng
FPT Telecom đã thực hiện 74% chỉ tiêu doanh thu và 73% mục tiêu lợi nhuận sau ba quý đầu năm.
CTCP Viễn thông FPT (FPT Telecom – mã chứng khoán FOX) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2022 với doanh thu thuần đạt 3.731 tỷ đồng, tăng 20% so với so với cùng kỳ. Biên lãi gộp tiếp tục cải thiện 7% so với cùng kỳ năm trước, lên mức 49% tương ứng lợi nhuận gộp đạt 1.809 tỷ đồng.
Trong kỳ, doanh thu tài chính của FPT Telecom tăng 60% so với cùng kỳ lên hơn 204 tỷ đồng, chủ yếu do tăng lãi tiền gửi. Trong khi đó, chi phí tài chính tăng chậm hơn 29% lên 120 tỷ đồng, riêng lãi vay chiếm gần 90 tỷ đồng, gần gấp đôi quý 3/2021. Các khoản mục chi phí khác cũng tăng so với cùng kỳ, cụ thể là chi phí bán hàng tăng 42% lên hơn 509 tỷ trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng 30% lên 661 tỷ đồng. Kết quả, FPT Telecom lãi ròng 550 tỷ đồng trong quý 3, tăng 22% so với cùng kỳ song hạ nhiệt nhẹ so với mức kỷ lục quý 2 liền trước.
Tính chung 9 tháng đầu năm, FPT Telecom ghi nhận doanh thu đạt 10.807 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.740 tỷ đồng, lần lượt tăng 17% và 22% so với cùng kỳ. Năm 2022, công ty lên kế hoạch kinh doanh với mục tiêu doanh thu 14.560 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 2.250 tỷ đồng. Như vậy, FPT Telecom đã thực hiện 74% chỉ tiêu doanh thu và 73% mục tiêu lợi nhuận sau ba quý đầu năm.
Theo giải trình, FPT Telecom cho biết trong năm 2022, công ty tiếp tục tăng cường chất lượng đường truyền cũng như chất lượng chăm sóc khách hàng, đồng thời thực hiện nhiều biện pháp thúc đẩy bán hàng, tối ưu chi phí, nâng cao năng suất lao động, tối ưu hoạt động tài chính.
Tính đến cuối quý 3, tổng tài sản của FPT Telecom tăng 1.471 tỷ đồng, tương ứng 7% so với đầu năm lên mức 22.520 tỷ đồng. Trong đó, nổi bật nhất vẫn là khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn hơn 11.300 tỷ đồng, giữ nguyên so với đầu năm. Đây là các khoản tiền gửi có kỳ hạn ngắn (từ 3 đến 12 tháng) tại các ngân hàng. Nếu so sánh với cùng thời điểm năm ngoái, số dư tiền gửi của FPT Telecom thậm chí đã tăng gần 3.700 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu so với thời điểm cuối quý 2/2022 thì khoản tiền này đã giảm gần 1.400 tỷ.
Mặt khác, FPT Telecom cũng đi vay nhiều hơn chủ yếu là các khoản vay ngắn hạn. Thời điểm 30/9/2022, nợ vay ngắn hạn ở mức 9.235 tỷ đồng, tăng 162 tỷ đồng so với đầu năm trong khi nợ vay dài hạn giảm 108 tỷ đồng xuống mức 627 tỷ đồng. Nếu so với cùng thời điểm năm ngoái, tổng nợ vay của FPT Telecom cũng đã tăng gần 3.100 tỷ đồng.
Nhịp Sống Thị Trường