MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

FPT Trading sẽ nối gót FShop bán trong năm nay

07-05-2016 - 14:13 PM | Doanh nghiệp

"Mục đích của FPT là giữ một phần không chi phối. FPT cho thấy chiến lược sẽ là một phần nhỏ nhưng thu lợi nhuận lớn hơn thay vì đóng góp phần lớn mà thu lợi nhuận nhỏ".

Trong đại hội cổ đông thường niên năm 2015, Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình cho biết sẽ thực hiện việc giảm sở hữu mảng phân phối và bán lẻ khi sẽ bán FPT Trading và FPT Retail theo hình thức bán cổ phần.

Thực tế, ý định này đã được ông Bình nhắc trong kỳ đại hội cổ đông từ mùa trước - năm 2014. Việc bán theo hình thức cổ phần theo ông Bình là để đầu tư vào mảng cốt lõi là công nghệ và viễn thông.

Nếu mảng bán lẻ với FPT Shop đã sớm được rao bán từ đầu năm nay thì màng phân phối với FPT Trading hiện vẫn đang là một ẩn số. Trong khi đó, đây lại là mảng nên bán sớm vì về lâu dài, tiềm năng của mảng phân phối di động tại Việt Nam sẽ ngày càng giảm mạnh.

Những báo cáo kết quả kinh doanh đầu năm nay cũng cho thấy, trong khi doanh thu từ FShop tăng trưởng mạnh thì doanh thu của FPT Trading lại tụt rất nhanh. Theo đó, mảng phân phối của công ty trong quý 1 đã sụt giảm doanh thu tới hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt khoảng 2,7 nghìn tỉ đồng.

Sự sụt giảm này, được phía FPT Trading xác nhận là do mảng phân phối bị ảnh hưởng trực tiếp từ chính sách phân phối iPhone của Apple, khi Thế giới di động không còn phải nhập iPhone qua FPT Trading nữa, mà có thể nhập iPhone trực tiếp.

Điều này cũng cho thấy lợi thế của nhà phân phối di động trên thị trường là khá mong manh. 2 nhà phân phối lớn khác tại Việt Nam là DWG và Petrosetco cũng đưa ra những dự báo không mấy khả quan trong năm nay.

Trao đổi với chúng tôi, đại diện FPT Trading cho biết, đơn vị đang mời các đối tác đến tư vấn, định giá và tiến hành kêu gọi các nhà đầu tư.

"Cho đến thời điểm này chưa lộ diện nhà đầu tư nào song nhiều khả năng mảng bán lẻ (Retail) sẽ có giá cao hơn phân phối (Trading) bởi thông thường, bán lẻ bao giờ cũng có mức lợi thế hơn", vị này cho biết.

Trước đó, những thông tin đồn đoán cho biết FShop có thể được 'sang tay' với giá khoảng 120 triệu USD. Mặc dù vậy, đại diện 1 quỹ đầu tư cho biết thương vụ FShop vẫn còn khá "nhùng nhằng" khi FPT chưa quyết định được bán lại 49% hay 51% cổ phần.

Quay lại với FPT Trading, đại diện công ty cho biết, cơ hội sẽ mở ra cho tất cả các nhà đầu tư. Song hiện chưa thấy đối tác trong nước nào có tiềm năng.

"Nhà đầu tư là ai và bán với mức giá bao nhiêu vẫn phụ thuộc vào câu chuyện thương lượng cuối cùng".

Đại diện FPT cho biết, dù bán hay không bán thì chiến lược kinh doanh 2 mảng này không thay đổi bởi sẽ không bị chi phối bởi nhà đầu tư. FPT có các dòng tiền rất lớn, nên cần kiến thức và kinh nghiệm nhiều hơn.

Mục đích của FPT là giữ một phần không chi phối. FPT cho thấy chiến lược sẽ là một phần nhỏ nhưng thu lợi nhuận lớn hơn thay vì đóng góp phần lớn mà thu lợi nhuận nhỏ.

Ngoài ra, đại diện FPT Trading cũng cho biết, dù doanh thu quý 1/2016 giảm khá mạnh so với cùng kỳ, nhưng các khoản thu trong quý sau sẽ được bù đắp nhờ đẩy mạnh thị trường phân phối di động online (chưa có bên nào làm) và thu từ việc đẩy mạnh mảng bảo hành.

Theo Hồng Minh

Trí thức trẻ/CafeBiz

Trở lên trên