MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Frenemy - Khi kẻ thù lại đội lốt bạn bè và đây là cách giúp chúng ta thoát khỏi những mối quan hệ độc hại như vậy

19-01-2020 - 13:54 PM | Sống

"Frenemy" có thể là bất kỳ ai thân cận nhất với bạn - từ bạn bè, đồng nghiệp, cho đến người thân trong gia đình, thậm chí là cả người yêu. Và yên tâm đi, họ có đến ti tỉ dấu hiệu để nhận biết, dù có che giấu kín kẽ đến đâu.

Thử ngẫm xem trong các mối quan hệ mà bạn đã từng biết, có ai từng luôn mồm chê bai, công kích người yêu bạn, để rồi vài ngày sau chia tay đã vội liếc mắt đưa tình với chính anh chàng đó? Hoặc, có người bạn nào thường xuyên nói xấu sau lưng, cảm thấy bức xúc mỗi khi bạn đạt được thành công mà không thể hiện ra mặt?

Những người như vậy có thể gọi chung là các "frenemy" - kẻ thù dưới danh nghĩa bạn bè, hoặc đơn giản hơn là những kẻ 2 mặt.

Frenemy - khi kẻ thù đội lốt bạn bè

Frenemy - Khi kẻ thù lại đội lốt bạn bè và đây là cách giúp chúng ta thoát khỏi những mối quan hệ độc hại như vậy - Ảnh 1.

"Frenemy" là một thuật ngữ không có trong từ điển, bởi nó được ghép bằng 2 từ trong tiếng Anh: Friend - bạn bè, và Enemy - kẻ thù. Đây là từ dành cho những kẻ luôn giả vờ làm bạn bè, nhưng thực chất bên trong lại ngấm ngầm tỏ ra ghen tỵ.

Đừng bao giờ nghĩ nó chỉ xảy ra với những mối quan hệ xã giao. Trên thực tế, "frenemy" có thể là bất kỳ ai thân cận nhất với bạn - từ bạn bè, đồng nghiệp, cho đến người thân trong gia đình, thậm chí là cả người yêu. Và yên tâm đi, họ có đến ti tỉ dấu hiệu để nhận biết, dù có che giấu kín kẽ đến đâu.

Trước tiên, thử tìm xem có ai mang những dấu hiệu sau đây không nhé:

- Những kẻ 2 mặt này sẽ không mấy vui vẻ khi bạn tỏ ra nổi bật, nhưng thở phào nhẹ nhõm khi bạn thất bại, và sẽ thấy ghen tị với mỗi thành tựu của bạn.

- "Frenemy" thường đánh giá thấp bạn, sẵn sàng làm tổn thương bạn bằng lời nói cũng như hành động.

- Họ thường xuyên nói xấu sau lưng bạn.

- Họ có thể kể cho bạn nghe nhiều điều tốt đẹp, nhưng khuôn mặt, cử chỉ thì không đúng với những gì họ nói.

- Họ đổ lỗi cho bạn về thất bại của chính mình, kiểu "tao hẳn đã làm được nếu mày không làm thế kia".

- Họ sẽ tìm ra cách gián tiếp gây tổn thương cảm xúc của bạn - như khen ngợi người khác để ngầm so sánh chẳng hạn.

- Thường xuyên mang đến những lời châm chọc trên mạng xã hội, và không bao giờ bỏ qua cơ hội khoe khoang thành quả của mình với bạn.

- Sẵn sàng phạm lỗi (một cách cố ý) để gài bạn vào những tình huống xấu hổ, trớ trêu.


Frenemy - Khi kẻ thù lại đội lốt bạn bè và đây là cách giúp chúng ta thoát khỏi những mối quan hệ độc hại như vậy - Ảnh 3.

Thấy quen không? Có lẽ, rất nhiều người trong chúng ta cảm thấy có tồn tại một mối quan hệ như vậy. Và tin tôi đi, dù bạn có cảm thấy bình thường thì việc có một "frenemy" xung quanh sẽ gây ra nhiều hậu quả không tốt. Khoa học đã chứng minh các "frenemy" có thể gia tăng áp lực dành cho bạn, gây tổn thương về cả thể chất lẫn tinh thần. Như trong bài viết trên BBC bởi David Robson, việc có "frenemy" sẽ làm tăng huyết áp, nhịp tim, và mức độ lo lắng trong bạn.

Với một mối quan hệ như vậy, bạn sẽ chẳng bao giờ biết mình có thể tin tưởng vào họ hay không. Liệu người đó có ủng hộ bạn khi cần, có sẵn sàng dang tay giúp đỡ khi bạn ở sát bên mép vực, hay sẽ tiện tay đẩy cho bạn rơi hẳn? Tính ghen tị vốn có của mối quan hệ với các "frenemy" dần dần sẽ hủy hoại sự tôn trọng, khả năng tin tưởng và tình thương.

Vậy nên nếu nhận ra đâu là một frenemy, đã đến lúc bạn cần suy nghĩ một cách nghiêm túc về tương lai của mối quan hệ giữa cả 2.

Cách đối phó với "Frenemy" và làm sao để chấm dứt một mối quan hệ độc hại?

Frenemy - Khi kẻ thù lại đội lốt bạn bè và đây là cách giúp chúng ta thoát khỏi những mối quan hệ độc hại như vậy - Ảnh 4.

Thực sự thì việc đối phó với một frenemy là không dễ, nhất là khi đó lại là một người thân thiết. Nhưng dẫu vậy, nó cũng không đến mức quá khó, và sau đây là những gì bạn cần phải làm.

Đầu tiên là một cuộc trò chuyện thật thẳng thắn. Hãy nói với người đó rằng bạn không hài lòng với cách họ đang kiểm soát của sống của bạn, và rằng bạn cảm thấy bị tổn thương. Cứ nói thật, đừng sợ gì cả, bởi đôi khi chấm dứt quan hệ lại là tốt cho cả hai.

Tiếp theo là hãy tự tách mình ra, cho bản thân một khoảng không gian riêng. Đến tình yêu đôi lứa còn có lúc như vậy, thì tình bạn cũng không khác gì. Khoảng thời gian này sẽ là lúc để cả hai bình tĩnh lại và đánh giá đúng hơn về mối quan hệ của mình.

Trong trường hợp cảm thấy ngần ngại không muốn trò chuyện thẳng thắn, bạn có thể chọn cách dần dãn ra, tạo khoảng cách giữa cả hai. Có rất nhiều cách để làm việc này: nhắn tin ít hơn, thời gian phản hồi lâu hơn, và tỏ ra bận rộn để cả hai không phải gặp trực tiếp.

Frenemy - Khi kẻ thù lại đội lốt bạn bè và đây là cách giúp chúng ta thoát khỏi những mối quan hệ độc hại như vậy - Ảnh 5.

Ngoài ra, còn một số giải pháp khác như sau:

- Đừng khoe thành tựu của mình với họ, đừng cho họ cơ hội để cảm thấy ghen tị và bước vào cuộc sống của bạn với những suy nghĩ tiêu cực.

- Ngưng theo dõi họ, và cũng đưa họ vào danh sách cần hạn chế trên mạng xã hội.

- Trong trường hợp bạn không muốn làm tổn thương và xa lánh người bạn này, hoặc đây là một người quan trọng với bạn, hãy thử suy ngẫm xem sự ghen tức ấy có tác dụng gì cho bạn hay không. Biết đâu, đó lại là liều thuốc kích thích khiến bạn thành công hơn thì sao?

Và khi đã đọc đến dòng này, chúng ta vẫn còn một điều hết sức quan trọng cần để ý: Hãy nghĩ xem, liệu có phải chính bạn cũng là một "frenemy" hay không? Nên nhớ, bạn sẽ không thể kỳ vọng người khác tốt với mình nếu bản thân không phải là một người thực sự tốt, đúng không?

Tham khảo: BS, VT.co


Theo JD

Helino

Trở lên trên